Lắt léo chữ nghĩa: Giao thừa và Tết

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
05/02/2024 07:31 GMT+7

Giao thừaTết là 2 từ quá quen thuộc, nhiều người hiểu nghĩa, song nguồn gốc chúng không phải ai cũng biết, đặc biệt là Tết - một thuật ngữ còn gây nhiều tranh cãi.

Trong Hán ngữ, xét về thời gian, giao (交) có nghĩa là "thời điểm tiếp giáp nhau", ví dụ: "cửu nguyệt, thập nguyệt chi giao" (Tả Truyện), nghĩa là "khoảng thời gian giao nhau giữa tháng 9 và tháng 10"; thừa (承) là "tiếp, nối", như thành ngữ "thừa tiên khải hậu" trong Hồ hải thi truyện của Doãn Kế Thiện, nghĩa là "thừa kế người trước, người sau tiếp tục sự nghiệp truyền lại".

Trong tiếng Việt, giao thừa (交承) là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy - Lúc năm cũ qua, năm mới đến" (Hán-Việt Từ-điển Giản-yếu của Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin, tr.269). Xét về từ nguyên, giao thừa (交承) có nguồn gốc từ bộ Thằng thủy yến đàm lục (渑水燕谈录), còn được gọi là Thằng thủy yến đàm (渑水燕谈) do Vương Tích Chi soạn thời nhà Tống. Từ giao thừa (交承, jiāo chéng) xuất hiện trong mục Ca vịnh, nghĩa gốc là "quan cũ từ chức, chuyển giao, người kế nhiệm lên thay".

Tết là một thuật ngữ gây nhiều tranh cãi về nguồn gốc, có 2 quan điểm chính:

a/ Tết có nguồn gốc từ Việt Nam, dựa vào câu nói được cho là của Khổng Tử: "Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man… (Lễ Ký); Tết là từ "thuần Việt", có nguồn gốc từ nhóm Việt - Mường (Ngữ chi Việt).

Rất tiếc quan điểm này không dẫn chứng văn bản gốc để chứng minh Khổng Tử đã nói câu trên. Mặt khác, không thể nhận định Tết là "từ thuần Việt", "có nguồn gốc từ nhóm Việt - Mường" mà chẳng cho thấy cứ liệu nào thuyết phục.

b/ Tết là âm Hán Việt cổ của chữ 節, âm Hán-Việt hiện đại đọc là tiết (Giáo trình ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo) của Nguyễn Tài Cẩn, NXB Giáo Dục, 1995). Đây là quan điểm được nhiều người đồng tình, song theo chúng tôi, Tết không phải là âm Hán Việt cổ.

Xét về từ nguyên, tiết (節,jié) là từ được tìm thấy trong Kim văn, cấu tạo hình thanh: phần trên là trúc (竹) - biểu ý; phần dưới là tức (即) - biểu âm, nghĩa gốc là "đốt tre", về sau có thêm nhiều nghĩa khác, nghĩa ở đây là "lễ hội" hoặc "tết" theo cách gọi của người Việt: tết Đoan Ngọ (Đoan Ngọ tiết), tết Trung Thu (Trung Thu tiết)...

Nhà ngôn ngữ học Mỹ Nathan W.Hill đã phục dựng âm Hán thượng cổ của tiết (節) là *tsˤik, âm Tạng thượng cổ là tshigs (The six vowel hypothesis of Old Chinese in comparative context, Bulletin of Chinese Linguistics, 2012). Giả định rằng chữ tiết (節) xuất hiện vào giai đoạn cuối của Kim văn, tức vào thời Tần Hán (221 tr.CN - 219), người Việt vẫn không có khả năng phát âm từ này là "tết" theo âm Hán - Tạng thượng cổ, vì cho đến thế kỷ thứ 3, tiếng Việt vẫn chưa có thanh điệu.

Theo chúng tôi, âm Tết xuất hiện khoảng thời nhà Đường (thế kỷ 8 - 9), vì Đường âm của tiết (節) là *tzet. Cả Khang Hi tự điểnThuyết văn giải tự đều phiên thiết chữ tiết (節) là "tử kết thiết" (子結切): t(u) + (k)et = tết. Song Khang Hi tự điển lại chú âm chữ tết (節) là tiếp (接, jiē), còn người Việt xưa lại phiên là "tiết"- (phải chăng dựa vào âm Nôm của 結 là "kiết"?).

Tóm lại, theo chúng tôi, tết là từ Hán Việt chứ không phải "thuần Việt". Tết không phải là từ Hán Việt cổ như GS Nguyễn Tài Cẩn đã nhận định, còn tiết là kết quả của việc phiên thiết "lệch".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.