Lắt léo chữ nghĩa: Nghĩa của một số 'yếu tố láy' (*)

21/06/2020 06:48 GMT+7

14. Dạn trong dày dạn: Dạn là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [僤], âm Hán Việt hiện hành là đạn, mà Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “dày dạn”.

Về tương quan D ↔ Đ giữa dạn và đạn, ta còn có: – dãn (nay viết giãn) trong co dãn ↔ đàn [彈] trong đàn hồi; – dát (= nhút nhát) ↔ đát [怛], sợ sệt; – dát (nay viết giát) trong dát giường ↔ đát [笪], chiếu xấu; – dỗi trong hờn dỗi ↔ đội [憝], hờn oán; – dốt trong dốt nát ↔ `đột [鈯], ngu đần.
15. Dáng trong dơ dáng: Dáng là một danh từ độc lập hẳn hoi, thường đi chung với hình thành hình dáng còn dơ dáng chẳng qua là vế đầu của thành ngữ dơ dáng dại hình như có thể thấy trong câu 1357 của Truyện Kiều (Lại càng dơ dáng dại hình). Đào Duy Anh giảng dơ dáng “tức là mặt mày thì trơ trẽn, xấu hổ” (Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974). Danh từ dáng được Đào Duy Anh giảng là “mặt mày”, rất xác đáng.
16. Dờ trong dật dờ: Từ điển tiếng Việt 2008 (TĐTV 2008) của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) giảng dật dờ là “[cuộc sống] không ổn định, không chắc chắn, hoàn toàn tùy thuộc theo sự đưa đẩy của hoàn cảnh”. Đây thực chất là điệp thức của hai yếu tố Hán Việt dật du [逸遊], mà nghĩa gốc là “rong chơi nhàn hạ”, trong đó du có điệp thức là dờ. Hiện tượng này cũng giống như trường hợp vu [誣] trong vu cáo, vu oan..., trở thành vờ trong giả vờ, vờ vịt...
17. Đầm và đìa trong đầm đìa: Cả đầm lẫn đìa đều là những danh từ độc lập, không có từ nào là âm tiết láy của từ nào cả. Đầm là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ
[潭], mà âm Hán Việt hiện hành là đàm, có nghĩa là… “đầm”. Tương quan AM ↔ ÂM giữa đàm và đầm còn có thể thấy với: hãm [陷], hầm bẫy thú ↔ hầm trong hầm hố; – lạm [濫] trong lạm dụng ↔ lậm, chỉ hiện tượng quá mức trong cách hành xử (phương ngữ Nam bộ); – tảm [糁] là hạt cơm, hạt gạo ↔ tấm trong cơm tấm. Đìa là âm Hán Việt xưa của chữ [池] mà âm Hán Việt hiện hành là trì, có nghĩa là “ao”. Chữ trì [池] hài thanh bằng chữ dã [也], cũng hài thanh cho chữ địa [地]. Vậy “trì ↔ đìa” là chuyện hoàn toàn bình thường.
18. Đọa trong đày đọa: Đọa không phải là một âm tiết láy. Đây là một yếu tố Hán Việt mà chữ Hán là [墮], có nghĩa là “rơi xuống, thoái hóa; làm cho xuống cấp, làm cho mất phẩm chất”. Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur dịch là “faire tomber” (làm cho rơi, ngã), “renverser” (lật ngửa; lật đổ), “ruiner” (làm cho hư hại; làm cho suy sụp, sa sút; tàn phá), “détruire” (phá hủy).
19. Điêu và đứng trong điêu đứng: Điêu đứng là điệp thức của điếu đướng [伄儅], có nghĩa là “bất thường, thất thường”. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng ghi điếu đương và giảng là “Bất thường. Danh từ nhà buôn, chỉ sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường”. Còn Từ hải (bộ cũ) ghi cho chữ [儅] là “đương khứ thanh” [當去聲]. “Đương khứ thanh” thì phải là đướng. Rồi quyển từ điển này giảng [伄儅] là “Án thương giới vị thị diện hóa vật khuyết phạp thời, diệc vân điếu 儅. 儅 tha lãng thiết” [按啇界謂市面貨物缺乏時,亦云伄儅.儅他浪切], nghĩa là “Xét thương giới [chỉ] lúc hàng hóa khan hiếm trên thị trường, cũng gọi là điếu 儅. Chữ 儅 đọc là thảng [tha lãng thiết]”. Về nghĩa thì Từ hải và từ điển của Nguyễn Quốc Hùng chỉ là một; chỉ có cách đọc là khác nhưng tiếng Việt lại chọn đương (đướng) > đứng chứ không chọn thảng.
(*): (Tiếp theo bài Nghĩa của một số “yếu tố láy” trên Thanh Niên chủ nhật số ra ngày 14.6.2020)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.