Leo núi nhặt rác: 'Tôi quyết định mình không nên làm trong âm thầm nữa'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
12/10/2022 12:00 GMT+7

Không chỉ muốn làm đẹp cho quê hương, người thanh niên này còn hy vọng được lan tỏa hoạt động leo núi nhặt rác đến cho mọi người.

Hầu như trong những chuyến leo núi của mình, anh Chung Quốc Thành (35 tuổi, giáo viên ngữ văn tại trường phổ thông ở Tây Ninh) đều gắn liền với… nhặt rác. Hiện tại hoạt động này thu hút hơn trăm bạn trẻ tham gia mỗi khi anh tổ chức.

“Tại sao chúng ta không vừa leo núi vừa nhặt rác?"

Hơn 3 năm về trước, trong một lần leo núi Bà Đen cùng với người bạn của mình, anh Thành nhận thấy ở một số cung đường có nhiều rác thải và chai nhựa. Nên hai người đã tự hỏi bản thân: “Tại sao chúng ta không vừa leo núi vừa nhặt rác”.

Thế là trong những lần leo núi tiếp theo, anh Thành luôn mang bên mình những bao ni lông từ nhỏ đến lớn. Hễ anh dừng chân đến đâu, nếu thấy có rác, chai nhựa bị vứt bừa bãi là anh đều nhặt.

Anh Thành (đứng thứ 3 từ trái vào) leo núi Tây Ninh nhặt rác cùng những người bạn của mình

NVCC

Tại núi Bà Đen, anh Thành hay leo đường ma thiên lãnh, núi Heo, đường núi Phụng, nhưng theo anh cung đường cột điện và cung đường chùa là có rác và chai nhựa nhiều nhất.

Anh Thành cho hay bản thân leo núi vào buổi tối nếu ngày đó trong tuần, còn vào thứ 7 hay chủ nhật thì anh đi ban ngày.

"Có những đợt nổi hứng, tôi với một vài người bạn vẫn còn mặc đồ đi làm, xong ghé tiệm mua quần áo thể thao, xin thêm bao đựng rác của chú giữ xe rồi leo núi. Đợt chúng tôi trèo ban đêm, thời tiết mát mẻ, mà chúng tôi cũng có lúc bị giật mình vì khi đi nhặt rác từ đỉnh xuống, thấy có mấy ông nào lù lù mặc áo trắng ở dưới đi lên, tưởng ma quỷ nhưng hóa ra là khách", anh Thành nói cười lớn.

Những ngày đầu tiên anh Thành hay leo núi với một vài người bạn hoặc đi một mình

NVCC

Thời gian đầu anh Thành nhặt rác với số lượng ít và tăng dần về sau

NVCC

Mặc dù số lượng rác mà anh Thành nhặt chỉ từ vài bao nhỏ, nhưng anh Thành vẫn cảm thấy vui vì một số người bạn đi leo núi cùng anh sau đó cũng dành ít thời gian cá nhân tham gia hoạt động “sống xanh” này.

“Mặc cho những tảng đá gồ ghề, những dốc đi nghiêng và có phần trơn trượt bởi những cơn mưa nhưng mọi người vẫn cố gắng nhặt từng chai nhựa, vỏ bánh rồi đem chúng về để đúng nơi quy định”, anh Thành kể lại.

Cung đường anh Thành hay đi nhặt rác tại núi Bà Đen là đường cột điện, chùa

NVCC

Số lượng người tham gia tăng dần lên…

Anh Thành sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh, bản thân đã đi hơn 30 tỉnh thành khắp Việt Nam. Với anh việc leo núi không chỉ là một chuyến đi chơi, khám phá những con đường mới tại khu du lịch quốc gia này, mà còn là hành trình sống xanh của bản thân.

Anh nhận ra hành động leo núi nhặt rác của bản thân cần được nhân rộng và mọi người phải biết đến nhiều hơn.

Hoạt động leo núi nhặt rác được lan rộng đến với nhiều người

NVCC

“Tôi từng mang suy nghĩ rằng “thôi mình làm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, chứ kêu gọi sợ mọi người bảo mình “khoe”, nhưng sau đó tôi thấy được sự ý nghĩa, cũng như tích cực của hoạt động này nên tôi quyết định mình không nên làm trong âm thầm nữa”, anh tâm sự.

Thế là vào đầu năm 2020, anh đã đăng một bài viết lên trang du lịch cộng đồng ở Facebook kêu gọi mọi người tham gia. Và điều bất ngờ anh Thành nhận được vô vàn lời chấp nhận.

Hoạt động leo núi nhặt rác của anh Thành luôn thu hút các bạn trẻ tham gia

NVCC

“Tôi cũng không nhớ ngày, tháng chính xác của hoạt động leo núi nhặt rác đầu tiên mà chúng tôi làm. Nhưng tôi vẫn không quên cái khoảnh khắc qua mỗi lần tổ chức, số lượng người tham gia tăng dần lên từ 20 đến 30, 40.

"Đợt cao nhất lên đến gần 120 bạn tham gia, đa số họ là những thành viên của nhóm cộng đồng du lịch "Việt Nam ơi!", đến từ nhiều tỉnh thành của cả nước. Thậm chí có 1 số bạn từ Huế vào để leo núi nhặt rác", anh Thành thông tin.

Các bạn trẻ tham gia nhặt rác

NVCC

Cứ 2-3 tháng, việc leo núi nhặt rác của anh Thành sẽ được diễn ra... Qua mỗi hoạt động ấy, nhóm anh Thành mất khoảng 3 tiếng và “thu hoạch” khoảng 80 bao. Mỗi bao tầm 5 kg đến 7 kg, sau đó bàn giao cho bảo vệ khi xuống đến Chùa Bà hoặc chân núi.

Anh Thành kể: “Cảm động nhất vẫn là hình ảnh các bạn không ngại khó, len lỏi vào hốc đá, cố gắng dọn hết số rác nhiều nhất có thể. Việc tôi và các bạn khiêng 2-3 bao tải lớn chứa chai nhựa là chuyện xảy ra đều đặn mỗi đợt".

"Có những đợt hơn 100 bạn tham gia, mặc dù dưới trời mưa khá to nhưng họ vẫn mang rác đến tận chân núi. Đôi khi, chúng tôi bắt gặp những người bạn đang leo, họ cũng tìm hiểu và xin được cùng "sống xanh", hòa chung với đoàn làm những điều ý nghĩa",anh Thành nói thêm.

Anh Thành luôn mong muốn nơi mình sống, hay những khu du lịch tại địa phương luôn sạch sẽ

NVCC

Anh Thành chia sẻ anh không nhớ số lần mình leo núi Bà Đen, nhưng việc nhặt rác tại nơi ấy đã trở thành một việc làm thường xuyên của anh. Hiện tại, thầy giáo đang lên kế hoạch "sống xanh" vào đầu tháng 11.

"Leo núi nhặt rác không chỉ đơn thuần là thấy người ta xả rác thì mình nhặt mà còn là việc mình khéo léo nhắc nhở và tuyên truyền, giải thích giúp họ hiểu hơn về việc bảo vệ môi trường. Tôi luôn tâm niệm hãy là người có ý thức từ những việc nhỏ nhất trong việc bảo vệ môi trường sống của mình", anh Thành chia sẻ.

Là người tham gia 2 lần leo núi nhặt rác với anh Thành, Nguyễn Quang Vinh (25 tuổi, đang làm việc ở Công ty Hoa Diên Vĩ số 377 Đường Trần Phú, Trường Tây,TP.Tây Ninh) nói: "Tôi thấy, anh Thành là một người nhiệt huyết và truyền cảm hứng, anh luôn tích cực với các hoạt động mình tạo ra. Với tôi "sống xanh" khi leo núi không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp bản thân rèn luyện sức khỏe".

Huỳnh Anh Trung (23 tuổi, làm giám sát công trình ở Đồng Tháp) cũng đã hơn 4 lần tham gia đi nhặt rác, chai nhựa trên mọi nẻo đường ở núi Bà Đen cùng với nhóm anh Thành.

Trung chia sẻ: “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì còn rất nhiều người yêu môi trường, không ngại khó khăn tham gia để trả lại vẻ đẹp vốn có cho thiên nhiên. Hòa chung vào hoạt động leo núi nhặt rác của thầy giáo Ngữ văn 35 tuổi này, tôi như được truyền một năng lượng tích cực, hạnh phúc khi bản thân làm một số việc ý nghĩa có ích cho xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.