Lắt léo chữ nghĩa: Từ nguyên của tên một số đồ dùng để mang/đi dưới chân

15/11/2020 06:43 GMT+7

Guốc là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [屩], mà âm Hán Việt là cước, có nghĩa là “dép cỏ” (thảo hài [草鞋]).

Tiếng Hán còn có một từ mà chữ viết là [屐], âm Hán Việt là kích, có nghĩa là “hài gỗ” (mộc đầu hài [木頭鞋]); “giày dép nói chung” (hài đích thông xưng [鞋的通稱]). Vương Lực đã chứng minh rằng cước và kích là những đồng nguyên tự (Đồng nguyên tự điển, Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.270). Vậy chẳng có gì lạ nếu trong tiếng Hán cước có nghĩa là “dép cỏ” mà trong tiếng Việt thì guốc lại làm bằng gỗ. Sự “tréo ngoe” này là một hiện tượng thường thấy trong sự chuyển nghĩa từ tiếng Hán sang tiếng Việt, mà thí dụ điển hình là trong tiếng Hán khố [褲] là “quần”, còn quần [裙] trong tiếng Hán thì lại là “váy” (của phụ nữ).
Về tương quan C « G giữa cước và guốc, ta còn có những thí dụ rất quen thuộc: - cân trong cân não « gân trong gân guốc; - cận trong cận thị « gần trong xa gần; - cấp trong khẩn cấp « gấp trong gấp rút; - đặc biệt là trường hợp cẩu [豿] « gấu mà chúng tôi đã đưa ra trong kỳ trước (Thanh Niên số ra ngày 8.11.2020).
Dép là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [屧], mà âm Hán Việt là tiếp, có nghĩa là “guốc gỗ” (mộc kích [木屐]); “đế bằng gỗ của giày thời xưa” (“cổ đại hài đích mộc để” [古代鞋的木底]). Chữ tiếp [屧] vốn viết là [屟], hài thanh bằng chữ diệp [枼] nên tiếp « dép là chuyện hoàn toàn bình thường.
Giày bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [鞋], mà âm Hán Việt là hài, có nghĩa là “giày dép”. Đây là một hình thanh tự mà nghĩa phù là cách [革] còn thanh phù là khuê [圭]; chữ khuê [圭] này lại dùng để hài thanh cho chữ giai [佳], có phụ âm đầu là GI. Vậy cũng không có gì lạ nếu giày (có phụ âm đầu GI) là điệp thức của hài [鞋].
Bản thân chữ hài [鞋] cũng là một từ Hán Việt độc lập trong tiếng Việt, mà Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng là “[cũ] loại giày thời xưa, thường có mũi cong và phía ngoài có thêu hình”.
Ủng bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𩍓] mà âm Hán Việt là ung và Hán ngữ đại tự điển giảng là “ngoa, miệt đích đông nhi” [靴袜的筒儿], tức “[phần] ống của ủng, của tất/vớ”.
Bít tất là biến thể ngữ âm của hai chữ Hán [蔽膝] mà âm Hán Việt hiện hành là tế tất, có nghĩa là “vải che đùi và đầu gối, na ná cái tạp dề ngày nay”. Nhưng chữ bít [蔽] vốn có phụ âm đầu B nên tế tất [蔽膝] vốn là bế tất rồi do chuyển biến ngữ âm mà trở thành bít tất trong tiếng Việt. Hiện nay nhiều người đã bỏ bít mà chỉ dùng tất; rồi ta chẳng những có tất chân mà còn có cả tất tay, tức cái găng. Tiếng Hán cũng có hình thức nói tắt tế tất thành tất mà viết là [鞸] hoặc [韠].
Tất chân thì trong Nam gọi là vớ. Vớ là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [幃] mà âm Hán Việt là vi/huy, mà Hán ngữ đại tự điển giảng là “quần đích chính diện nhất bức” [裙的正面一幅], tức “mặt chính của chiếc váy” (cũng tương đương với “tế tất”) còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F, S, Couvreur thì dịch là “genouillères”(miếng đệm đầu gối). Nhân tiện, xin nói thêm: Với nghĩa “hương nang” (túi đựng chất thơm) chữ vi/huy [幃] còn có một điệp thức là ví trong ví tiền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.