Lịch sử là môn vào lớp 10: Học sinh lo phải học thuộc lòng quá nhiều!

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/03/2019 07:04 GMT+7

Sáng qua (11.3), Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ tư của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 - 2020 là lịch sử.

Điều này khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo ngại sẽ phải học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc quá nhiều.

Chờ kế hoạch ôn tập của các trường

Đây là những yêu cầu chỉ tương đương như bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp. Đó là những nội dung học được kiểm tra diễn ra hằng ngày, rất quen thuộc, không hề dàn trải, áp lực
PHẠM QUỐC TOẢN - Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng - Sở GD-ĐT Hà Nội
Theo phương án đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 THPT áp dụng từ năm học 2019 - 2020 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, để được tuyển sinh vào lớp 10 công lập, HS sẽ phải thi tuyển 4 bài thi độc lập và không xét tuyển học bạ 4 năm THCS.
Cụ thể, 4 bài thi gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư là lịch sử (vừa được Sở GD-ĐT chọn và công bố trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Thời gian làm bài đối với toán và ngữ văn là 120 phút/bài, 2 bài thi còn lại 60 phút/bài.
Hai môn ngữ văn và toán giữ nguyên hình thức thi như những năm trước, là thi tự luận. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật (thí sinh được đăng ký thi ngoại ngữ khác với ngoại ngữ đang học tại trường THCS), theo hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận.
Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, ngay sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ tư, nhiều phụ huynh và học sinh (HS) lo âu vì sợ phải học thuộc lòng. Những HS có thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên lo ngại sẽ phải học thuộc lòng và ghi nhớ sự kiện, số liệu lịch sử quá nhiều. Các phụ huynh đều mong muốn kế hoạch học tập của trường THCS sẽ thay đổi phù hợp sau khi có môn thi thứ tư. Hy vọng việc học kết hợp ôn tập sẽ tập trung vào 4 môn thi.

Đề chỉ ở cấp độ nhận biết

Điểm môn văn, toán tính hệ số 2
Theo nguyên tắc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt thì môn toán và ngữ văn được tính hệ số 2, cụ thể như sau: điểm xét tuyển = (điểm thi môn toán + điểm thi môn ngữ văn) x 2 + điểm thi môn ngoại ngữ + điểm thi môn thứ 4 + điểm cộng thêm (nếu có). Điểm bài thi của các môn được tính theo thang điểm 10.
Dù thi 4 môn nhưng SởGD-ĐT Hà Nội khẳng định riêng đề thi ngoại ngữ, lịch sử chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu vận dụng thấp.
Đề thi môn lịch sử hoàn toàn theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo 2 nguyên tắc: Hai thí sinh liền kề không trùng mã đề, thí sinh làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho biết: “Về yêu cầu kiến thức, kỹ năng đối với đề thi, có thể khẳng định, các câu hỏi trong nội dung đề thi môn ngoại ngữ và môn thứ tư thuộc chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu, chỉ có số ít thuộc vận dụng cấp độ thấp; tức là đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng trong sách giáo khoa bộ môn do Bộ quy định”.
Ông Toản cũng khẳng định: “Đây là những yêu cầu chỉ tương đương như bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp. Đó là những nội dung học được kiểm tra diễn ra hằng ngày, rất quen thuộc, không hề dàn trải, áp lực”.
Lý giải thêm về phương án thi 4 môn và môn thứ tư chỉ được công bố vào tháng 3, ông Toản cho rằng phương án tuyển sinh này sẽ tác động tích cực để HS học tất cả các môn, đặc biệt năng lực ngoại ngữ của HS phổ thông Hà Nội được nâng cao.
Về thời gian tổ chức thi, ông Toản cho hay dự kiến tổ chức thi sớm, ngay từ ngày 2.6 để giúp các HS sử dụng được ngay những kiến thức, kỹ năng vừa học; tránh để lâu lại quên kiến thức, kỹ năng; tránh phải ôn tập lại.
Hơn 60% HS vào trường công lập
Theo công bố trước đó của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2019 - 2020, toàn TP có 101.460 HS tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 HS so với năm trước. Tuy nhiên, TP vẫn duy trì khoảng 60 - 62% số HS được tuyển vào 110 trường THPT công lập; 20% vào THPT tư thục, 10% vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Dự kiến lịch thi như sau: ngày 2.6: Buổi sáng thi ngữ văn 120 phút, buổi chiều thi toán 120 phút. Sáng 3.6, thi 2 môn: ngoại ngữ 60 phút, lịch sử 60 phút. Đối với HS thi vào lớp 10 chuyên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây sẽ thi thêm môn chuyên vào chiều 3.6 và sáng 4.6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.