Lắt léo chữ nghĩa: Cửu huyền thất tổ là những ai?

10/05/2020 07:00 GMT+7

Trước đây, chúng tôi đã có vài lần trả lời cho câu hỏi này tại mục Chuyện Đông chuyện Tây của Kiến thức ngày nay , mà lần quan trọng nhất có tính chất “tổng kết” là trên số 216, ra ngày 20.7.1996.

 Lúc đó, bốn chữ cửu huyền thất tổ không hề được ghi nhận trong Từ nguyên, Từ hải, Vương Vân Ngũ đại từ điển, Hiện đại Hán ngữ từ điển (Bắc Kinh, 1992)... Thậm chí đồ sộ như Trung văn đại từ điển gồm 38 quyển chính văn và 2 quyển sách dẫn cũng không thấy ghi nhận. Không có cách nào khác, chúng tôi đành phải suy luận theo quan niệm và hiểu biết riêng để trả lời cho một câu hỏi mà nhiều bạn đọc quan tâm. Mới đây nhất, trong câu trả lời cho cư sĩ Ánh Quang, đưa lên trang phatgiao.org.vn ngày 8.9.2019, Thượng tọa Thích Giác Hoàng cũng đã viết:
“Câu hỏi của cư sĩ làm chúng tôi phải tra khảo lại các từ điển Phật học và Hán học, hơn thế nữa, chúng tôi còn nhờ Đại đức Thích Minh Nghị hiện đang du học tại Trung Hoa tra khảo giúp nơi các bộ từ điển lớn của Trung Hoa, nhưng cũng không thấy từ nguyên của bốn chữ này. Như chúng ta biết, phần lớn các thuật ngữ Hán Việt đều được người Việt tiếp thu thông qua các cuộc giao lưu văn hóa, tôn giáo Hán - Việt qua nhiều thời đại. Nhưng bốn chữ này, chúng tôi nghĩ là do các nhà sư Việt Nam sáng tạo, không hề chịu ảnh hưởng văn hóa của Phật giáo Trung Quốc hoặc Ấn Độ”.
Chúng tôi tôn trọng lời giải đáp của Thượng tọa Thích Giác Hoàng nhưng thực ra thì bốn chữ cửu huyền thất tổ vốn thuộc về văn hóa tâm linh của Trung Hoa từ thời xa xưa. Sự phát triển của internet giúp ta tiếp cận được với nội hàm của khái niệm này một cách rõ ràng và chính xác. Trên nhiều trang web bằng tiếng Hán, ta có thể đọc thấy:
[九玄七祖常見於宗教之超渡,九玄是指之後的九代子孫,七祖是指之前的七代祖先。在台灣,傳統的祭祖儀式上會擺設九玄七祖的牌位。
道教經典《道經》認為,如果一人能得道,他的九玄七祖都能獲得超升。
九玄是指:子、孫、曾、玄、來、昆、仍、雲、耳。
七祖是指:父、祖、曾、高、太、玄、顯。],
Nghĩa là:
“Cửu huyền thất tổ thường thấy trong lễ cầu siêu của tôn giáo, cửu huyền chỉ con cháu chín đời sau của đương sự, thất tổ chỉ ông bà bảy đời trước của đương sự. Tại Đài Loan, nghi thức cúng ông bà theo truyền thống cần đặt bài vị Cửu huyền thất tổ”.
“Các sách kinh điển của Đạo giáo [Đạo kinh] cho rằng nếu một người có thể đắc đạo thì cửu huyền thất tổ [của người đó] đều có thể siêu thăng”. (Đạo kinh ở đây là các sách kinh điển của Đạo giáo chứ không phải là phần “Đạo kinh” [bên cạnh phần “Đức kinh”] trong sách Đạo đức kinh của Lão Tử - A.C).
“Cửu huyền là: tử (con), tôn (cháu), tằng (chắt), huyền (chút), lai (chít), côn (cháu đời thứ năm), nhưng (cháu đời thứ sáu), vân (cháu đời thứ bảy), nhĩ (cháu đời thứ tám). Thất tổ là: phụ (cha), tổ (ông [nội]), tằng (ông cố; cụ), cao (ông sơ), thái (ông sờ), huyền (tổ đời thứ năm), hiển (tổ đời thứ sáu)”.
Câu trả lời này thay thế cho những câu trả lời trước đây của An Chi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.