Lê Minh Vũ với ‘Mùa đã tươi màu nắng’

23/05/2021 14:00 GMT+7

Mùa đã tươi màu nắng là tuyển tập thơ văn mới nhất của Lê Minh Vũ. Tuyển tập khá đầy đặn với gần 600 trang, tập hợp 224 bài thơ, 17 truyện ngắn, 53 tản văn, 29 bài thơ được phổ nhạc và 10 bài viết nghiên cứu phê bình về tác phẩm của Lê Minh Vũ.

Đọc Mùa đã tươi mà nắng, độc giả nhận ra một Lê Minh Vũ có năng khiếu văn chương từ rất sớm với tinh thần lao động nghệ thuật bền bỉ, hăng say, cẩn trọng và nghiêm túc.
Khởi đầu cho sự nghiệp cầm bút của Lê Minh Vũ là những bài thơ tình học trò trong trẻo với ngôn từ bình dị, dễ đi vào lòng người đọc, nhất là những người trẻ. Càng về sau, Lê Minh Vũ chuyển sang khai thác nhiều đề tài, với sự suy nghiệm đa dạng hơn về cuộc sống. Lê Minh Vũ trở thành một trong những cây viết trẻ có nhiều triển vọng ở Bình Dương. Anh không chỉ làm thơ mà còn chuyển hướng sang viết văn xuôi. Những trang văn mượt mà, nhẹ nhàng nhưng đậm chất thế sự đã gây được sự chú ý với bạn đọc. Tập truyện ngắn đầu tay Ngã rẽ của Lê Minh Vũ vừa ra đời đã đoạt Giải truyện ngắn hay của Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương.
Với 224 bài thơ đưa vào tập sách, tác giả chia làm 4 chủ đề chính: Mẹ và mùa xuân, Hát bên chiều hoa vỡ, Buổi chiều Tigôn, Đường xưa tan học. Đây là sự phân chia có chủ ý của Lê Minh Vũ, mỗi chủ đề đều được nhà thơ tập trung xoáy sâu và làm rõ ý đồ tư tưởng cũng như những điều thi nhân cần nhắn gửi. Ở chủ đề nào cũng có những bài thơ, câu thơ ấn tượng. Nhưng có lẽ thành công hơn cả là những bài thơ viết về mẹ và mùa xuân. Đọc bài Viết trong chiều cuối năm nghe rưng rưng một niềm thương cảm: Ở đó là lời tâm tình của một đứa con khi hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn, bao dung của mẹ. Mẹ là tình yêu thương vô bờ, mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất trong lòng những đứa con. Rồi một ngày kia, khi có biến cố, mẹ cũng chính là người chở che và dẫn lối con về...
Mẹ quét lá trong chiều/ gom nỗi buồn trong đời lại đốt/ tiếng tí tách cuối vườn/ nghe nhưng nhức một niềm cô độc// bóng hoàng hôn nặng trịch/ mẹ gánh nhọc nhằn không một tiếng thở than/ lưng còng.../ tóc bạc.../ tay run.../ vắt kiệt xuân xanh nuôi con khôn lớn// con đi xa không mang theo kỷ niệm/ chốn thị thành giấu kín vẻ chân quê/ khi vấp ngã trên đường đời vạn nẻo/ chỉ có mẹ bao dung dẫn lối con về.
Kết thúc bài thơ là lời nghèn nghẹn, nhớ thương, buốt nhói: Mẹ quét lá trong chiều/ bóng hoàng hôn khắc khoải/ vẳng câu hát: “Mẹ già như chuối...”/ lòng con đau nhói/ mẹ ơi!
Người con ấy, bất giác nhận ra mình chưa làm được gì cho mẹ, dù đó chỉ là những thứ đơn giản nhất: Chợt nhận ra chưa bao giờ tặng cho mẹ chiếc khăn len/ giữa mùa đông giá rét/ Cánh đồng thơ mãi thất bát, khô cằn/ Người ơi, nói làm gì những lời to tiếng xa xăm.
Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới, mùa của sự sinh sôi, đâm chồi nảy lộc. Trước mùa xuân, Lê Minh Vũ đã thả hồn mình hòa cũng với thiên nhiên, đất trời bằng những vần thơ trữ tình da diết. Anh về níu giọt sương rơi/ qua cầu gió thổi áo người phất phơ/ mùa đi qua cửa giấc mơ/ em xa cách bởi đôi bờ sông sâu// Tháng giêng nối sợi dây gàu/ thả vào giếng cạn rát đau tay gầy/ nắng hồng tô má đỏ hây/ thương con sáo sổ lồng bay xa rồi (Tháng giêng ơi!). Lê Minh Vũ cũng dành tình cảm đặc biệt để viết thơ về mùa xuân nơi quê hương anh sống - Bình Dương, một vùng đất giàu tiềm năng, hứa hẹn những điều tốt đẹp ở phía trước. Tháng giêng Bình Dương, Về Thành phố Mới Bình Dương, Yêu Thành phố Mới nên thơ, Bình Dương xuân thắm... là những bài thơ thể hiện tình yêu sâu sắc của một đứa con sống trọn vẹn nghĩa tình với quê hương, xứ sở.
Với 17 truyện ngắn đưa vào tập sách, Lê Minh Vũ đem đến cho người đọc những trang viết chân thực về cuộc sống thời hiện đại mà ở đó còn tiềm ẩn bao cạm bẫy, cám dỗ và cả những bi kịch ập đến bất ngờ không cưỡng lại được. Đằng sau những trang viết chính là lời cảnh tỉnh, là tấm lòng, là thái độ sống của một công dân có trách nhiệm với đời, với người. Ngã rẽ là truyện ngắn gây được nhiều ám ảnh nhất so với những truyện còn lại trong tập sách này.
Mùa đã tươi màu nắng tập hợp 53 bài tản văn, mang đến những cảm xúc trong trẻo, chân thành, hồn hậu khi Lê Minh Vũ viết về gia đình, bạn bè, quê hương, về những vấn đề mang hơi thở cuộc sống thời mở cửa.
Đáng chú ý là 29 bài thơ được phổ nhạc, đã trở thành những ca khúc hay. Có những ca khúc trở nên gần gũi với người Bình Dương như: Bình Dương tháng giêng, Ngẫu hứng bên hồ Dầu Tiếng, Bến Cát xuân về, Hoài phố...
Tìm đến văn chương và kiên trì đi cùng nó đã là việc khó. Sống và viết, tận hiến hết mình bằng tinh thần trách nhiệm, sự cẩn trọng, nghiêm túc với từng con chữ lại càng khó hơn. Mùa đã tươi màu nắng là vụ mùa mà Lê Minh Vũ đã gặt hái được sau chặng đường dài dày công gieo trồng, bón chăm, vun xới. “Làm thơ đã khó, viết văn lại càng khó hơn. Vậy mà Lê Minh Vũ vận vào người cả hai để rồi cứ mãi loay hoay, cứ mãi trăn trở cho một đam mê quá đỗi nhọc nhằn này” - nhà văn Lưu Thành Tựu nhận xét về Mùa đã tươi màu nắng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.