Lắt léo chữ nghĩa: Kinh giới, thì là và tía tô

29/03/2020 06:46 GMT+7

Kinh giới, thì là và tía tô là ba loại rau quen thuộc thường dùng làm gia vị cho nhiều món ăn của Việt Nam.

Kinh giới, kinh giới rìa hay kinh giới trồng, tên khoa học là Elsholtzia cristata, là loài cây thảo thuộc họ hoa môi (lamiaceae), là một loại rau thơm và dược thảo. Kinh giới có thân vuông, mọc thẳng, cao khoảng 30 đến 50 cm. Hoa nhỏ, màu tím nhạt, mọc thành bông ở đầu cành. Cây chứa tinh dầu có vị cay, đắng, mùi thơm. Đặc biệt thường được dùng trong món bún riêu.
Thì là thuộc loại cây thảo sống hằng năm, có thân nhẵn cao 60 - 80 cm hay hơn, khía rãnh dọc; có rễ trụ. Lá có bẹ rất phát triển, phiến xẻ 3 lần lông chim, có các phiến nhỏ hình sợi; các lá ở ngọn tiêu giảm, không có cuống.
Cụm hoa ở ngọn, trên thân và trên các cành, thành tán kép gồm 5 - 15 tán nhỏ; các tán này mang 20 - 40 hoa màu vàng. Quả bế kép nằm trên một cuống quả rẽ đôi; quả hình trứng có 10 cạnh mà 4 cái ở mép nở giãn thành cánh dẹp. Ở Việt Nam, đặc biệt ở các vùng phía bắc, thì là được xem là gia vị không thể thiếu khi nấu các món canh cá, nhất là các loài cá da trơn và có mùi tanh đậm.
Tía tô là cây thân thảo sống lâu năm, cao 0,3 - 1 m. Thân vuông có rãnh dọc và có lông, có tinh dầu thơm. Lá mọc đối, có cuống dài, mép khía răng, mặt trên xanh lục, mặt dưới tím tía, có khi hai mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám (tùy theo giống). Hoa nhỏ mọc thành xim co ở đầu cành, màu trắng hay tím, mọc đối, 4 tiểu nhị không thò ra ngoài hoa. Quả bế, hình cầu, màu nâu nhạt.
Tên của ba loại rau trên đều là những từ hoặc hình vị tiếng Việt gốc Hán.
Kinh giới là hai hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [荆芥]. Tại Trung Quốc, nó được gọi là hương nhu [香薷] nhưng, ở đây, chúng tôi sẽ không đi sâu vào sự khác biệt này mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, về mặt từ nguyên, thì “không phải tất cả những kẻ giống hệt nhau đều là bà con [với nhau]”.
Thì là (với biến thể ngữ âm thìa là) là âm “nửa xưa nửa nay” của hai chữ Hán [蒔蘿], mà âm Hán Việt hiện hành là thì la, và hầu như tất cả những quyển từ điển tiếng Hán đều ghi nhận tên khoa học là Anethum graveolens, y chang tên khoa học của cây thì là ở Việt Nam.
Tía tô là âm “nửa xưa nửa nay” của hai chữ Hán [紫蘇], mà âm Hán Việt hiện hành là tử tô, dùng để chỉ tên một loại rau, y chang rau tía tô của Việt Nam, đều có tên khoa học là Perilla frutescens. Chữ [紫] nay đọc thành tử nhưng đây là một chữ vốn thuộc vận mục chỉ [紙], vận bộ chi [支] nên lẽ ra phải đọc là tỉ. Nhưng một số chữ thuộc vận bộ chi [支] đã chuyển nguyên âm từ I > IA/IÊ, mà ngay như chữ đứng đầu vận bộ là chữ chi [支] này cũng đã chuyển thành chia, như có thể thấy trong chia đôi, chia lìa, chia rẽ... Vậy chẳng có gì lạ nếu trong tử tô [紫蘇], tử đã chuyển thành tía. Còn từ thanh thượng (dấu hỏi) của tỉ>tử [紫] sang thanh khứ (dấu sắc) của tía thì đây là một trong những luật biến đổi thanh điệu thường thấy nên chúng tôi bất tất phải chứng minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.