Lo bị Trung Quốc kềm toả, nhiều người Hồng Kông từ bỏ Hoa tịch

11/07/2016 08:00 GMT+7

Sự áp chế ngày càng tăng của Trung Quốc lên Hồng Kông khiến nhiều người từ bỏ quyền công dân ở Đặc khu hành chính này để tìm sự bảo an ở quốc gia khác.

Thà làm người nước ngoài

Cách đây vài tháng, một phụ nữ quốc tịch châu Âu sống ở xứ Cảng Thơm của Trung Quốc 8 năm sinh được một bé trai.

Bà vốn là con của một phụ nữ người Malaysia gốc Hoa nên cậu bé có thể có hộ chiếu Hồng Kông, bởi theo luật quốc tịch của Trung Quốc, con cháu người gốc Hoa sinh ra trên đất Trung Quốc sẽ được mang quốc tịch nước này.

Ngoài ra, không như Trung Quốc cấm một người mang nhiều quốc tịch, luật quốc tịch của Đặc khu hành chính Hồng Kông cho phép song tịch. Nghĩa là cậu bé vừa có thể là người Trung Quốc mang hộ chiếu Hồng Kông, vừa mang quốc tịch châu Âu của mẹ.

Những tòa nhà chọc trời ở trung tâm Hồng Kông. Nhiều người dân ở đặc khu hành chính này đang đi tìm sự bảo an ở các nước phương Tây Thục Minh

Dù mang quốc huy của Trung Quốc, chiếc hộ chiếu màu xanh đen của Hồng Kông được xếp thứ 20 trên thế giới về giá trị, bởi người cầm nó có thể nhập cảnh 154 quốc gia và vùng lãnh thổ mà không cần visa (trong khi chiếc hộ chiếu màu đỏ thẫm của Trung Quốc chỉ được 50 địa bàn, xếp thứ 87), theo xếp hạng của Henley & Partners năm 2016.

Tuy vậy, người phụ nữ này quyết định không nhận tấm hộ chiếu Hồng Kông cho con.

Lý do: Bà không muốn Trung Quốc “tuyên bố chủ quyền” lên con mình, bởi “thằng bé sẽ bị kẹt vào điều kiện của Trung Quốc và bị đối xử như một công dân Trung Quốc hơn là công dân châu Âu”.

Sự kiện mới nhất khiến bà không do dự từ bỏ những quyền lợi cho con tại Hồng Kông là việc 5 nhà buôn sách Hồng Kông bị các nhân viên tình báo của Bắc Kinh bắt cóc bởi vì họ bán những cuốn sách viết về đời tư các lãnh đạo Trung Quốc.

Một trong số những người bị bắt cóc là ông Lý Bạc (Lee Bo), có hộ chiếu  Hồng Kông và Anh. Tuy nhiên, khi chính phủ Anh lên tiếng can thiệp cho công dân của mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dội một gáo nước lạnh: “Ông ấy (tức Lý Bạc), trước hết và sau cùng, là một công dân Trung Quốc”. 

Trong khi đó, một đồng nghiệp của ông Lý cũng bị bắt là ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing Kee) cho biết ông không được phép gặp thân nhân và luật sư trong suốt 8 tháng bị giam cầm ở đại lục.

Bỏ xứ ra đi

Tương tự người phụ nữ châu Âu “quá bất an nếu con tôi trở thành công dân Trung Quốc”, nhiều người ở Cảng Thơm cũng chọn con đường ra đi bởi lo ngại tương lai của đặc khu hành chính này sau vụ đại biểu tình kéo dài nhiều tháng hồi năm 2014, nhằm đòi quyền lựa chọn lãnh đạo của mình, bị thất bại.

Giới trẻ Hồng Kông đang cảm thấy sự tự do của mình bị tước đoạt dần Thục Minh

Báo The Straits Times (Singapore) dẫn nguồn báo chí Hồng Kông cho hay trong 3 tháng đầu năm 2016, có 56 người từ bỏ hộ chiếu  Hồng Kông, tăng gần gấp đôi so với con số trung bình 33 người/quý trong vòng 5 năm qua.

Bà Mary Chan của công ty dịch vụ xuất nhập cảnh Rothe International Canada cho biết, từ sau sự kiện biểu tình Chiếm Trung Hoàn năm 2014, mỗi ngày bà nhận được khoảng gấp đôi số yêu cầu tư vấn thủ tục xuất cảnh so với trước đó.

Những công ty tư vấn khác như Paul Bernadou & Co., Luxe Legal Group cũng nhìn nhận có xu hướng như vậy.

Khảo sát mới đây của viện nghiên cứu Civic Exchange ở Hồng Kông cho hay 42% người dân Đặc khu hành chính này muốn chuyển đi sống ở nước khác nếu họ có điều kiện, trong khi 70% nói rằng đời sống ở nơi này ngày càng tồi tệ đi.

Và những bến đỗ mới của người Hồng Kông là Mỹ, Úc và Canada.

Thật ra, những con số mới nhất vẫn còn thấp so với thời điểm sau khi xảy ra vụ đàn áp người biểu tình ở Thiên An Môn năm 1989, biến cố dẫn đến việc Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997.

Khi đó, theo số liệu thống kê của Văn phòng An ninh, năm 1995 có đến 43.100 người  Hồng Kông xuất cảnh định cư; trong khi con số năm 2015 chỉ là 7.000 người, tăng nhẹ so với 6.900 người năm 2014.

Lý giải về hiện tượng “tăng chưa đột biến” này, người sáng lập Công ty Paul Bernadou nói rằng do các gia đình phải đắn đo trong việc quyết định ra đi và thời gian chờ hoàn tất các thủ tục xuất cảnh là khá dài.

Ông Chương, 40 tuổi, cho biết ông đã nộp hồ sơ xuất cảnh sang Canada từ tháng 6.2015 và hy vọng có thể ra đi sớm nhất vào năm 2017, với mong muốn tương lai của hai con ông, 6 và 3 tuổi, sẽ tốt đẹp hơn.

Ngoài lo lắng về giáo dục, giá nhà đất tăng cao, an toàn thực phẩm và thành phố quá tải, bất an lớn nhất khiến ông Chương quyết ra đi là nền tự do ở đặc khu hành chính theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” này ngày càng bị xói mòn, mà sự kiện mới nhất là vụ bắt bớ các chủ hiệu sách.

“Sự tự do của người Hồng Kông đang ngày càng bị giảm sút. Khi ai đó lên tiếng, Bắc Kinh nghĩ rằng quyền hành của mình bị thách thức và lập tức ra tay, khiến bạn phải câm miệng”, ông Chương cay đắng nói.

Chị Hoa, người Hồng Kông gốc Việt, lo lắng cho tương lai của gia đình mình khi thời hạn 50 năm (tính từ 1997) sống dưới nền tự trị “một quốc gia, hai chế độ” kết thúc Thục Minh

Hồi tháng 4.2014, trước sự kiện Chiếm Trung Hoàn, phóng viên Thanh Niên có dịp trò chuyện với chị Hoa, một người Hồng Kông gốc Việt, ra đi từ Hải Phòng cách đây 30 năm. Hiện sống bằng nghề bán tạp hóa ở khu Vượng Giác (Mong Kok) có nhiều người gốc Việt, chị Hoa cho hay cuộc sống gia đình chị không quá khá giả nhưng ổn định, do điều kiện phúc lợi của Hồng Kông khá tốt.

“Nhưng về sau thì chưa biết thế nào. Ai cũng lo thời hạn 50 năm sau ngày Anh trao trả kết thúc thì tương lai Hồng Kông sẽ ra sao”, chị Hoa lo lắng.

Khi được hỏi về sự kềm tỏa của Trung Quốc lên Hồng Kông ngày càng gia tăng, chị trả lời: “Chẳng ai thích bên đại lục cả”.

Song tịch đôi khi cũng phiền

Việc nhiều người ở Hồng Kông, gồm cả công dân Trung Quốc lẫn người có quốc tịch nơi khác, từ bỏ hộ chiếu của đặc khu hành chính này đặt ra vấn đề quyền được bảo hộ của người mang nhiều quốc tịch.

Nhà hàng Việt Hưng Viên của người Việt ở khu Vượng Giác - Ảnh: Thục Minh

Website về di trú của Hồng Kông nói rõ công dân Trung Quốc có quốc tịch thứ hai sẽ không được bảo hộ lãnh sự của quốc gia thứ hai đó.

Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia khác, quyền được bảo hộ của người mang nhiều quốc tịch tùy thuộc tấm hộ chiếu mà họ sử dụng khi đi đến nước khác.

Canada đã ký với Trung Quốc thỏa thuận đảm bảo quyền được bảo hộ lãnh sự của công dân Canada mang nhiều quốc tịch, miễn là người đó sử dụng hộ chiếu Canada khi nhập cảnh Trung Quốc hoặc các nước khác.

Anh lại có quy định khác: Nếu một công dân Anh đa quốc tịch đến một quốc gia mà họ cũng có quốc tịch ở đó thì sẽ không được bảo hộ lãnh sự từ chính phủ Anh. “Giả sử bạn có cả quốc tịch Anh và Trung Quốc, bạn không thể được bảo hộ từ chính phủ Anh khi bạn đang ở Trung Quốc”, website di trú của Anh viết.

Trong khi đó, Mỹ quy định: “Khi công dân Mỹ đến một quốc gia mà anh ta cũng mang quốc tịch thì quốc gia đó có thẩm quyền cao hơn đối với anh ta”.

Dù vậy, theo các nhà quan sát, bất luận quy định của các nước khác thế nào, vấn đề chính vẫn phụ thuộc vào việc Trung Quốc muốn xử lý thế nào. 

Cụ thể trường hợp ông Quế Dân Hải (Gui Min-hai), cũng là một trong những chủ hiệu sách bị mật vụ Bắc Kinh bắt cóc khi đang ở Thái Lan. Ông này cũng là công dân Thụy Điển và đã từ bỏ quốc tịch Trung Quốc. Nhưng khi chính phủ Thụy Điển yêu cầu bảo hộ công dân của mình đang bị giam ở đại lục thì Bắc Kinh đã khước từ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.