Diego Armando Maradona lừng danh một thời, được người dân Argentina tôn sùng như Đấng cứu thế, nhưng chưa từng vô địch Copa America. Pele được mệnh danh là Vua bóng đá, 3 lần vô địch World Cup cùng Brazil, nhưng chưa từng chơi bóng tại châu Âu. Ronaldo Nazario là “người ngoài hành tinh” cũng có sự nghiệp rực rỡ, nhưng chưa chạm tay vào Champions League. Zinedine Zidane đã vô địch World Cup, EURO, Champions League, nhưng về số Quả bóng Vàng giành được lại không so được với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo.

Điểm qua thành tích của một số huyền thoại để thấy câu nói “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, hay sự nghiệp phải có đôi chút khiếm khuyết mới khiến người ta tiếc nuối mà nhớ mãi chẳng phải một tứ thơ lãng mạn. Sự nghiệp cầu thủ hữu hạn, nhỏ bé khi đặt cạnh những vinh quang, cột mốc trùng điệp tồn tại mà lịch sử bóng đá đặt ra để thử thách giới hạn con người.

Một bức ảnh cho thấy sự trùng hợp của Lionel Messi của Argentina và Diego Maradona khi đang ăn mừng với chiếc cúp vô địch World Cup Qatar 2022 và World Cup Mexico 1986. Bức ảnh đầu tiên cho thấy Diego Maradona của Argentina đang ăn mừng với chiếc cúp sau khi vô địch Giải vô địch bóng đá thế giới 1986 ở Mexico tại Estadio Azteca, Thành phố Mexico, Mexico, ngày 29.6.1986. Bức ảnh thứ 2 cho thấy Lionel Messi của Argentina ăn mừng với chiếc cúp sau khi vô địch FIFA World Cup Qatar 2022, tại Sân vận động Lusail, Lusail, Qatar, ngày 18.12.2022

Cũng giống những danh thủ đương thời, Messi không cần trọn bộ danh hiệu để trở nên vĩ đại. Không vô địch World Cup, chàng trai nhỏ bé ngày nào ở Rosario cũng đã có một vị trí trang trọng trong ngôi đền huyền thoại. Nhưng, trên những cung đường cuối cùng dẫn tới đại lộ hoàng hôn sự nghiệp, ánh mắt Messi vẫn nguyên vẹn khát khao.

Anh đến Qatar để chinh phục giấc mơ của người Argentina, cũng để điền nốt mảnh tình cuối cùng của giấc mơ dang dở của một cậu bé như bao cậu bé Argentina khác, luôn ngập lên niềm hạnh phúc vô bờ khi được nghe kể về thiên tình sử giữa Argentina, Maradona và World Cup 1986.

Trẻ em chơi bóng bên cạnh bức tranh tường mô tả ngôi sao bóng đá người Argentina Lionel Messi trong học viện bóng đá trẻ ở CLB Newell's Old Boys, nơi Messi chơi bóng khi còn nhỏ ở Rosario, Argentina ngày 15.12.2022 - REUTERS

Vào một buổi tối năm 2015, tôi ngồi cạnh một quan chức CLB để xem trận đấu giữa Barca và Atletico Madrid ở Camp Nou. Khi trận đấu bắt đầu, anh ấy nói: “Nào, hãy xem Messi”.

Đó là một cảnh tượng kỳ lạ: sau tiếng còi khai cuộc, Messi chỉ dạo chơi xung quanh hàng phòng ngự đối thủ và dường như bỏ qua quả bóng. “Trong vài phút đầu tiên, anh ấy chỉ đi dạo trên sân. Messi đang xem xét từng cầu thủ đội bạn, vị trí của họ và cách hàng thủ của họ ăn khớp với nhau”, vị quan chức này nói.

Messi lưu trữ các quan sát đó vào bộ nhớ hình ảnh của mình. Có thời điểm ở những phút đầu tiên, trung vệ Javier Mascherano của Barca chuyền bóng cho anh, và Messi chỉ để bóng lăn ra biên. Dường như Messi chưa sẵn sàng thi đấu. Đây là thói quen trong mọi trận đấu của Messi. “Sau 5-10 phút, cậu ta có một bản đồ trong mắt và trong não để biết chính xác khoảng trống ở đâu và bức tranh toàn cảnh là gì”, HLV Pep Guardiola nói.

Đó là những dòng thuật lại của ký giả Simon Kuper trong cuốn sách “Lionel Messi và thăng trầm của CLB vĩ đại nhất thế giới”. Hình ảnh lững thững đi bộ đã xuất hiện từ lâu, là phóng chiếu cho thay đổi trong tư duy chơi bóng của Messi. Số 10 không còn đi bóng lắt léo, rê dắt qua hết cầu thủ này đến cầu thủ khác với mái tóc lãng tử như thời trẻ. Khi gánh nặng thời gian bắt đầu hằn in trên đôi chân, Messi bắt đầu chuyển đổi.

Anh bó vào chơi trung lộ như một số 10 cổ điển, nhưng cơ động và khôn ngoan hơn. Messi dành phần lớn thời gian để quan sát, thong thả tính toán từng pha bóng. Số 10 chỉ thực sự tăng tốc khi cần và dành tối đa năng lượng cho những thời điểm quan trọng.

Một “Messi đi bộ”, nghe có vẻ lạc lõng trong thời đại gegen-pressing lên ngôi, và bóng đá trở thành cuộc đấu của cơ bắp và tốc độ. Pressing, hay gây áp lực đồng bộ khi có và không có bóng, trở thành khái niệm thời thượng. Bayern Munich, Chelsea, Liverpool đã vô địch Champions League bằng những bước chạy dồn dập của cả tập thể. Những cá nhân đi bộ lững thững như Messi, tưởng như bị nhấn chìm trong dòng chảy thời gian.

Nhưng ở World Cup 2022, một Messi đi bộ thong thả trên thảm cỏ ở Qatar, đã trở thành cơn ác mộng với cả thế giới. Siêu sao 35 tuổi không đằm mình vào cuộc đua thể chất hay đấu cơ trần tục. Anh sống trong “tổ kén” (như cách báo chí mô tả sự rụt rè, khép kín của Messi), tự định hình bóng đá bằng nhãn quan của riêng mình. Số 10 không vội vã tranh đấu. Anh lặng lẽ quan sát, ghi chép diễn biến bằng tư duy thiên tài, rồi phân tích chọn ra phương án xử lý tốt nhất.

Nhờ khối óc nhạy bén, Messi tìm thấy khe hở duy nhất ở hàng phòng ngự đội Mexico, rồi vung chân dứt điểm chéo góc, đưa trái bóng lăn sệt trên mặt cỏ nhưng vẫn ở tốc độ rất cao, chiến thắng ma sát cùng sải tay đã tôi rèn qua gần 20 năm thi đấu của thủ thành Guillermo Ochoa. Nhờ pha xử lý tinh tế, Messi cứa lòng đưa trái bóng như “có mắt” vượt qua hàng thủ đội Úc để nằm yên vị trong mành lưới Matthew Ryan. Nhờ nhãn quan siêu việt, Messi chọc khe đưa bóng qua hai chân Nathan Ake, rồi mở ra khoảng trống cho Nahuel Molina sút tung lưới đội Hà Lan.

Rồi những pha vặn sườn Josko Gvardiol, trung vệ nặng hơn 7kg và trẻ hơn anh 15 tuổi; hay đi bóng tinh tế giữa rừng cầu thủ nhanh, khỏe của đội Pháp, Messi vượt lên lực cản thời gian để trở thành viên kim cương rực rỡ ở độ tuổi hầu hết những bó cơ dẻo dai và bền bỉ nhất đã bắt đầu mỏi mệt.

“Messi đi bộ, chờ đợi đúng khoảnh khắc, đúng vị trí để nhận bóng và tung ra đường chuyền, hoặc mang đến cơ hội ghi bàn cho các đồng đội. Cậu ấy phân tích tất cả các đối thủ trước mặt mình và tìm ra điểm yếu của họ. Chính điều đó làm nên sự khác biệt giữa Messi với phần còn lại”, cựu HLV Roberto Moreno của tuyển Tây Ban Nha chia sẻ.

Messi không chỉ hay để chứng minh những nhận định của HLV Louis van Gaal rằng anh chỉ nguy hiểm khi kiểm soát bóng trở thành vô nghĩa, mà còn chứng minh rằng trong môn thể thao này, khối óc quan trọng chẳng kém thể chất. Phải, khối óc và tư duy có quan trọng, thì một cầu thủ nhỏ bé với chiều cao 1m70 và cân nặng 73kg mới có thể vượt trên thời đại để phá vỡ những định luật vật lý.

“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Muốn đi xa, nhất định cần đi cùng nhau…”

Messi của những năm tháng khó khăn, tăm tối nhất tại tuyển Argentina với 3 trận chung kết toàn bại (2014-2018) là một Messi gồng gánh đội bóng quê hương, trong đội tuyển đúng nghĩa “mạnh ai nấy đá”. Tuyển Argentina không thiếu cầu thủ giỏi. Gonzalo Higuain, Javier Mascherano, Ever Banega, Angel Di Maria là những ngôi sao được thèm khát bởi những đội bóng lớn nhất châu Âu.

Tuy nhiên, bóng đá hấp dẫn ở chỗ, đội hình gồm 11 cầu thủ giỏi chưa chắc là đội bóng hay. Bóng đá được ưa chuộng bởi đó là câu chuyện của tinh thần đoàn kết, khả năng phối hợp, liên lạc và vực dậy nhau trong khó khăn.

Đội tuyển Argentina từng không có tất cả những yếu tố ấy. Messi của những năm 2014, 2015 hay chẳng kém hiện tại, nhưng siêu sao 35 tuổi không có sự trợ lực đủ nhiều của đồng đội. “Đội Argentina ngày ấy có nhiều ngôi sao, nhưng mỗi người như thể sống trong một thế giới riêng biệt”, trang Indiana Express nhận xét. Messi vẫn ghi bàn, kiến tạo đều đặn, nhưng ở cấp độ đội tuyển, “El Pulga” phải làm quá nhiều nhiệm vụ. Anh lùi về phân phối bóng, rê dắt tạo đột biến, kiến tạo, rồi kiêm nhiệm khâu ghi bàn. Nơi nào cũng có bóng dáng Messi cày ải. Nhưng, cái thời một ngôi sao làm thay việc của cả tập thể đã trở thành quá vãng.

HLV Lionel Scaloni hiểu rõ điều đó. Tháng 8.2018, ngay khi vừa nắm quyền huấn luyện tuyển Argentina, Scaloni đã nhắn tin mời Messi trao đổi về kế hoạch của ông. Messi nhận lời đối thoại bởi nể nang Scaloni, người đàn anh cùng đội tuyển, cùng thần tượng Pablo Aimar khi ấy đã về làm trợ lý cho Scaloni.

Dù vậy, nói chuyện là một nhẽ. Messi sát cánh cùng (dù từng có ý định từ bỏ đội tuyển) bởi anh tin vào kế hoạch của HLV người Argentina. Khi HLV Jorge Sampaoli bị sa thải sau World Cup 2018, Liên đoàn bóng đá Argentina (AFA) đã mời Mauricio Pochettino, Diego Simeone, Marcelo Gallardo song tất thảy đều từ chối. Scaloni được bổ nhiệm theo dạng miễn cưỡng, với quyết định bị Diego Maradona phỉ báng là “điên rồ”. Nhưng, Scaloni chứng minh ông là người phù hợp.

Không rập khuôn máy móc như Alejandro Sabella, cũng chẳng áp đặt kiểu Jorge Sampaoli, HLV Scaloni thừa hiểu Messi và các ngôi sao Argentina không cần chỉ dạy quá nhiều. Bản thân các cầu thủ Argentina đã đẳng cấp. Họ cần môi trường phù hợp để tỏa sáng và một HLV gò những cái tôi vào trong khuôn khổ. Scaloni sẵn sàng lắng nghe, đối thoại với cầu thủ, thanh lọc đội hình bằng những cầu thủ giàu khát vọng mà Enzo Fernandez, Alexis MacAllister, Lautaro Martinez, Julian Alvarez hay Gonzalo Montiel hôm nay là thành quả 4 năm xây dựng của HLV mới 44 tuổi.

Quan trọng hơn, HLV Scaloni tạo dựng được hệ thống để tối ưu giá trị của Messi, điều không nhiều HLV tiền nhiệm làm được. Thay vì dồn quả bóng vào chân Messi rồi cầu nguyện, HLV Scaloni đặt số 10 vào vị trí tốt nhất. Messi không cần chạy nhiều, bởi các đồng đội thay anh làm điều ấy. Khi Messi cầm bóng, các cầu thủ tự động điền vào vị trí phù hợp. Khi tuyển Argentina bị phản kích, các cầu thủ lùi về tranh chấp, rồi bằng một vài nhịp luân chuyển bóng lại đưa bóng trở lại chân của Messi.

Bản đồ nhiệt tại World Cup cho thấy Messi không bị bó buộc vào vị trí nào. Anh chơi tự do, khi tăng tốc, lúc đi bộ, nhưng khi cầm bóng, Messi có nhiều phương án lựa chọn bởi các đồng đội sẵn sàng chạy đến cùng để Leo có điểm chuyền. Tuyển Argentina xoay quanh Messi, nhưng đó là sự phụ thuộc cộng sinh. 10 cầu thủ trên sân sẵn sàng hy sinh một phần năng lượng để Messi làm việc khó nhất, đó là tạo đột biến.

“Các cầu thủ Argentina nói họ muốn Messi vô địch World Cup hơn là cho mình. Julian Alvarez là cầu thủ thể hiện rõ nhất tinh thần ấy. Có tình huống Messi thay vì chuyền cho Alvarez, anh lại tự sút luôn và bỏ lỡ cơ hội. Thay vì thắc mắc với Messi, Alvarez lập tức vào vị trí, truy đuổi rồi đốn ngã đối thủ để Argentina thoát được pha phản công”, Sky Sports thuật lại.

Tại sao tập thể tuyển Argentina sẵn sàng hy sinh vì Messi, sẵn sàng chiến đấu, cùng khóc cùng cười và nỗ lực đến cùng để bảo vệ thủ quân? Bởi Alvarez cùng đồng đội hiểu rằng chỉ cần họ làm tốt nhiệm vụ, tuyển Argentina sẽ thắng. Họ có một thiên tài mà không đội bóng nào ở World Cup có được, và thiên tài ấy sẽ dùng đường cọ vẽ lên bầu trời xanh những khoảnh khắc lịch sử vĩnh cửu.

Trên bục nhận cúp, Messi được Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani khoác lên người chiếc áo choàng đen. Chiếc áo choàng, một loại bisht truyền thống được mặc cho những dịp đặc biệt hoặc nghi lễ như đám cưới hoặc lễ hội tôn giáo, được người hâm mộ phấn khích gọi là tấm hoàng bào của nhà vua.

Trong buổi tối ở Lusail, Messi đã đi vào lịch sử với trọn bộ danh hiệu vô địch. Bao lâu nữa, thế giới mới tìm ra được một cầu thủ vô địch World Cup, Copa America (hoặc EURO), Finalissima, Olympic, Champions League, giành được 7 Quả bóng Vàng và chơi hơn 1.000 trận đấu như Messi hiện tại. Câu trả lời có thể là 40, 50 năm nữa, hoặc… không bao giờ.

Sau chiến thắng trước tuyển Pháp, giới thống kê cũng đua nhau ghi nhận những kỷ lục cá nhân của Messi, từ ghi bàn, kiến tạo nhiều nhất cho Argentina, ra sân nhiều nhất ở World Cup, có số trận in dấu giày vào bàn thắng nhiều nhất,...

Thế nhưng, cứ phân tích Messi bằng những kỷ lục, số liệu nhiều quá, có lẽ thật khô khan và máy móc. Giá trị mà Messi mang lại không phải con số, mà chính là những khoảnh khắc khó quên đã xâm lấn tâm trí người hâm mộ và sẽ nằm yên vị ở trong ấy.

Messi đạt tới tột đỉnh vinh quang, dường như bởi anh không chạy theo vinh quang. Trong bài viết nổi tiếng “Messi là một chú chó”, nhà báo Hernan Casciari đã nói niềm đam mê chơi bóng của Messi thuần khiết và trong lành. Anh đuổi theo trái bóng với niềm vui vô hạn. Bị đốn ngã, Messi lại đứng dậy, vấp ngã, lại đứng dậy. Đã bao lần Messi thất thần gặm nhấm nỗi đau thua trận, nhìn đối thủ nâng cúp, rồi phải thốt lên rằng vinh quang ở đội tuyển không dành cho mình. Đã bao lần số phận xô ngã Messi, nhưng anh không chọn cách từ bỏ.

Siêu sao 35 tuổi hôm nay vẫn cứ chơi bóng như cậu bé gầy gò ở quê nhà năm nào, vẫn cứ nỗ lực và tận hiến miệt mài. Messi không chạy theo vinh quang, mà thực sự vinh quang đã tìm đến và trao cho số 10 chiếc quyền trượng mà anh đáng được hưởng. Đó là cuộc hành trình truyền cảm hứng, cũng là món quà giá trị nhất Messi để lại, chứ không phải chức vô địch World Cup.

“Bất kể kết quả trận chung kết ra sao, có một thứ không ai có thể lấy từ anh, đó là việc anh đã tạo được tiếng vang với tất cả người Argentina. Anh đã để lại dấu ấn trong cuộc sống mỗi người và với tôi, điều đó còn quan trọng hơn cả chức vô địch World Cup. Không ai có thể lấy đi điều đó từ anh và đây là lòng biết ơn của tôi đối với niềm hạnh phúc to lớn mà anh đã mang đến cho rất nhiều người. Tôi thực sự hy vọng anh khắc ghi những lời này bởi tôi tin điều đó quan trọng hơn vô địch World Cup. Với chúng tôi, anh đã có chức vô địch đó rồi, cảm ơn đội trưởng”, nữ phóng viên Sofia Martinez xúc động nhắn nhủ Messi.

Trong cuộc phỏng vấn với Jorge Valdano trước World Cup 2022, Messi không dưới 4 lần nhắc đến hai chữ “tận hưởng” để nói về giai đoạn còn lại của sự nghiệp. Quả thực, Messi đang chơi bóng với sự tận hưởng. Anh đắm mình vào từng đường bóng, sẵn sàng lăn xả bảo vệ đồng đội, chiến đấu miệt mài để hiện thực hóa giấc mơ của người Argentina, rồi trìu mến chia sẻ hạnh phúc chiến thắng bằng khoảnh khắc dung dị bên người vợ Roccuzzo đã đồng hành cùng anh từ thuở thiếu thời.

Messi tận dụng và trân quý từng phút giây còn thi đấu. Và người hâm mộ cũng vậy, sẽ nâng niu những năm tháng còn lại mà Messi còn sải những vũ điệu hào sảng và mê đắm nhất trên sân sau những phút đi bộ kinh điển của mình.

Báo Thanh Niên
22.12.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.