Lắt léo chữ nghĩa: Lạc, phá xa và đậu phộng

01/12/2019 06:00 GMT+7

Lạc, phá xa và đậu phộng, cả ba đơn vị từ vựng này đều chỉ một thứ mà tên tiếng Anh là peanut (theo cách gọi phổ biến) nhưng chỉ có lạc, đậu và phộng mới là từ hoặc hình vị còn phá và xa thì chỉ là hai âm tiết vô nghĩa.

Lạc là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở 3 chữ/từ lạc hoa sinh [落花生], dịch theo nghĩa của từng từ là “[do] hoa rụng sinh ra”, dùng để chỉ loài thực vật mà tên khoa học là Arachis hypogaea. Sở dĩ có tên bằng tiếng Hán như trên là do người ta nhận thấy sau khi thụ phấn, quả (củ) lạc được vùi xuống đất để phát triển. Trong ba từ lạc hoa sinh, tiếng Việt chỉ giữ lại từ đầu mà gọi là lạc còn Tàu thì giữ lại hai từ sau mà gọi là hoa sinh, âm Bắc Kinh (ghi theo pinyin) là huāshēng, âm Quảng Đông là phá xáng.
Ở bên Tàu, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Đông, người ta chế biến lạc thành một thứ thực phẩm dùng để “ăn chơi” cho vui miệng khoái lưỡi gọi là hàm txôi phá xáng [鹹脆花生], đọc theo âm Hán Việt là hàm xuế hoa sinh, nghĩa là “lạc [rang] mặn giòn”, thường được dịch sang tiếng Anh là salty and crispy peanut(s). Bốn tiếng hàm txôi phá xáng được người Việt, khởi xướng là người miền Bắc, đem vào khẩu ngữ thành hai tiếng phá xa mà Vdict.com dịch sang tiếng Anh là roast pea-nuts. Món “ăn chơi” này cũng rất thịnh hành ở Chợ Lớn trước đây (nay là Q.5, TP.HCM).
Lạc thì người miền Nam gọi là đậu phộng, nói trại từ âm gốc là đậu phụng. Phụng là điệp thức của phượng trong phượng hoàng; ý của dân trong Nam muốn so sánh củ (trái) đậu phộng với con mắt của chim phượng.
Cứ như trên thì, như đã nói ngay từ đầu, chỉ có lạc, đậu và phộng mới là từ hoặc hình vị còn phá và xa thì chỉ là hai âm tiết vô nghĩa dùng để phiên âm.
Với bài nhỏ này, chúng tôi muốn phân định ranh giới giữa “từ Việt gốc Hán” (bao gồm Hán Việt, Cổ Hán Việt và “Hán Việt Việt hóa” - theo cách gọi thông dụng trên nửa thế kỷ nay) với hai thứ “từ Việt gốc Quảng Đông” và “từ Việt gốc Triều Châu”. Hai thứ sau này là những hiện tượng rất mới, không thể được xếp chung vào từ Việt gốc Hán. Xin nêu một thí dụ về sự lẫn lộn giữa “gốc Hán” và “gốc Quảng Đông”. Liên quan đến thứ tiếng này, có người đã khẳng định trên mạng rằng từ lậu trong bệnh lậu bắt nguồn ở âm lầu trong hai tiếng phá lầu là âm Quảng Đông của hai chữ hoa liễu [花柳]. Sự thực không phải như thế. Hoa liễu là hai tiếng nói tắt từ danh ngữ tầm hoa vấn liễu chi bệnh [尋花問柳之病], mà nghĩa đen là “bệnh [do] lui tới nhà thổ [mà ra]”, được dùng để chỉ một số bệnh về đường tình dục. Trong tiếng Việt, trước đây hoa liễu bao gồm lậu, giang mai (tiêm la), hạ cam..., còn ngày nay thì có 20 căn bệnh được xếp vào nhóm này. Cứ như trên thì hoa liễu là thượng danh (hyper[o]nym) còn lậu là hạ danh (hyponym), chứ không phải là hai khái niệm đồng nhất. Huống chi, lậu ở đây hoàn toàn không phải là tiếng dùng để ghi âm lầu trong phá lầu của tiếng Quảng Đông mà là âm Hán Việt của chữ [漏], có nghĩa gốc là “rò, rỉ”. Đại đồng tiểu dị, nghĩa này cũng được giảng trong các quyển từ điển song ngữ Hán Việt của Đỗ Văn Đáp, Đào Duy Anh và Nguyễn Quốc Hùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.