Liêm chính khoa học từ bậc phổ thông

Quý Hiên
Quý Hiên
30/12/2022 05:26 GMT+7

Nhiều năm gần đây, hầu như năm nào cũng có điều tiếng về cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia (ViSEF).

Cuộc thi này khởi đầu là một sân chơi khá lành mạnh, được tổ chức thí điểm ở một số tỉnh thành phía nam, nhằm hưởng ứng cuộc thi Intel ISEF được tổ chức ở Mỹ. Tuy nhiên, từ khi được nâng tầm cấp quốc gia, Bộ GD-ĐT có chính sách tuyển thẳng ĐH với các thí sinh đạt giải ViSEF, thì cuộc thi dường như trở thành một sân chơi của… người lớn.

Nhưng mặc cho những ồn ào trong dư luận xã hội, đặc biệt là từ dư luận phụ huynh có con em tham gia cuộc thi, các động thái của Bộ GD-ĐT chỉ dừng lại ở mức độ “sẽ xem xét”, cũng có năm lãnh đạo Bộ hứa hẹn “sẽ thẩm định” các dự án mà các phụ huynh có ý kiến. Nhưng rồi năm sau mọi chuyện lại tái diễn, vẫn tiếp tục ồn ào. Gần đây nhất là nghi vấn “thầy làm hộ” quanh những dự án được Bộ GD-ĐT chọn “mang chuông đi đánh xứ người”, ISEF 2022 mà Báo Thanh Niên đã phản ánh từ tháng 5.2022 chứ không phải đến bây giờ.

Trên diễn đàn Liêm chính khoa học, chủ đề này cũng được nhiều nhà khoa học bình luận thể hiện sự lo ngại về việc học sinh bị người lớn dẫn dắt vào con đường gian lận và chạy theo thành tích ảo. Nhân danh người hướng dẫn, nhiều nhà khoa học đã làm giúp cho trò. Việc của trò là “thuộc bài” để thuyết trình trước một hội đồng không quá khó tính cũng như không chú trọng việc cần phải giáo dục tinh thần liêm chính khoa học ngay từ khi còn là một học sinh bậc phổ thông.

Theo các nhà khoa học, không phải trường hợp nào dự cuộc thi này cũng gian lận, nhưng có không ít dự án là sản phẩm của luận án tiến sĩ hay luận văn thạc sĩ. Vấn đề không chỉ là ý tưởng, mà là hành trình để tạo ra các sản phẩm đó bắt buộc phải sử dụng các công cụ khoa học mà chỉ có những người được đào tạo bài bản trong thời gian dài mới sử dụng được. Việc học sinh sử dụng được các công cụ đó là không thể (chứ không phải là khó tin), chưa nói đến việc các em có thể hiểu được nội hàm sản phẩm mà mình sáng tạo ra.

Theo TS Dương Tú, ĐH Purdue (Mỹ), người sáng lập diễn đàn Liêm chính khoa học, việc gian dối này có thể mang lại thành tích, niềm vui, niềm tự hào giả tạo nhất thời cho các bên liên quan. Họ là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường, các địa phương. Nhưng hậu quả của gian dối có thể kéo dài rất nhiều năm tháng sau đó. TS Tú ví von: “Điều này chẳng khác nào tìm cách say bằng rượu rẻ tiền trong chốc lát để rồi ngộ độc, suy gan, rối loạn tâm thần trong dài hạn”.

Điều đáng tiếc hơn nhiều là những gì xảy ra với các học sinh thực sự có năng lực, hoàn toàn có thể thành công bằng chính tài năng của các em mà không cần phải gian dối, nhưng vẫn buộc phải tham gia vào hệ thống gian lận của người lớn. Sau này khi các em trưởng thành hơn, những gian dối thời niên thiếu sẽ mãi là vết thương, gánh nặng và sự mặc cảm âm ỉ mà các em phải mang theo. Đó thực sự là một bi kịch lớn. Với những học sinh tham gia cuộc thi bằng tâm thế trung thực, các em không chỉ không bao giờ có cơ hội tranh giải với các dự án gian lận, mà tình yêu khoa học, niềm tin vào sự trong sáng và liêm chính trong khoa học đều sẽ bị sứt mẻ, tổn thương nặng nề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.