Linda Lê và Đà Lạt của tuổi thơ

15/05/2022 07:30 GMT+7

Tuần qua, trong các bản tin về sự ra đi của nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê, thành phố Đà Lạt nhiều lần được nhắc đến. Đà Lạt như một nơi chốn khởi sinh cho một lai lịch, hơn thế, mở vào một không gian văn chương đầy day dứt u hoài.

Đa số truyện và tiểu thuyết của Linda Lê đều xoay quanh những giày vò, truy vấn về ký ức, lai lịch và mất mát.

Dưới bóng Couvent des Oiseaux

Linda Lê sinh năm 1963, tại Đà Lạt, trong một gia đình có cha là một kỹ sư miền Bắc theo Công giáo; mẹ xuất thân từ một gia đình khá giả, mang quốc tịch Pháp.

Trường Couvent des Oiseaux xưa, nay là Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng

Nguyễn An Nam

Năm 1963, thời điểm bé gái mang hai dòng máu Pháp - Việt được sinh ra, với Đà Lạt là một khoảng chuyển động dữ dội từ một đô thị “vườn ươm” nòi giống Pháp ở xứ thuộc địa chuyển tiếp sang chín năm kế thừa và xây dựng thành phố thành đặc khu giáo dục, văn hóa mang đậm dấu ấn Việt. Cuối năm đó, cũng lại có một cuộc đảo chánh lớn đánh dấu kết thúc thời kỳ Đệ nhất Cộng hòa.

Với cộng đồng người Pháp coi Đà Lạt là thành phố quê hương thứ hai của họ ở Đông Dương, thì có hai sự kiện khiến họ phải bừng tỉnh, đó là cuộc di tản sau khi Nhật đảo chính Pháp (1945) và cuộc hồi hương vội vàng sau 1954.

Thành phố mang mẫu hình, đóng vai trò chính yếu trong sự ra đời, phát triển và suy vong của Đông Dương thuộc Pháp; đã có lúc dân số phương Tây sống tại Đà Lạt lên đến 5.600 người (năm 1944) thì đến thập niên 1960 cũng nơi này, có thể chứng kiến quá nhiều những cuộc chia ly đầy đau đớn và tiếc nuối. Cộng đồng Pháp ngày càng thu hẹp; một số ở lại Đà Lạt làm việc trong các nông trại, giáo viên, nhân viên y tế và tu sĩ... Tuy các cơ sở giáo dục người Pháp xây dựng theo khuôn thức giáo dục Pháp (như Lycée Yersin, Couvent des Oiseaux) thì vẫn giữ chương trình Pháp, nhưng thành phần học sinh con em người Việt, Việt lai Pháp đông đúc hơn trẻ em Pháp như trước đó.

Những phác thảo bối cảnh trên cho thấy trong một thành phố đang xảy ra những biến đổi ở tầng sâu cơ cấu thị dân lẫn đời sống văn hóa, thì đứa trẻ lai - như cô bé Linda Lê - học sinh Trường nữ Couvent des Oiseaux (nay là Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng) từ khởi sinh đã đứng trước những khả năng bị mắc kẹt về văn hóa từ trong chính gia đình (khi cha mẹ không cùng đẳng cấp, thế đứng xã hội và căn tính) cho đến trường học và xã hội.

Couvent des Oiseaux - ngôi trường do chính Nam Phương Hoàng hậu khởi xướng xây dựng năm 1935 được chăm chút bởi các nữ tu người Pháp của dòng Đức Bà Lâm Viên (Notre Dame du Langbian) là một môi trường có tính du nhập và lưu giữ sự hiện diện của văn hóa Pháp ở thành phố cao nguyên này.

Các bé gái con em người Pháp, lai Pháp, hay sinh trưởng trong các gia đình người Việt khá giả sống tại Đà Lạt được tiếp tục thừa hưởng một không gian giáo dục trường-dòng chuẩn mực và đôi khi có phần nề nếp quá mức của các nữ tu Pháp. Tiếng Pháp được dạy ở đây như một ngôn ngữ chính cho đến thập niên 1960.

Thiên đường tuổi thơ đã mất

Với cô bé Linda Lê, những biến động lịch sử thành phố rồi sẽ quyết định các bước thiên di của gia đình cô có lẽ còn ẩn sau lớp sương mù. Những gì cô trải qua ở Couvent des Oiseaux thực sự là ký ức thiên đường tuyệt đẹp. Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Lire khi nói về cuốn Thư chết, Linda Lê nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ những ngày chủ nhật ở Đà Lạt, nơi gia đình tôi từng sống. Nhớ những buổi picnic, những buổi du thuyền trên hồ... Tất cả trở nên chao đảo khi chúng tôi về Sài Gòn”.

Sau những biến động Mậu Thân (1968), gia đình Linda Lê dời về Sài Gòn. Và Sài Gòn trong cô là một giai đoạn “thiên đường tuổi thơ ở địa ngục”. Cô bé lớn lên ở một thành phố lớn cùng bốn chị em gái trong gia đình, nơi cô bắt đầu nhận ra những rạn nứt không thể hàn gắn trong gia đình. Một cuộc ly tán nữa đã xảy đến trong gia đình mang hai dòng máu: năm 1977, người phụ nữ quốc tịch Pháp đã bỏ người chồng thất chí ở lại Việt Nam, đưa bốn đứa con gái hồi hương, định cư ở Le Havre (Pháp).

Với Linda Lê, người cha, đất nước, ngôn ngữ bị bỏ lại sau lưng trong cuộc ra đi này hơn cả một chấn thương tâm lý, sức nặng nỗi đau như một bóng ma điên loạn trở đi trở lại trong các tập truyện, tiểu thuyết của bà. Viết là một sự lưu đày trong ngôn ngữ, nhưng chính tiểu sử đầy sóng gió trong một gia đình dị chủng là những gì âm u báo trước những cuộc phân ly rồi đây sẽ đổ bóng vào văn chương.

Cuốn Thư chết là tiểu thuyết dưới dạng lá thư đứa con gái viết cho người cha bị bỏ rơi, chết cô độc trên quê nhà. Câu chữ nói về nỗi đau, sự vụn vỡ khiến ta có thể nghĩ đến một gạch nối thăm thẳm giữa Gustave Flaubert với W.G.Sebald (cho dù nhắc đến bà, người ta vẫn thường nói đến sự ảnh hưởng của phong cách văn chương xiêu tán của Thomas Bernhard, đặc biệt qua tiểu thuyết Vu khống).

Nhưng trong lối văn ảm đạm của những cuộc dò tìm căn tính và dằn vặt khôn nguôi, trong những cơn điên và rối loạn ký ức bất tận, người đọc đôi khi được Linda Lê đưa vào một thế giới thuần khiết. Nơi đó, Đà Lạt của tuổi thơ bà được hiện ra. Đà Lạt hội đủ sắc thái biểu trưng cho một thiên đường đã mất, một quê hương đã xa: “Việt Nam không phải bao giờ cũng là một đất nước vui tươi. Khi đến Đà Lạt chẳng hạn, một cảm thức ưu sầu len vào tâm tư ta. Trời lạnh, mưa rả rích. Nhưng các nàng thiếu nữ ăn mặc kín mít, thật khác các cô quần áo cũn cỡn ở Sài Gòn, cho ta cảm giác huyền bí nhớ nhung. Ta muốn ở lại đó, như một bóng ma trong sương mù, và rình chờ đàn én từ ngôi trường cổ kính Couvent des Oiseaux bay ra” (Lại chơi với lửa, Nguyễn Khánh Long dịch, Nhã Nam và NXB Văn học, 2010).

Nhà văn Linda Lê (ảnh) qua đời ngày 9.5.2022, tại Paris, Pháp ở tuổi 59.

Bà là nhà văn, nhà phê bình gốc Việt nổi trội trong đời sống văn học Pháp đương đại. Tác giả của những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn nổi tiếng từng được dịch ra tiếng Việt: Vu khống, Sóng ngầm, Thư chết, Tiếng nói, Lại chơi với lửa... đã chống chọi với bệnh nặng suốt một năm qua, theo Đài France 24.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.