Lo bị kiểm soát, Trung Quốc loại bỏ công nghệ hạt nhân Mỹ

14/09/2020 10:38 GMT+7

Trung Quốc thay thế công nghệ điện hạt nhân Mỹ AP1000 bằng công nghệ nội địa trong bối cảnh nhiều nước muốn dần loại bỏ nhà máy điện hạt nhân.

Công nghệ AP1000 của công ty Điện lực Westinghouse (Mỹ) từng là nền tảng của các nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 3 của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc chuyển sang dùng nhiều lò phản ứng thế hệ thứ 3 dựa trên công nghệ Hualong One do chính nước này phát triển, theo tờ South China Morning Post.
Hiện Trung Quốc sử dụng công nghệ Hualong One đối với tổng cộng 12 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng hoặc trong quá trình phê duyệt.
Hualong One dựa trên ACP 1000 của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) và ACPR 1000 thuộc Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc. Cả ACP 1000 và ACPR 1000 đều dựa trên công nghệ từ Pháp. Trong tháng 9, CNNC bắt đầu xây dựng lò phản ứng Hualong One tại nhà máy điện hạt nhân Chương Châu ở Phúc Kiến để thay thế kế hoạch ban đầu là dùng AP1000 của Mỹ.
Không có lò phản ứng AP1000 mới nào được phê duyệt trong vòng 10 năm qua. Các lò phản ứng cuối cùng Mỹ được đưa vào hoạt động thương mại vào năm 2018 là ở các tỉnh Chiết Giang và Sơn Đông.
Hồi năm 2007, Westinghouse đã ký hợp đồng với CNNC cùng một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc khác để bán 4 lò phản ứng AP1000 và chuyển giao công nghệ bao gồm máy bơm để phía Trung Quốc tự sản xuất trong nước. Tuy nhiên, các dự án bị trì hoãn trong nhiều năm phần lớn do sửa chữa các máy bơm. Đến khi 4 lò phản lò phản ứng AP1000 đi vào hoạt động thương mại hồi năm 2018, công nghệ nội địa hóa của Trung Quốc trở nên khả thi.
“Ngày càng nhiều nhà máy điện chọn Hualong One vì đây là công nghệ nội địa hoạt động tốt như AP1000. AP1000 là công nghệ của Westinghouse nên chúng tôi lo ngại nguy cơ bị họ kiểm soát nếu chúng tôi muốn tự xây dựng và xuất khẩu sang các quốc gia khác”, ông Wang Yingsu, một quan chức thuộc Hội đồng Xúc tiến phát triển Điện lực Trung Quốc, lưu ý.
Bắc Kinh cũng khuyến khích các nhà máy hạt nhân nội địa hóa hoàn toàn do lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung Quốc leo thang. Hồi 2019, Washington áp đặt lệnh cấm vận Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) và 3 công ty con của CGN với cáo buộc đánh cắp công nghệ Mỹ vì mục đích quân sự.
Dù vậy, Trung Quốc đẩy mạnh chương trình phát triển công nghệ điện hạt nhân nội địa trong bối cảnh một số quốc gia châu Âu, Mỹ đang loại bỏ dần nhà máy điện hạt nhân vì yếu tố an toàn, chuyển sang công nghệ năng lương thay thế như điện gió và mặt trời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.