Lắt léo chữ nghĩa: Tầm nguyên với chữ vưu [疣]

10/04/2022 07:30 GMT+7

Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên không ghi nhận riêng vù trong sưng vù mà chỉ giảng sưng vù là “sưng lên rất to”.

Các nhà biên soạn có lý do của mình vì đơn vị mà họ thu nhận vào quyển từ điển là từ chứ không phải hình vị trong khi chỉ là một hình vị phụ thuộc gắn liền với sưng vù. Nhưng xét theo từ nguyên (etymology) thì vẫn có nguồn gốc của nó vì nó là một hình vị tiếng Việt gốc Hán mà nguyên từ (etymon) là chữ [疣, cũng viết 肬], mà Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng ghi âm Hán Việt là vưu và giảng là “Cục bướu. Cục thịt thừa rất lớn trên thân thể”. Về tương quan ƯU <-> U thì vưu vẫn là “bà con thắm thiết” với nhau vì vận mục ưu [尤] và vận mục u [幽] đều cùng một nhiếp: một số chữ thuộc vận mục ưu [尤] đã đọc theo vần U như du [游], thu [秋], tu [修]...

Ta còn có chữ bươuTừ điển tiếng Việt 2020 giảng là “sưng thành cục ở đầu, ở trán”. Bươu là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [疣], cũng viết [肬], mà Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng ghi âm Hán Việt là vưu và giảng là “Cục bướu. Cục thịt thừa rất lớn trên thân thể”. Tương quan phụ âm đầu V <-> B giữa vưubươu được khẳng định bằng trường hợp sau đây: Chữ [郵] được đọc theo âm Hán Việt trong các quyển từ điển song ngữ Việt Hán là bưu, với phụ âm đầu B nhưng thiết âm chính xác của nó trong tiếng Hán lại là vưu, với phụ âm đầu V. Nó thuộc vận mục vưu [尤], rồi cả tiểu vận vưu [尤] trong Quảng vận. Tương quan vần ƯU <-> ƯƠU tuy hiếm nhưng ta vẫn có một dẫn chứng khá quen thuộc là “tửu [酒] <-> rượu”. Ngoài ra, với chữ vưu [疣], nhích từ bình thanh sang khứ thanh, ta còn có bướu trong ung bướu, bướu cổ, đúng với nghĩa gốc.

Đồng nghĩa và đồng nguyên với bươu/bướu, ta còn có u trong cục u Từ điển tiếng Việt 2020 ghi chú là danh từ rồi giảng là “khối thịt nổi hẳn lên trên cơ thể, do tự nhiên hoặc do va đập mạnh mà có”. Quyển từ điển này cũng ghi nhận u trong u đầu rồi ghi chú là động từ mà giảng là “sưng thành khối nổi lên do bị va đập mạnh”. Thực ra, đây là hai từ u đồng nguyên vì đều bắt nguồn từ chữ vưu [疣] ở trên: u là biến thể ngữ âm của vưu [疣]. Ngoài thành ngữ vai u thịt bắp, ta còn có danh ngữ bò u. Theo internet, bò u còn gọi là bò Zebu hay bò Zêbu (danh pháp hai phần: Bos primigenius indicus hoặc Bos indicus) là tên gọi chung một nhóm các giống bò u nhiệt đới (Bos indicus), có nguồn gốc ở khu vực Nam Á vùng tiểu lục địa Ấn Độ như các nước Ấn Độ, Pakistan, một số nước châu Phi. Riêng trong Nam, từ u còn dùng để chỉ sừng của con tê (thường gọi là con “tê giác”) gọi là u tây (tây là tên con “tê giác” ở trong Nam), như đã được ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.