Lê Hoàng: Nhạc Việt trông chờ sự nổi lên của Sơn Tùng thì sao mà khá được

Thành Long
Thành Long
08/11/2019 10:46 GMT+7

Trong talkshow Chuyện cuối tuần sẽ lên sóng ngày 9.11, đạo diễn Lê Hoàng và nhạc sĩ Nguyễn Quang đưa ra những bàn luận xoay quanh chủ đề Tại sao nhạc Việt không xuất ngoại?

Nhạc sĩ Nguyễn Quang cho biết nhạc Việt từng được thế giới biết đến từ những năm 1940 với các ca khúc như Nắng chiều, Không, Ướt mi… Tuy nhiên, các bài hát đó đều do người nước ngoài sang Việt Nam, thấy hay và hát chứ không phải do ca sĩ Việt chủ động mang ra thế giới. Trong khoảng 20 năm gần đây, các nhạc sĩ trẻ viết bài thường mang hơi hướng ngoại quốc. Ở thời kỳ Làn sóng xanh, các bài hát được viết giống nhạc Hoa. Chính bởi sự “na ná” thế giới như vậy nên Nguyễn Quang cho rằng không thể mang nhạc Việt ra nước ngoài được. “Các ca khúc dân gian của Việt Nam thì dễ mang ra nước ngoài vì nó mang đặc trưng, bản sắc của dân tộc mình, nhưng các ca khúc nhạc trẻ thì không. Bởi nó cũng giống như mang một cây củi na ná về rừng thì làm sao được người ta chấp nhận”, nam nhạc sĩ thẳng thắn.
Cũng theo ông, ở Việt Nam không có các công ty tổ chức chuyên nghiệp, vì thế không biết cách quảng bá ca khúc Việt Nam ra thế giới. Có thời kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Quang ở Mỹ hơn 10 năm, ông nhận thấy người Việt Nam làm sản xuất băng nhạc cho Mỹ nhiều, tuy nhiên, những người này lại chỉ làm nhạc theo phong cách người Mỹ chứ không liên quan gì đến nhạc Việt. Bên cạnh đó, các ca sĩ Việt Nam hiện nay đông, có nhiều ca khúc mới, tuy nhiên, do ảnh hưởng của phim ảnh và nhạc Hàn, họ thường “đặt hàng” các nhạc sĩ viết những ca khúc tương tự để chiều theo thị hiếu khán giả trẻ. Và những ca khúc như vậy thì chắc chắn “không ai dám mang ra thế giới”.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang cho rằng Việt Nam thiếu nền công nghệ giải trí mà thường phụ thuộc vào một cá nhân

Ảnh: BTC

Đạo diễn Lê Hoàng cho biết ông từng nghe nhiều ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt do các ca sĩ trong nước hát. Tuy nhiên, ca khúc nhạc Việt mà được các nhạc sĩ nước ngoài đặt lời ngoại quốc thì ông chưa từng nghe. “Nhiều bài tôi nghe thuộc lòng trong tiềm thức, cứ tưởng nhạc Việt nhưng hóa ra lại là nhạc ngoại. Có phải giới sáng tác của ta kém, các bài hát của ta giai điệu chán nên không chinh phục được nước ngoài?”, Lê Hoàng đặt câu hỏi.
Trước thắc mắc này, nhạc sĩ Nguyễn Quang cho rằng thực chất ban đầu Việt Nam chỉ có những ca khúc dân gian, nhạc cổ truyền. Rồi sau này, khi Pháp vào Việt Nam, họ mở các trường nhạc, khi đó nhiều nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam lúc bấy giờ bắt đầu vào trường Pháp học, rồi sáng tác các ca khúc nhạc Việt dựa trên các nốt nhạc của Pháp, chính bởi thế nên nhạc Việt Nam “mấy chục năm nay đều không thể ra nước ngoài”.
Từng có thời gian dài ở Mỹ, nhạc sĩ Nguyễn Quang cũng cho biết ngay cả những trung tâm âm nhạc lớn của Việt Nam tại đây cũng không thu hút sự chú ý của các nhạc sĩ nước ngoài hay những người làm âm nhạc chuyên nghiệp. Ông kể: “Các trung tâm ca nhạc lớn ở hải ngoại cũng chỉ làm cho người Việt Nam coi thôi chứ người Mỹ họ không quan tâm. Nó thấy mình thuê rạp hát thì cho thuê chứ chẳng thèm biết mình làm gì. Rồi các chương trình ca nhạc lớn ở Mỹ mà toàn phải thuê đạo diễn của Mỹ, sử dụng âm thanh, ánh sáng của Mỹ thì chứng tỏ tư duy của mình chưa tốt, khó có thể phát triển”.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, ở Hàn có cả một nền công nghiệp giải trí, trong đó rất nhiều các nghệ sĩ trẻ được đi học ở nước ngoài từ nhỏ. Các ca sĩ trẻ từ bé đã vào trường chỉ học hát và nhảy một cách rất nghiêm túc. Trong quá trình đó, họ phải tránh xa điện thoại, internet, thậm chí còn học tập đến mức kiệt sức. Chính vì thế, Hàn Quốc có nền công nghiệp giải trí vô cùng phát triển và chuyên nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam, cũng có nhiều nghệ sĩ sang nước ngoài học, tuy nhiên tất cả mới chỉ là nhỏ lẻ, tự túc chứ không tạo thành một ê-kíp, bộ máy chuyên nghiệp như ở Hàn. “Mình chỉ trông vào sự nổi lên của Sơn Tùng M-TP, sự vươn lên của Đức Trí, Nguyễn Văn Chung thì không thể phát triển được. Rồi âm nhạc mà không kết hợp với vũ đạo, ánh sáng, điện ảnh…. thì làm sao mà sánh được thế giới”, Lê Hoàng nói.
Cuối chương trình, nhạc sĩ Nguyễn Quang cho biết cái quan trọng ở Việt Nam là thiếu một người sản xuất âm nhạc giỏi bởi đó là người có tư duy, biết kết nối, tổ chức, đặc biệt có tầm nhìn xa để đưa nhạc Việt phát triển. Đạo diễn Lê Hoàng cũng đồng tình và thừa nhận: “Nhiều ca sĩ của mình giỏi nhưng không có người sản xuất giỏi, do đó khó đưa sản phẩm ra nước ngoài”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.