Lễ Phục sinh ngày 31.3.2024: Người Công giáo cầu nguyện, làm việc bác ái

29/03/2024 11:01 GMT+7

Lễ Phục sinh năm 2024 vào ngày 31.3 năm nay. Lễ Phục sinh được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Công giáo. Đây là ngày tưởng niệm sự kiện chịu chết và và phục sinh của Chúa Giêsu sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá.

Vì sao có lễ Phục sinh?

Linh mục Martinô Chu Quang Định, chánh xứ Mẫu Tâm, hạt Chí Hòa cho biết, Lễ Phục sinh hay còn gọi là lễ Vượt qua vì Chúa Giêsu đã vượt qua cái chết tìm đến sự sống, từ tội lỗi đến ân sủng, từ sợ hãi đến tin tưởng…

Lễ Phục sinh là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Công giáo, thường diễn ra vào tháng 3 hoặc 4 mỗi năm (tùy chu kỳ năm phụng vụ thuộc vào năm nhuận hay không nhuận). 

Đây là dịp người Công giáo tưởng niệm sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu. Năm nay, lễ Phục sinh rơi vào ngày 31.3.

Lễ Phục sinh ngày 31.3.2024: Người Công giáo cầu nguyện, làm việc bác ái- Ảnh 1.

Lễ Phục sinh là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm của người Công giáo

ĐỘC LẬP

Theo linh mục Martinô Chu Quang Định biến cố Chúa Giêsu phục sinh là khởi đầu cho một cuộc đời mới với con tim và lương tâm trong sạch. Đồng thời, lễ Phục sinh là khởi đầu của một thế giới mới được giải thoát cảnh nô lệ tội lỗi và cái chết, thế giới của tình yêu, hòa bình sẽ được mở ra.

Lễ Phục sinh ngày 31.3.2024: Người Công giáo cầu nguyện, làm việc bác ái- Ảnh 2.

Trứng phục sinh biểu tượng cho sự sống mới

DƯƠNG LAN

"Chúa Giêsu sống lại là niềm hy vọng và thanh xuân tươi đẹp của tất cả mọi người. Mọi thứ Ngài chạm tới đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ và tràn đầy sức sống", vị linh mục nói.

Các hoạt động trong lễ Phục sinh

Vào mọi Chúa Nhật phục sinh, không ai được phép cử hành bất cứ thánh lễ có nghi thức riêng, ngoại lịch hay nhu cầu nào khác như an táng, hôn phối, thêm sức... Mọi người phải luôn tôn trọng bản văn phụng vụ và các bài đọc kinh thánh của ngày Chúa Nhật phục sinh đó.

Trước lễ Phục sinh 40 ngày là ngày bắt đầu mùa chay vì Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày trong sa mạc để chuẩn bị công cuộc rao giảng.

Lễ Phục sinh ngày 31.3.2024: Người Công giáo cầu nguyện, làm việc bác ái- Ảnh 3.

Người Công giáo tham dự lễ vọng Phục sinh

DƯƠNG LAN

Theo vị chánh xứ, vào mùa Phục sinh người Công giáo được thúc giục đi theo ba con đường lớn là bác ái, cầu nguyện và chay tịnh. Ðó không phải là những nghi thức đơn thuần bên ngoài, mà phải là những hành động thể hiện sự đổi mới trong tâm hồn mỗi người.

Bác ái không phải là một cử chỉ vội vàng được thực hiện để xoa dịu lương tâm, bù đắp cho sự mất thăng bằng. Đó là một cách chạm đến những đau khổ của người nghèo bằng chính đôi tay và trái tim của mỗi người.

Cầu nguyện không phải là một nghi thức, đó là một cuộc đối thoại chân thật và yêu thương với Chúa Cha.

Lễ Phục sinh ngày 31.3.2024: Người Công giáo cầu nguyện, làm việc bác ái- Ảnh 4.

Mọi người cùng nhau cầu nguyện dưới ánh nến phục sinh

DƯƠNG LAN

Ăn chay không phải là một hình thức kiêng hoặc ăn gì, cũng không phải ủ rũ sầu não. Đó là sự nhắc nhở mọi người biết kiềm chế những khoái lạc, dục vọng đam mê trong con người. Tuần cuối cùng của mùa chay là tuần thánh, người Công giáo ăn chay để tưởng niệm ngày Chúa mất.

"Người Công giáo nên biết làm chủ bản thân, không để bị lôi kéo ăn uống rượu chè say sưa. Chay tịnh còn là bớt những chi tiêu không cần thiết để làm việc bác ái công ích", vị linh mục cho hay.

Với riêng giáo xứ Mẫu Tâm, hạt Chí Hòa, để hướng tới mừng đại lễ Phục sinh, ngay từ đầu mùa chay giáo xứ đã mời gọi quý ông bà, bạn trẻ siêng năng hiệp dâng Thánh lễ, tĩnh tâm, xưng tội.

"Giáo xứ kêu gọi mọi người bớt chi tiêu trong việc ăn uống, vui chơi giải trí để góp phần cho việc trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, cũng như chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo trong giáo xứ và những nơi khác", vị linh mục nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.