Lên tiếng để tự cứu mình

24/02/2023 03:59 GMT+7

Chuyện người dân, doanh nghiệp bị ngân hàng "dụ", "ép" mua bảo hiểm gây bức xúc nhiều năm trở lại đây nhưng chưa bao giờ hết "nóng".

Ngay tại thời điểm này, khi các cơ quan có thẩm quyền đều tỏ ra quyết liệt để dẹp nạn thì mọi giải pháp đưa ra đều sẽ không hiệu quả nếu khách hàng, những người bị "ép" mua, không tham gia vào công cuộc giải cứu chính bản thân mình.

Một khảo sát nhỏ mà chúng tôi thực hiện với nhiều "nạn nhân" bị "ép" mua bảo hiểm khi tới vay tiền ngân hàng (NH) cho thấy, dù rất bức xúc, dù khó khăn đi vay mà vẫn phải "vứt" ít thì vài triệu, nhiều vài chục, thậm chí cả trăm triệu (chỉ đóng một vài kỳ đầu rồi bỏ hợp đồng bảo hiểm)... nhưng hầu như chưa có ai đứng ra tố nhà băng ép uổng mình. Không chỉ cá nhân mà cả các doanh nghiệp đều "sợ".

Cũng dễ hiểu, tố họ rồi thì làm sao vay vốn. Mà ai tìm đến NH thì đều ở trạng thái đang rất cần tiền. Đã cần thì bị ép đến đâu cũng phải chịu. Thôi thì "chặc lưỡi" cho xong, để còn giải quyết mục tiêu quan trọng hơn là được vay. Khi NH vẫn ở kèo trên, nắm quyền quyết định cho vay hay không thì đường dây nóng để tố họ ép mua bảo hiểm mà NH Nhà nước và Bộ Tài chính mới thiết lập nghe thì có vẻ quyết liệt nhưng nguy cơ thành đường dây lạnh là rất lớn.

Tương tự, cơ quan quản lý tuyên bố sẽ chế tài mạnh tay với hành vi của NH ép khách hàng mua bảo hiểm, nhưng để thu thập bằng chứng thì cũng không đơn giản.

Một số ý kiến cho rằng cách duy nhất là cấm hẳn, không cho NH bán bảo hiểm, nhưng phải khẳng định rằng việc cấm là không thể vì sự kết hợp này được pháp luật công nhận. Còn sự biến tướng của nó là một phạm trù khác và thực tế cũng có đầy đủ quy định để chế tài. Vấn đề vẫn là phải có bằng chứng về sự ép buộc, tư vấn không đúng... của phía nhà băng. Từ đó, cơ quan quản lý mới có cơ sở để chế tài. Những việc này không thể thiếu sự tham gia của chính "nạn nhân", là các khách hàng tới giao dịch với NH. Đó là lên tiếng khi bị ép buộc. Nếu nhiều cá nhân, doanh nghiệp cùng đồng lòng nhất trí thì NH cũng không thể nào "cấm cửa" với tất cả, vì NH sống nhờ hoạt động cho vay từ tiền gửi tiết kiệm của chính người dân, doanh nghiệp. Chúng ta càng nhân nhượng thì họ sẽ càng lấn tới và vấn nạn này sẽ tiếp tục.

Về phía cơ quan quản lý, cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, nhắc nhở và đặc biệt xử lý nghiêm minh các trường hợp phát hiện. Có thể rà soát các hợp đồng bảo hiểm do NH bán ra nhưng bỏ giữa chừng để đưa những NH có tỷ lệ bỏ cao vào tầm ngắm, từ đó có các biện pháp hiệu quả. Tương tự, công ty bảo hiểm nào bị người dân phản ánh nhiều, công ty đó liên kết với NH nào, không khó để tìm ra. Khi đã có địa chỉ cụ thể thì tập trung các biện pháp để phát hiện và xử lý kịp thời.

Ở chiều ngược lại, thị trường cũng có nhiều NH, cả trong nước và nước ngoài. Họ cũng phải cạnh tranh để huy động vốn, để cho vay các khách hàng tốt. Người dân, doanh nghiệp cũng có quyền lựa chọn nơi giao dịch cũng như thể hiện quyền lực của người tiêu dùng khi bị xử ép. Đó là giải pháp hữu hiệu nhất trước vấn nạn ép mua bảo hiểm khi tới vay NH, mặt trái của các cú bắt tay ngàn tỉ giữa nhà băng và bảo hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.