Lắt léo chữ nghĩa: Mưa dào hay mưa rào?

11/08/2019 05:58 GMT+7

Với hiện tượng nước đôi trong từ điển của Lê Văn Đức ( mưa dào ↔ mưa rào ) và việc Ravier dùng danh ngữ mưa rào để dịch pluvia abundans , chúng tôi cho rằng mưa dào và mưa rào vốn là hai danh ngữ riêng biệt.

Trên Facebook, bạn Cá Vàng có trích dẫn Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Dictionnaire annamite-français của F.M.Génibrel và Dictionnaire annamite-français để đi đến kết luận như sau: “Căn cứ vào các lời giảng ở trên, chúng tôi tạm suy ra rằng người miền Nam gọi mưa lớn (to), mưa nhiều là MƯA DÀO, người miền Bắc gọi là MƯA RÀO. Ngày nay, người miền Nam cũng dùng cụm từ “mưa rào”, còn cụm từ “mưa dào” thì hình như đã rơi vào quên lãng”.
Chúng tôi nhất trí với bạn Cá Vàng về căn bản. Chỉ xin nói thêm rằng mưa dào không phải là “đặc sản” của người miền Nam, nghĩa là ngoài Bắc cũng có. Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức, lấy tiếng miền Bắc làm nền tảng, cũng có: “Dào. Tràn, nhiều: mưa dào, nước sôi dào” mà đặc biệt là cũng không có “mưa rào”. Xa hơn nữa, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Roma, 1651) của A.de Rhodes cũng chỉ có “dàu, mưa dàu” với nghĩa là “mưa to” chứ không có “mưa rào”.
Sau A.de Rhodes, Pigneaux de Béhaine cũng chỉ ghi nhận có “dào” và “mưa dào” với nghĩa là “mưa nhiều, mưa dầm” trong Dictionarium Anamitico Latinum, viết tay (1772 - 1773), chứ cũng không có “mưa rào”. Dictionarium Anamitico-Latinum (1838) của J.L.Taberd cũng chỉ có “dào” và “mưa dào”.
Nhưng đến gần cuối thế kỷ XIX thì đã thấy xuất hiện “mưa rào” trong Dictionarium latino-annamiticum (Ninh Phú, 1880) của M.H.Ravier tại mục “Pluvi-a, æ […] Pluvia abundans. Mưa rào […]”. Rồi Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (Sài Gòn, 1970) thì lại nước đôi: “mưa dào. Cũng gọi mưa rào […]”. Còn bây giờ thì người miền Nam cũng nói “mưa rào”, chứ “mưa dào” thì hình như đã rơi vào quên lãng, đúng như bạn Cá Vàng đã nhận định. Vậy thì tại sao lại có hiện tượng này?
Với hiện tượng nước đôi trong từ điển của Lê Văn Đức (mưa dào ↔ mưa rào) và việc Ravier dùng danh ngữ mưa rào để dịch pluvia abundans, chúng tôi cho rằng mưa dào mưa rào vốn là hai danh ngữ riêng biệt.
Dào là một từ mà các quyển từ điển nhất trí giảng là “tràn, đầy” (Khai trí Tiến đức, Lê Văn Đức, Văn Tân, Hoàng Phê). Với nghĩa này và vần AO của nó, ta có thể thấy dào là một điệp thức của trào trong dâng trào, thông qua hình thức trung gian *giào không còn tồn tại vì GI đã nhập làm một với D từ lâu - và cho đến tận ngày nay. Ngoài Bắc phát âm GI và D thành [z] còn trong Nam thì thành [j]. Về mối quan hệ GI ↔ TR giữa *giào trào, ta có rất nhiều dẫn chứng: - trải chiếu ↔ giải chiếu; - nhà tranh ↔ nhà gianh; - tráo trởgiáo giở; - trời trăng ↔ giời giăng; - trầu cau ↔ giầu cau; - tro bụi ↔ gio bụi...
Trong trường hợp đang xét thì trào *giào ↔ dào. Cứ như trên thì dào là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [潮] mà âm Hán Việt hiện hành là trào/triều, có nghĩa là “nước biển dâng cao”, ta dùng theo nghĩa động từ như trong dâng trào, sôi trào, trào máu... Đây là nói về từ dào trong mưa dào. Còn rào trong mưa rào, tuy cũng là một từ Việt gốc Hán nhưng lại bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [潦] mà âm Hán Việt hiện hành là lạo, có nghĩa là “mưa lớn, mưa to”.
Cứ như trên thì ta có hai danh ngữ cận âm là mưa dào mưa rào. Mưa dào là mưa nhiều, mưa lâu; còn mưa rào là mưa một trận to rồi dứt. Sở dĩ hiện nay mưa dào không còn thông dụng nữa vì nó đã được mưa dầm thay thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.