Liệu Trung Quốc có sẵn sàng gia tăng lệnh trừng phạt kinh tế Triều Tiên?

13/07/2017 15:17 GMT+7

Để giải quyết vấn đề liên quan đến Triều Tiên, Bắc Kinh vừa phải đối mặt với áp lực từ cộng đồng quốc tế, vừa đau đầu trước những lo ngại từ các doanh nghiệp nước nhà.

Su Nan, một doanh nhân chuyên hoạt động ở khu vực dọc biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, từng là một người rất bận rộn. Một ngày làm việc của ông bắt đầu từ sáng sớm với lịch trình dày đặc và các cuộc điện thoại dài vô tận. Nhưng bây giờ tất cả những điều đó đã biến mất.
“Chúng tôi không có doanh thu cho đến thời điểm này. Thực ra, chúng tôi đã phải vật lộn từ năm 2016 với lượng đơn hàng hằng ngày càng ít đi”, ông Su nói. Mặc dù công ty của ông hiện vẫn chưa hạ lương hoặc sa thải nhân viên, nhưng ông Su vẫn không thể ngừng lo lắng vì “nói cho cùng, hiện giờ chúng tôi chỉ ngồi trong văn phòng và không làm gì cả".
Theo South China Morning Post, ông Su làm việc tại Công ty Dandong Sevsuns Trading, một công ty xuất nhập khẩu ở Đan Đông, cách biên giới Triều Tiên chỉ một hòn đá lăn. Song, không chỉ riêng công ty của ông Su, mà chiều dài biên giới 1.420 km giữa hai nước láng giềng đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp phát triển. Ước tính chỉ riêng ở Đan Đông đã có tới 600 công ty xuyên biên giới. Do đó, không có gì khó hiểu khi các ý kiến quốc tế kêu gọi Bắc Kinh cần phải gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế để kìm hãm những cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng lại gây nhiều lo lắng cho giới thương nhân Đại lục.
Sự hoang mang của các doanh nghiệp nước này càng được đẩy lên cao đặc biệt kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói sau các cuộc đàm phán an ninh cấp cao gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ tại Washington rằng hai bên đã “đồng ý không để cho các công ty của hai nước kinh doanh với Triều Tiên dựa theo những quy định do Liên Hiệp Quốc đưa ra”.
“Các cuộc thử nghiệm hạt nhân lặp đi lặp lại của Bình Nhưỡng đã làm gia tăng căng thẳng đáng kể ở khu vực. Trung Quốc cũng không muốn có chiến tranh gần đất nước mình. Vì vậy, việc ngăn cản tham vọng hạt nhân của Triều Tiên thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt dường như đã trở thành lựa chọn duy nhất”, Cheng Xiaohe, Giáo sư tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho hay.
Hiện vẫn chưa biết Bắc Kinh sẽ đưa ra những chính sách cụ thể như thế nào, nhưng động thái ký kết các lệnh trừng phạt quốc tế để chống lại Triều Tiên của Trung Quốc có thể được xem như “một cú đấm giết người” đối với những thương nhân sinh kế dựa vào thương mại với đất nước láng giềng như ông Su.
“Nếu chính quyền đình chỉ hoạt động thương mại với Triều Tiên thì chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đóng cửa kinh doanh”, ông Su chia sẻ.
Wu Xiuhua, một thương nhân Đại lục khác ở Tumen, thành phố cách biên giới Triều Tiên một giờ lái xe, lo lắng nói rằng: “Bán hoa quả cho Triều Tiên là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình tôi. Nhiều người ở đây thậm chí cũng đã đầu tư xây dựng kho chứa, hệ thống làm lạnh để lưu trữ hàng hóa. Nếu Trung Quốc ngừng thương mại với Triều Tiên thì chúng tôi biết phải làm gì? Hiện giờ tất cả chúng tôi phải tốn kém tài chính và thời gian nộp đơn xin giấy phép mới được đưa hàng hóa qua biên giới”.
Bên cạnh thương nhân mua bán trực tiếp qua biên giới với nước láng giềng, bất kỳ công ty nào dù chỉ gián tiếp liên quan đến Triều Tiên cũng không tránh khỏi nguy cơ. Tại một nhà máy may mặc ở Fengcheng, một thành phố khác gần Đan Đông, giám đốc điều hành đã chia sẻ rằng mặc dù công ty ông chỉ làm quần áo cho khách hàng ở châu Âu và Mỹ, nhưng đã thuê ít nhất 100 công nhân Triều Tiên làm việc. “Chúng tôi thuê nhân công Triều Tiên vì mức lương thấp hơn. Xuất khẩu lao động cũng là một trong những nguồn thu nhập chính của nước họ. Nếu chính quyền mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế bao gồm cả việc thuê nhân công, thì điều đó sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”, giám đốc điều hành công ty may mặc nói.
Tuy nhiên, có một điều đáng ngạc nhiên là trong khi không ít doanh nghiệp Đại lục đang hoang mang, thì các công ty khai thác du lịch chuyên sắp xếp các chuyến đi tới Triều Tiên lại tỏ ra bình thản và lạc quan về tương lai. Một đại lý dịch vụ du lịch quốc tế Trung Quốc ở Đan Đông cho biết công việc kinh doanh của họ diễn ra tốt đến nỗi công ty phải chạy tour Triều Tiên hằng ngày. “Mỗi ngày chúng tôi gửi hơn 30 khách du lịch đến Triều Tiên”, một nhân viên tên Wang, cho biết.
Khi được hỏi liệu công ty của cô có kế hoạch tăng quảng bá du lịch đến quốc gia láng giềng trong bối cảnh căng thẳng Bắc Kinh - Bình Nhưỡng đang tăng lên, cô Wang bật cười: “Không, chúng tôi không cần phải làm vậy. Dù gì đi nữa Trung Quốc cũng sẽ không chấm dứt thương mại với Triều Tiên nên chúng tôi không cần đến một kế hoạch B”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.