Lắt léo chữ nghĩa: Thuyền lan hay thuyền nan ?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
24/10/2021 07:00 GMT+7

Trong bài thơ Mòn mỏi của Thanh Tịnh có đoạn: Sóng chiều đùa chiếc thuyền lan/Chị ơi con sáo gọi ngàn bên sông... Bạn đọc hỏi: viết “thuyền lan” đúng chính tả không, hay nên viết là “thuyền nan”?

Bạn đọc thắc mắc như vậy cũng dễ hiểu thôi, vì trong Từ điển tiếng Việt (2003) do Hoàng Phê chủ biên và Đại từ điển tiếng Việt (1999) của Nguyễn Như Ý chỉ ghi nhận thuyền nan, không có thuyền lan. Trong Wiktionary tiếng Việt cũng vậy.

Tuy nhiên, trên thực tế có cả hai từ trong văn bản tiếng Việt: thuyền lan và thuyền nan.

Thuyền lan là khái niệm có nguồn gốc từ chữ lan chu (蘭舟) trong Hán ngữ. Từ điển Thiều Chửu cho biết: lan (蘭) là từ dùng để chỉ cây mộc lan (木蘭), cổ nhân thường dùng cây này để làm nhà. Mộc lan có trên 200 loài thuộc chi Magnolia, màu hoa đặc trưng là trắng, cam và tím... Riêng loài mộc lan sử dụng làm thuyền ở Trung Quốc là mộc lan hoa tím (Magnolia liliiflora), phân bố ở vùng tây nam Trung Quốc (chủ yếu ở Tứ Xuyên và Vân Nam).

Còn chu (舟) có nghĩa là thuyền. Những loại thuyền, đò, bè dùng qua sông hay kênh rạch đều được gọi là chu. Ngày xưa vua Ngô Hạp Lư (514 - 496 TCN) trồng cây mộc lan để lấy gỗ làm cung điện. Còn ông Lỗ Ban thì thường đẽo cây này làm thuyền, nên người Trung Quốc còn gọi lan chu (蘭舟) là mộc lan chu (木蘭), tức thuyền bằng cây mộc lan. Trong bài Mộc lan hoa của Lý Thương Ẩn đời nhà Đường có câu: “Kỷ độ mộc lan chu thượng vọng” (Mấy độ lên thuyền mộc lan trông ngóng khách) là nói về loại thuyền này. Về sau, người Việt gọi lan chu hay mộc lan chu là thuyền lan.

Thuyền lan là thuyền đẹp, thời xưa dùng để đi chơi. Trong văn chương chữ Nôm, thuyền lan được viết là 船蘭, ví dụ: “Thuyền lan một lá thuận dòng thênh thênh” (Hoa Tiên truyện, c.44), hay “Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy” (Ai Tư Vãn, c.12).

Thế còn thuyền nan là gì? Xin thưa, đây là một loại thuyền nhỏ, đan bằng nan tre, thường được trát kín bằng sơn ta hoặc nhựa đường. Trong văn chương, thuyền nan là từ thường dùng để ví với thân phận người đàn bà, được viết bằng chữ Nôm là 船䕼 (thuyền 船 + nan (tre) 䕼). Ví dụ: “Thuyền nan sợ sóng dòng khơi” (Nữ trung tùng phận). Tuy nhiên, trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu không sử dụng từ nan (䕼) trong thuyền nan, mà lại sử dụng từ nan (难), một chữ thường dùng trong gian nan, chứ không phải là “nan tre” (䕼). Ông viết: “Thuyền nan

(船难) một chiếc ở đời" (c. 975). Như vậy, Nguyễn Đình Chiểu đã mượn âm chữ nan (难) trong gian nan để sử dụng thay chữ nan (䕼) trong nan tre.

Tóm lại, có 2 từ thuyền lan và thuyền nan trong tiếng Việt. Chữ thuyền lan có nguồn gốc từ Hán ngữ, tuy không phổ biến bằng thuyền nan song từ này hiện nay vẫn được sử dụng. Do đó, cần phân biệt chính tả và ý nghĩa của 2 loại thuyền này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.