Lắt léo chữ nghĩa: “Tài” và “Lộc” trong năm mới

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
04/02/2023 07:31 GMT+7

Tài và lộc là hai khái niệm liên quan mật thiết với cuộc sống con người, đặc biệt trong dịp mừng năm mới người ta thường chúc nhau bằng những câu chứa đựng tài và lộc.

Ví dụ như Cung hỉ phát tài, Tấn tài tấn lộc (恭喜发财, 进财进禄), đây là câu có nguồn gốc từ Hán ngữ, có nghĩa là "Chúc mừng phát tài, Tiền vào lộc đến". Cung hỉ phát tài là một trong những câu chúc tết quan trọng của người Trung Quốc. Câu này do người Quảng Đông và Hồng Kông sử dụng đầu tiên, phổ biến từ ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, sau đó lan dần sang các nước, trong đó có Việt Nam. Cung hỉ phát tài trở thành một trong những khẩu hiệu ấn tượng dịp đầu xuân, được in số lượng lớn trên quà tặng mừng năm mới.

Tấn tài, tấn lộc cũng thường xuất hiện trong lời chúc mừng năm mới. Tấn là từ Hán Việt, xuất phát từ chữ 进 trong Hán ngữ - một ký tự xuất hiện lần đầu trên bản khắc xương thời nhà Thương. Cách viết chữ tấn (进) trong giáp cốt văn gồm 2 phần: phần trên là chuy (隹), tượng trưng cho con chim; phần dưới là chỉ (止), tượng trưng cho bàn chân, với các ngón chân hướng lên trên. Do loài chim không thể đi lùi mà chỉ đi tới hoặc nhảy về phía trước nên từ này có nghĩa là tiến lên. Về sau, chữ tấn (进) mở rộng thành nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa liên quan đến sự thu nhập tiền bạc.

Tài (财, cái) là ký tự xuất hiện lần đầu trong tiểu triện, một loại văn tự thời nhà Tần mà Hứa Thận đã ghi lại trong Thuyết văn giải tự. Tài (财) có nghĩa gốc là tài sản. Trong tiểu triện, chữ tài có 2 phần, bên trái là bối (贝), có nghĩa là vỏ sò - dùng làm tiền tệ vào thời cổ đại; bên phải là tài (才) - dùng để ghi cách phát âm. Thuyết văn định nghĩa: "tài là tiền của con người vậy" (tài, nhân sở bảo dã/财,人所宝也). Chương Thuyết nan trong Hàn Phi Tử cũng ghi nhận chữ này. Còn trong thiên Thượng hiền (hạ) của Mặc Tử thì tài có nghĩa là tài năng (财,即才也). Thiên luận của Tuân Tử và Hoắc quang truyện (Hán Thư) cũng đề cập đến chữ tài. Hiện nay, tài (财) vẫn còn nghĩa gốc là tài sản, sự giàu có.

Lộc (禄, lù) có nghĩa là phúc lành, may mắn. Ý nghĩa ban đầu nói về một con thú kỳ lạ tên là Lộc (禄), trông giống như con kỳ lân, đầu có sừng, lưng có hai cánh, nó rất giỏi phân biệt âm thanh và phân biệt đúng sai.

Chữ lộc (禄) cấu tạo theo lối hình thanh, nghĩa gốc là phúc khí, phúc vận. Theo Thuyết văn, lộc tộ (禄祚) có nghĩa là phước lành và tuổi thọ. Lộc còn là lương của viên chức hoặc là lộc lợi (lợi ích của lộc), lộc nhị (bổng lộc dùng làm mồi nhử), lộc âm (bổng lộc có được nhờ hình bóng tổ tiên). Ngoài ra, lộc còn là phần thưởng, chẳng hạn như lộc liệu (tiền liệu: một loại tiền thưởng cho quan lại đời nhà Đường - Tống, ngoại trừ lương năm và lương tháng).

Ở Việt Nam người ta còn sử dụng câu chúc mừng năm mới kèm với tấn tài tấn lộc tấn an khang, trong đó an (安) có nghĩa là bình an, yên ổn về tinh thần; còn khang (康) là khỏe mạnh về thể chất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.