Lịch sử là môn lựa chọn hay bắt buộc không thể 'thay đổi tùy ý'

21/05/2022 11:59 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có chương trình môn lịch sử , khi đã ban hành và triển khai thực hiện là công việc “đại sự quốc gia”, không thể thay đổi tùy ý, tùy tiện được.

Vài tháng gần đây, trong thời gian khẩn trương chuẩn bị năm học 2022 - 2023, tôi được biết có nhiều ý kiến ngược xuôi về việc môn lịch sử ở cấp THPT là môn học lựa chọn. Việc này, thậm chí, bàn bạc ở cấp rất cao.

Chương trình giáo dục phổ thông khi đã ban hành và triển khai thực hiện là công việc “đại sự quốc gia”, không thể thay đổi tùy ý, tùy tiện được.

Từ Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, xét Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội khoá 13 đã ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28.11.2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Sau 4 năm chuẩn bị kỹ, ngày 26.12.2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.

Theo lộ trình đã được phê duyệt, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã triển khai qua 2 năm học, còn 3 năm học nữa sẽ triển khai đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12.

Thực tiễn sẽ phản ánh cụ thể hiệu quả của chương trình mới. Sau khi triển khai chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12, cần thiết phải đánh giá cái được và cái chưa được, có giải pháp khắc phục nhược điểm và phát huy ưu điểm.

Trước những thay đổi, chắc hẳn còn có ý kiến khác nhau, tuy nhiên, theo tôi trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới không nên vội thay đổi, điều chỉnh cục bộ.

“Đẽo cày giữa đường” sẽ không có một sản phẩm hoàn thiện, đặc biệt đó là sản phẩm giáo dục!

Trở lại vấn đề môn lịch sử, trước thềm năm học 2022 - 2023, năm học đầu tiên sẽ triển khai chương trình mới đối với lớp 10. Theo chương trình mới, cấp THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn lịch sử là một trong 9 môn học lựa chọn, thuộc nhóm môn khoa học xã hội: lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Theo quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện, thiết kế chương trình như trên là hợp lý. Kiến thức phổ thông, nền tảng cơ bản của dân trí, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 9.

Sau trung học cơ sở (lớp 9), học sinh được định hướng lên trung học phổ thông hoặc học nghề. Trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, trước khi học sinh vào đại học, cao đẳng - nghề nghiệp trình độ cao.

Tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh có thể đi học nghề, sớm tạo lập cuộc sống cho bản thân. Cả hai trường hợp định hướng nghề nghiệp hoặc học nghề sau lớp 9, đương nhiên không nhất thiết phải học môn lịch sử.

Hiểu biết lịch sử Việt Nam và thế giới là điều cần thiết của mỗi công dân. Hiểu đến đâu, nhớ được những gì trong suốt cuộc đời là việc cần xác định rõ ràng.

Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã ban hành, nội dung chương trình phân môn lịch sử cấp trung học cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Đến cấp trung học phổ thông, chương trình môn lịch sử thiết kế theo hướng chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, lịch sử văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác và hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới.

Như vậy, mỗi giai đoạn của chương trình mới có mục tiêu riêng, hướng đến các nhóm học sinh có khả năng, tố chất khác nhau. Các chủ đề lịch sử ở cấp trung học phổ thông sẽ chuyên sâu và khó hơn, không thể dạy đại trà.

Tuy nhiên, nếu đến thời điểm này, chúng ta thay đổi, đưa môn lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc hay môn “lựa chọn bắt buộc” thì cũng đồng nghĩa với việc học sinh nào cũng phải học môn học này dù đã lên cấp THPT, giai đoạn định hướng nghề nghiệp.

Ở góc độ khoa học giáo dục, nếu sửa chương trình môn lịch sử thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp trung học cơ sở vì hiện nay chương trình phân môn lịch sử ở cấp trung học cơ sở đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới.

Việc dạy học bắt buộc là đại trà. Do vậy, nếu đưa chương trình môn lịch sử vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, "nâng cao" ở cấp trung học phổ thông để bắt tất cả học sinh học là hoàn toàn không phù hợp.

Do vậy, tôi đề nghị: môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông nên tiếp tục giữ là môn học lựa chọn theo thiết kế của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã ban hành.

Nếu cần thay đổi lịch sử là môn học bắt buộc ở THPT, thì không phải lúc này, khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ triển khai thực hiện, hãy để sau khi triển khai chương trình mới trọn vẹn vào năm 2025.

Khi ấy, những thay đổi (nếu có) cần dựa trên căn cứ xác đáng về thực tiễn và khoa học giáo dục.

Lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018:

- Từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1.

- Từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2, lớp 6.

- Từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

- Từ năm học 2023 - 2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

- Từ năm học 2024 - 2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.