Lắt léo chữ nghĩa: “Nhà báo” bị định nghĩa sai trong từ điển

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
19/06/2022 07:30 GMT+7

Vài ngày nay, trên mạng xã hội Facebook bộc phát cuộc tranh luận về nghĩa của từ “nhà báo”, khởi nguồn từ định nghĩa “nhà báo” trong Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (NXB KHXH, 2007):

“Nhà báo (dt) (nb): người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình. “Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu”.

Nhìn chung, dù có ghi là “(nb)”: nghĩa bóng (?), thì cũng khó chấp nhận một định nghĩa như thế trong từ điển. Vậy, chính xác thì “nhà báo” nghĩa là gì?

Xin thưa, nhà báo là “chủ một tờ báo hoặc ký giả” (Việt Nam từ điển (1970) của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, tr.1069); là “người viết báo” (Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị (NXB Thời Thế, 1958, tr.946); là “người chuyên làm nghề viết báo” (Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng 2003, tr.699)…

Trên đây chỉ là những định nghĩa xưa, đơn giản. Thời bây giờ khái niệm này được mở rộng hơn nhiều.

Xét về lịch sử, người Việt đã tiếp cận những từ tương ứng với “nhà báo” như sau: journalist (tiếng Anh); journaliste (Pháp); tân văn công tác giả (新聞工作者, xīnwén gōngzuò zhě) trong tiếng Trung Quốc; hoặc jānarisuto (ジャーナリスト) và tân văn kí giả (新聞記者, shinbun kisha) trong tiếng Nhật; Журнали́ст, журнали́стка (tiếng Nga).

Tuy khái niệm nhà báo trong những ngôn ngữ kể trên có khác biệt đôi chút, song xét tổng thể như sau: Nhà báo là những người làm việc liên quan đến hoạt động báo chí, bao gồm phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn, các trưởng ban nghiệp vụ báo chí, tổng biên tập, phó tổng biên tập… Ngày nay, khái niệm nhà báo bao gồm những người làm việc tại cơ quan báo in, phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin và truyền thông của trang web.

Đầu thế kỷ 20, từ “nhà báo” đã từng xuất hiện trong Bách khoa thư Hà Nội: Khoa học & công nghệ (NXB Từ điển bách khoa, 1900): “Trong sách Croquis tonkinois (Phác thảo về xứ Bắc Kỳ) một nhà báo Pháp là Yann đã viết…” (tr.40).

Rất có khả năng người Việt đã dựa vào Hán ngữ để tạo ra từ “nhà báo”, bởi vì gia (家) có nghĩa là người chuyên môn trong lĩnh vực nào đấy. Ví dụ: chính trị gia (政治家): nhà chính trị; khoa học gia (科學家): nhà khoa học; còn báo (報) là tờ báo, báo chí. Ví dụ: “nhật báo” (日報) là báo xuất bản hằng ngày; vãn báo (晚報) báo phát hành buổi tối; riêng cách gọi “tuần báo” có thể do người Việt nghĩ ra để chỉ báo phát hành hằng tuần, vì hiện nay Trung Quốc gọi tuần báo là chu san (周刊).

Ở VN, trước đây nhà báo được gọi là ký giả - một từ có nguồn gốc từ thuật ngữ Ký giả (記者, jìzhě) trong Hán ngữ, người Nhật cũng gọi là ký giả (記者/きしゃ, kisha). Ngày nay còn có thuật ngữ tương ứng là “phóng viên”, cũng xuất phát từ Hán ngữ: phóng viên (訪員, fǎngyuán), tuy nhiên đây chỉ là cách gọi cũ ở Trung Quốc, ngày nay người Trung Quốc gọi là “thông tín viên hiện trường” (field correspondent).

Tóm lại, từ “nhà báo” trong Từ điển từ ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín (sđd) có 2 chi tiết chưa chuẩn xác:

Thứ nhất, khi định nghĩa một từ, trước hết cần giải thích nghĩa gốc của từ, sau đó mới ghi nghĩa bóng nếu có. Ở đây, tác giả chỉ chú thích là “(nb)” = nghĩa bóng (?).

Thứ hai, từ “nhà báo” không phải là phương ngữ Nam bộ, vì những từ gọi là phương ngữ đều có thể định nghĩa tương ứng nhau. Ví dụ: cá lóc (Nam bộ), cá quả (Bắc bộ), đều là từ chỉ chung loài cá thuộc chi Channa, họ Channidae.

Từ “nhà báo” trong câu “Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu” mà Huỳnh Công Tín dẫn chứng chỉ là lời nói đùa, một cách chơi chữ cho vui, không thể đưa vào Từ điển từ ngữ Nam Bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.