Lắt léo chữ nghĩa: Tanh đồng và Ten[g] đồng?

31/10/2021 06:15 GMT+7

Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên không ghi nhận từ tanh trong tanh đồng. Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức cũng không có.

Nhưng cả hai đều ghi nhận từ ten, mà quyển trước thì ghi chú là phương ngữ với nghĩa là “gỉ [đồng, thau]” còn quyển sau thì giảng thẳng là “chất xanh ở đồng han”.

Thực ra tanh không phải là một từ hiếm thấy. Dictionnaire français-vietnamien do Lê Khả Kế làm tổng biên tập (Tổ chức hợp tác văn hóa và kỹ thuật [Pháp], 1981) dịch vert-de-gris là “gỉ đồng, tanh đồng”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Hà Nội, 1967) ghi nhận tanh đồng rồi giảng là “một thứ muối đồng màu xanh lục, tạo thành ở những chỗ đồng bị ẩm”. Quyển này cũng ghi nhận cả ten đồng rồi giảng ngắn gọn là “chất gỉ đồng”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nhận ten rồi giảng là “chất xanh ở đồng thau rỉ ra”. Thực ra, chữ ten (không có -g cuối) đã có mặt trong Đại Nam quấc âm tự vị (1896) của Huình-Tịnh Paulus Của, trong Dictionarium anamitico-latinum của J.L. Taberd (Serampore, 1838) và trong quyển cùng tên (viết tay, 1772-1773) của Pigneaux de Béhaine.

Ten đồng chính là tanh đồng tức vert-de-gris trong tiếng Pháp và verdigris trong tiếng Anh nhưng ten không có -g cuối là một cách viết lệch chuẩn xuất phát từ cách phát âm và cách ghi chép của Đàng Trong. Cả ten lẫn tanh đều là những từ Việt gốc Hán và đều là điệp thức của từ ghi bằng chữ [鉎], cũng viết [鍟], mà âm Hán Việt là tinh, Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur dịch là “vert-de-gris”. Nhưng ten không thể đối ứng với tanh vì ở đây ta có tương quan ngữ âm ANH ⬌ ENG nên lẽ ra ten phải viết thành teng. Đây là một trường hợp ngoại lệ vì từ điển Khai trí Tiến đức lấy tiếng miền Bắc làm nền tảng, lẽ ra phải viết thành teng thì cũng viết thành ten. Có lẽ ta không nên xem đây là chuyện sai chính tả mà có thể là một sự cố từ Nam ra Bắc. Hơn nữa, chúng tôi cho là, bên cạnh tương quan ANH ⬌ ENG, còn có một quy luật phụ ANH 1 EN dẫn đến “tanh đồngten đồng”.

Thật vậy, về mối quan hệ ANH ⬌ EN, ta còn có một trường hợp quan trọng hiển nhiên là: chữ ngạnh [哽], nghĩa là “nghẹn”, có một điệp thức thông dụng là nghẹn trong mắc nghẹn, nghẹn ngào, nghẹn lời… Rồi từ nghẹn ta lại có thêm nghẽn trong tắc nghẽn.

Xét về từ nguyên thì còn nhiều chuyện ngoại lệ (hay quy luật tương ứng phụ?), chẳng hạn chữ thanh [青] là “màu xanh”, là “cây cỏ”, hài thanh cho chữ thiến [倩] là “vẻ đẹp”, “đẹp trai”. Ở đây, tương ứng phụ âm cuối là NH ⬌ N chứ không phải NH ⬌ NH như thông lệ. Thành ra, về nguyên tắc xanh trong màu xanh ứng với thanh [青] nhưng xinh trong xinh đẹpthì lại ứng với thiến [倩]. Rồi thỉnh [請] trong thỉnh cầu với -NH cuối lại có điệp thức là xin với -N cuối.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.