Lắt léo chữ nghĩa: 'Mạch dừng' hay 'mạch rừng'?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
06/04/2024 06:22 GMT+7

Nhiều năm qua, có hai quan điểm ngược nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng viết "Tai vách mạch dừng" là đúng, quan điểm thứ hai lại khẳng định "Tai vách mạch rừng" mới chính xác. Vậy, đâu là "chân lý"?

Trước hết, xin bàn về từ ghép tai vách, cả hai quan điểm trên đều có cách hiểu giống nhau. Xét về nghĩa bóng, tai vách có nghĩa là "dẫu trò chuyện kín vẫn có thể bị nghe lén". Tai vách tương ứng với cụm từ Tường hữu nhĩ (牆有耳: tường có tai) trong sách Quản tử của Quản Trọng thời Xuân Thu (chương Quân thần hạ).

Cách viết tai vách hay Tường hữu nhĩ không phải là duy nhất, bởi vì trong nhiều ngôn ngữ đều có cách diễn đạt tương tự, ví dụ như the walls have ears (Anh); les murs ont des oreilles (Pháp); as paredes têm ouvidos (Bồ Đào Nha); las paredes oyen (Tây Ban Nha); i muri hanno orecchie (Ý), и у стен есть уши (Nga) hay Kabe ni mimi ari (壁に耳あり) trong tiếng Nhật.

a. Tai vách mạch dừng: quan điểm ủng hộ cách viết này cho rằng dừng là từ cổ, chỉ những thanh tre nhỏ đan ken vào nhau để tạo thành xương vách, mạch dừng là "bùn hoặc hồ trát vào kẽ vách". Thành ngữ này tương ứng với câu Dừng có mạch, vách có tai.

Quan điểm này thoạt nhìn có lý, vì trong Hán ngữ có những câu tương tự, như: Tường bích hữu nhĩ (牆壁有耳: Tường vách có tai) trong Ngũ đăng hội nguyên - một bộ sách Thiền tông do Phổ Tế sưu tầm và biên soạn vào năm Thuần Hữu thứ 12 đời Nam Tống (1252). Đến thời nhà Minh thì có câu Tường hữu phùng, bích hữu nhĩ (墙有缝,壁有耳: Tường có kẽ, vách có tai) trong tiểu thuyết Kim Bình Mai từ thoại.

Cuối cùng, quan điểm thứ nhất khẳng định Tai vách mạch dừng là nguyên bản, còn Tai vách mạch rừng là dị bản.

b. Rất tiếc, chúng tôi không nghĩ vậy. Sau khi tham khảo 4 bản Truyện Kiều (bản Liễu Văn Ðường 1866 và 1871; bản Kinh đời Tự Ðức 1870 và bản Duy Minh Thị 1872), chúng tôi nhận thấy câu 1755 trong 4 bản này đều ghi chữ Nôm là 於低𦖻壁脉棱 (Ở đây tai vách mạch rừng), trích Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm.

Trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của chỉ ghi nhận chữ rừng (棱) (tr.270), còn dừng thì được viết bằng những chữ Nôm khác (tr.250). Điều này cũng giống như trong Đại tự điển chữ Nôm (1998) của Vũ Văn Kính (tr. 372), và Tự điển chữ Nôm dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng (tr.1185).

Khoảng từ thế kỷ 17 - 19 (hoặc sớm hơn), trong truyện Nôm khuyết danh Nhị độ mai đã từng xuất hiện thành ngữ Tai vách mạch rừng trong câu "Chỉn e tai vách mạch rừng" (c.2139). Đến thế kỷ 19, câu Rừng có mạch vách có tai (chữ Nôm: 棱固脈壁固𦖻) được ghi nhận ở trang 459 trong Dictionarium Anamitico Latinum của J. L. Taberd (1838). Trong khi đó, một thế kỷ sau mới thấy câu Tai vách mạch dừng trong Việt-Nam tự-điển (1931) của Hội Khai Trí Tiến Đức, tr.127.

Câu Rừng có mạch; vách có tai đã từng xuất hiện trong quyển Notions pour servir à l'étude de langue annamite của J. M. J., xuất bản năm 1878, được giải thích bằng tiếng Pháp là La forêt a des sources; les murs ont des o- reilles (tr.333). Từ forêt có nghĩa là "rừng", không thể dịch là "dừng"; sources là "dòng suối, mạch nước" không thể hiểu là "bùn hoặc hồ trát vào kẽ vách" (như trong "mạch dừng").

Tóm lại, dựa từ nguyên (etymology) và góc nhìn lịch đại chúng tôi khẳng định rằng Tai vách mạch rừng mới là thành ngữ gốc. Việc có người chuyển chữ 棱 (rừng) thành "dừng" là do đọc trại phụ âm r thành d. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.