Lấy cớ bù rỗng, xe đò lại tăng giá

27/08/2018 06:52 GMT+7

Cũng như các dịp lễ, tết khác, xe đò tại TP.HCM đi các tỉnh dịp 2.9 lại tăng giá vé với lý do bù rỗng.

Tăng 30 - 40% giá vé
Lễ 2.9 năm nay, người lao động được nghỉ 3 ngày nên lượng hành khách đặt xe về quê dự đoán tăng mạnh. Vẫn như thường lệ, các nhà xe không bỏ qua cơ hội tăng giá vé với lý do muôn thuở: phụ thu chiều rỗng. Giá vé xe đi nhiều chặng tăng vọt. Đơn cử, các nhà xe Bình Phương, Thành Ban báo giá vé từ TP.HCM về Phú Yên ngày 31.8 tăng 120.000 đồng, từ 230.000 đồng ngày thường lên 350.000 đồng. Cũng chặng này, Hãng xe Phúc Thuận Thảo tăng từ 200.000 đồng lên 330.000 đồng. Xe đi miền Tây có mức tăng thấp hơn, từ TP.HCM về Cà Mau giá vé chỉ tăng khoảng 50.000 - 60.000 đồng so ngày thường.
Đại diện Bến xe Miền Đông (TP.HCM) dự báo sản lượng khách đi xe tại bến dịp 2.9 năm nay tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu vào tối 31.8 và ngày 1.9 trên một số tuyến đường có cự ly trung bình ngắn, nhất là các tuyến đi đến trung tâm du lịch. Cũng như các dịp lễ khác, mức phụ thu cho chiều xe chạy rỗng năm nay sẽ dao động từ 30 - 40% tùy tuyến. Cụ thể, các tuyến thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, khu vực cao nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi phụ thu không quá 30%, áp dụng từ 31.8 - 1.9.
Riêng các tuyến từ Bến xe Miền Đông đi các tỉnh miền Tây điều chỉnh tăng không quá 40%. “Vào các dịp lễ, tết, lượng khách có thể tăng gấp đôi, gấp ba bình thường, đổ dồn vào một thời điểm nhất định nên các hãng xe phải điều động thêm lực lượng xe. Những xe này chở khách tới, chạy rỗng một chiều về nên buộc phải tăng giá vé bù khoản phụ thu, trả chi phí nhiên liệu. Giá vé đã được trình Sở GTVT TP thông qua chứ không phải nhà xe tự ý tăng”, vị này nói.
Tương tự, Bến xe Miền Tây (TP.HCM) dự báo lượng khách dịp nghỉ lễ năm nay tăng từ 4 - 6% so cùng kỳ năm trước, giá vé tăng không quá 40% so với mức giá vé ngày thường và chỉ tăng trong ngày 31.8 và 1.9.
Ngược quy tắc cung - cầu
Đáng nói, trong khi tình trạng nâng giá vé để bù chiều rỗng diễn ra phổ biến, như một thông lệ tại khu vực miền Nam thì các bến xe ngoài Hà Nội không có chuyện phụ thu khoản này, cả năm giá vé như nhau. Ngay tại bến xe “nóng” nhất là Mỹ Đình, giá vé cơ bản ổn định. Bên cạnh đó, theo Thông tư liên tịch 152 của Bộ Tài chính - Bộ GTVT về việc hướng dẫn thực hiện kê khai giá vé vận tải không cho phép phụ thu giá vé mà chỉ cho phép DN kê khai đăng ký giá vé phù hợp. Như vậy, việc tăng giá phụ thu chiều chạy rỗng từ 20 - 60% áp dụng chung cho tất cả các DN là không đúng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định việc tăng giá vé xe dịp lễ, tết nhằm bù chi phí xe chạy chiều rỗng là đi ngược quy tắc cung - cầu. Đáng ra lượng khách càng tăng thì giá vé càng phải giảm. Ngay cả khi chạy vào ngày thường, không thể có chuyện xe chạy cả 2 chiều, chiều nào cũng đông khách. Lúc nào cũng sẽ có một chiều xe phục vụ số lượng khách ít hơn. Vào những dịp lễ, tết, xe chạy chiều về ít khách gấp đôi, gấp ba lần thường ngày thì chiều đi lại tăng cả 3 - 4 lần. Như vậy việc kêu lỗ, đòi bù chi phí là vô lý.
“Chịu thiệt lớn nhất vẫn là người tiêu dùng. Họ không biết kêu ai, không có sự lựa chọn nên bắt buộc phải chấp nhận việc các nhà xe liên tục tăng giá. Các nhà quản lý cần có hạch toán nghiêm túc kết quả sản xuất kinh doanh của các DN vận tải. Khảo sát thực tế, kiểm tra kết quả kinh doanh cụ thể xem chi phí, lợi nhuận ngày thường, ngày lễ như thế nào, để có cơ chế quản lý giá phù hợp”, ông Trinh nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA), khẳng định lý do bù chạy chiều rỗng là vô lý. Bài toàn kinh tế quá rõ ràng, khách đi càng nhiều, doanh thu tăng lên thì tại sao DN lại cần bù chi phí? Điều đó thể hiện rõ ý định chỉ chờ dịp lễ, tết để chèn ép người tiêu dùng. Đồng thời, DN khi kinh doanh đã phải dự kiến thời gian cao điểm cần bao nhiêu xe để lên kế hoạch huy động, cân đối thu chi. Không phải đến ngày thấy khách nhiều mới gọi xe mà kêu khó khăn, phải bù chi phí. “Không cho phép phụ thu giá vé nhưng duyệt giá DN kê khai giá tăng 40 - 50% thì cũng chẳng khác gì phụ thu. Sở GTVT TP.HCM cần cân nhắc chấm dứt tiền lệ vô lý này”, ông Hậu đề nghị.
Vé tàu giảm, máy bay ổn định giá
Theo kế hoạch bán vé dịp lễ 2.9 của Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, ngoài các chuyến tàu chạy thường xuyên hằng ngày, công ty còn tổ chức chạy thêm 30 chuyến tàu với 14.000 chỗ, nâng tổng số chỗ phục vụ hành khách lên 47.000.
Ngoài việc tăng chuyến, ngành đường sắt cũng giảm từ 10 - 20% giá vé cho hành khách dịp 2.9 cho tuyến Sài Gòn - Nha Trang với các tàu chạy thêm so với tàu chính.
Đồng thời, giảm tới 90% giá vé cho các hướng dẫn viên du lịch, giảm từ 15 - 40% giá vé cho các công ty du lịch liên kết với chương trình kích cầu du lịch địa phương của các hiệp hội du lịch tỉnh, thành phố nhằm thu hút hành khách đi du lịch bằng tàu lửa. Hàng không cũng tăng thêm nhiều chuyến bay đến các địa điểm du lịch để phục vụ hành khách nghỉ lễ.
Các hãng hàng không cũng thông báo tăng nhiều chuyến bay và theo khảo sát, giá vé vẫn được bán theo nhiều dải giá như bình thường, không có nhiều biến động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.