Lì xì phong bì 20.000 - 50.000 đồng là rất khó coi?

22/01/2023 16:02 GMT+7

Nhiều gen Z đi học, đi làm ăn xa đã có thu nhập về quê đón tết cũng có khoản tiền để lì xì cho các em nhỏ, nhưng không ít trường hợp gặp phải trẻ chê lì xì ít. 

Nhiều người trẻ cho rằng việc lì xì 20.000- 50.000 đồng là rất khó coi

NGỌC VÂN

Có phải lì xì cao để khỏi bị… chê ?

Bắt đầu để ý đến trách nhiệm của mình mỗi năm tết đến khi có công việc, Nguyễn Thị Ngọc Vân, hiện đang làm gia sư trực tuyến cho học sinh một số trường tiểu học và THCS ở TP.HCM, cho biết lúc chưa đi làm thì được mẹ đưa ít tiền để lì xì cho các em. Sau khi có việc ổn định thì Vân phải “tự biết thân biết phận”.

Việc tranh cãi lì xì bao nhiêu là đủ luôn là vấn đề tranh cãi mỗi năm

CẨM TUYẾT

Ngọc Vân cho hay: “Lúc làm lương không cao thì chỉ lì xì ít để lấy lộc thôi nhưng bây giờ với mức lương 8 triệu đồng/tháng đỡ hơn trước kia rồi thì phải lì xì nhiều hơn nên mình hơi bị xót tiền do quá đông cháu. Nhưng mình vẫn lì xì, vì cũng một năm có một lần”.

“Năm nay làm lương cao hơn nên mình sẽ lì xì tầm 50.000 đồng/cháu. Còn với em hay cháu nào lâu rồi mới gặp, học giỏi hay hoàn cảnh khó khăn thì mình sẽ lì xì từ 100.000 đồng - 200.000 đồng”, Vân cho hay.

Khác với Ngọc Vân, mỗi năm tết đến là Nguyễn Thái Nguyên Khang (23 tuổi), ngụ ở Phạm Phú Thứ, P.11, Q.Tân Bình (TP.HCM) lại gặp áp lực “phải” lì xì. Hiện tại, thu nhập của Khang mỗi tháng tầm 10 triệu đồng, với nhiều công việc khác nhau như: sáng tác nhạc, viết tiểu thuyết và làm thêm thiết kế đồ họa.

Vì hiện chỉ đang làm việc tự do nên khi lì xì anh chàng này không “vung tay quá trán” thế mà nhiều khi còn mượn thêm tiền ba mẹ để lì xì bù lại nữa. “Thường mình sẽ nhìn vào mức họ hàng lì xì cho mình như thế nào để lì xì lại cho các em, các cháu", Nguyên Khang bày tỏ.

Khang còn chia sẻ thêm có lúc để ý biết trước có cháu vừa nhận xong sẽ mở bì lì xì trước mặt, nên Khang thường lì xì nhiều để không phải… bị chê. “Mình có một người bác trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên thường lì xì tầm 100.000 đồng. Tuy nhiên, mình đã từng nghe khi có một đứa cháu họ nhận lì xì 100.000 đồng nhưng đã "chê" người đó lì xì ít nên thật sự làm mình rất khó xử và bất bình”, Khang cho hay.

Mỗi lần đến tết, Nguyên Khang lại chịu áp lực về lì xì

NVCC

Còn với Lê Ngọc Trâm Anh (22 tuổi), hiện đang làm trợ giảng tại một trung tâm Anh ngữ nằm trên đường Ba Tháng Hai, Q.10 (TP.HCM) với mức thu nhập tầm 3 triệu đồng/tháng. Nên Trâm Anh chuẩn bị nhiều bao lì xì, với nhiều mệnh giá khác nhau và để các em lần lượt bốc chọn.

Và Trâm Anh cảm thấy điều này vừa mang lại không khí vui tươi, vừa không bị mất lòng và cả đôi bên đều vui vẻ. “Người lớn thì mình thường mua quà biếu vì không có đủ kinh phí để lì xì bằng tiền mặt và mình cũng gửi ‘lộc’ cho mấy em tầm mấy chục thôi, miễn là có tinh thần thành ý mừng năm mới là được, chứ không đặt nặng vật chất”, cô nàng này cho biết.

Lì xì bao nhiêu là đủ?

Chia sẻ về vấn đề người trẻ gặp khó khi lì xì, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thế Huy, giảng viên thỉnh giảng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết từ lâu lì xì hay mừng tuổi vào những ngày đầu năm mới đã trở thành một phong tục của người Việt Nam, khi trao nhau cái lộc đầu năm với lời chúc dồi dào sức khỏe cho sự khởi đầu cho mọi điều tốt đẹp.

“Trên thực tế, vẫn có nhiều người trẻ ngày nay quên đi ý nghĩa của những bao lì xì vào những ngày đầu năm mới và xem đây là "trách nhiệm", "nghĩa vụ" phải làm thì điều này thật không nên. Bởi ý nghĩa của phong bao mừng tuổi không chỉ nằm ở số tiền bên trong, mà nó quan trọng về mặt thiện ý và là tấm lòng và những lời chúc mà chúng ta muốn gửi đến nhau trong những ngày đầu năm mới”, thạc sĩ Huy cho hay.

Cũng theo thạc sĩ Huy, chính vì những suy nghĩ chưa phù hợp này vô hình đặt thêm nhiều gánh nặng lên những đôi vai mới bước vào đời của những bạn trẻ, khiến cho nhiều bạn phải gồng mình chạy nước rút công việc, tăng ca công việc gấp đôi gấp ba lần so với bình thường cũng như tiết kiệm nhất có thể để đủ tiền mang về quê. “Để rồi lại khó khăn trong việc suy nghĩ, quyết định lì xì và lì xì bao nhiêu mới là đủ… Và đôi lúc có thể dẫn đến những căng thẳng, áp lực không đáng có vào chính những ngày đầu năm mới”, ông Huy cho biết.

Khi được hỏi “Làm sao để người trẻ không bị mất lòng khi lì xì?”, thạc sĩ Thế Huy bày tỏ rằng người trẻ không để đánh giá của người khác chi phối, tự nhắc nhở mình tiền lì xì là tiền lộc, điều đó không phải cho thấy bạn là người "ki bo" mà là bạn đang tự giúp bản thân mình và tập thói quen tốt cho trẻ hoặc đơn giản bạn có thể đưa tiền lì xì trực tiếp cho người cha mẹ của các cháu nhỏ. “Ngoài ra, người trẻ có thể thay tiền bằng bánh kẹo hay chơi các trò chơi có thưởng để gắn kết tình cảm với các em và người lớn nên giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa thật sự của lì xì”, thạc sĩ Huy nói.

Thạc sĩ cho biết: “Dù mỗi năm câu chuyện lì xì vẫn gây tranh cãi nhưng chung quy lại thì ai cũng có quyền được nhận lì xì, cũng như được trao đi lì xì cùng những lời chúc tốt lành đến từ gia đình, người thân của mình trong những ngày đầu năm. Nhớ đến giá trị này có thể giúp gen Z ứng phó được với rất nhiều tình huống khó xử trong dịp tết đến xuân về”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.