Lắt léo chữ nghĩa: 'Cô hồn các đẳng' là gì?

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
09/09/2023 07:13 GMT+7

Đại Nam quấc âm tự vị định nghĩa: Cô hồn là "hồn nghèo khổ không có ai cúng quải". Thật ra, cô hồn có nhiều loại, trong đó có cả hồn của vua chúa và những kẻ giàu sang.

Cô hồn là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ Hán ngữ. (孤) là lẻ loi, cô độc; hồn (魂) là linh hồn. Theo Bách khoa thư Baidu, "cô hồn" là linh hồn cô đơn. Trong tác phẩm Tư huyền phú của Trương Hành (78 CN - 139 CN) thời Đông Hán đã từng xuất hiện từ này: "…thác sơn phản dĩ cô hồn".

Ở VN, có tục cúng rằm tháng 7 âm lịch, nhiều người Việt thường bày mâm cỗ cúng Trời Phật, tổ tiên và thí thực cho cô hồn trong tháng 7 này (tháng xá tội vong nhân). Cô hồn các đẳng (孤魂各等), nghĩa là "các loại cô hồn" như trong câu "Thập phương chủng loại các đẳng cô hồn" (十方種類各等孤魂)- bài Nghi thức cúng thần ở các đình thần miền Đông Nam bộ trên trang Học thuật phương Đông. Trong Công giáo có ngày gọi là lễ Các Đẳng (hay lễ Các Đẳng Linh hồn), người Anh - Mỹ gọi là All Souls' Day, người Pháp gọi là Commémoration de tous les fidèles défunts. Đây là ngày cầu nguyện, tưởng nhớ, tảo mộ người thân… chứ không phải là ngày cúng cô hồn như ở VN và Trung Quốc.

Trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du và Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông có hai thuật ngữ gọi là "thập loại", "thập giới", đều là từ chỉ chung các loại cô hồn trên thế gian, bao gồm cả cô hồn phi nhân, tức cô hồn của các loài có sự sống không phải là con người.

Có nhiều loại cô hồn đã được ghi nhận trong bản Chánh khắc trung khoa du già tập yếu (1888), chẳng hạn như vua chúa; quan lại triều đình; văn nhân tài tử; tu sĩ; đạo sĩ; kẻ lang thang đất khách; binh sĩ chết trận; phụ nữ chết vì sinh con; kẻ phỉ báng Tam Bảo, bất hiếu với cha mẹ; cung phi mỹ nữ; vong hồn chết oan; pháp giới sáu đường, hết thảy linh hồn trong đại địa… Trong đó, pháp giới (法界) là cõi đời; sáu đường là lục đạo (六道: sáu đường tái sinh); còn đại địa (大地) có nghĩa là khắp mặt đất.

Ở VN, cô hồn còn được gọi là âm hồn, tội hồn, ma đói, dã quỷ hoặc vong linh… Trong Phạn ngữ, cô hồn chính là preta (प्रेत), người Trung Quốc dịch là ngạ quỷ (餓鬼: quỷ đói), tương ứng với từ hungry ghost trong tiếng Anh, hungergeist (Đức), sulte spøkelser (Na Uy); hantu lapar (Indonesia và Malaysia), riêng người Nhật gọi là goryō (御霊) - một kính ngữ dành cho các linh hồn hoặc sử dụng một từ đồng nghĩa là onryō (怨霊)…

Không nên nhầm lẫn cô hồn với "hồn ma" (ghost), tức linh hồn của người đã khuất, một ý niệm rằng tất cả mọi người đều trở thành hồn ma bình thường sau khi họ chết.

"Cô hồn" và "cô hồn sống", hai từ này và thành ngữ "cô hồn các đảng" còn dùng để chỉ kẻ lưu manh, trộm cướp, bọn du thủ du thực.

Trong tiếng Việt có nhiều từ ghép liên quan đến khái niệm hồn (魂), tức linh hồn, ví dụ như anh hồn (linh hồn của người anh hùng); hồn bạch (tấm lụa trắng thắt thành hình người dùng trong đám tang để hồn người chết nương vào); hồn xa (xe riêng để trang phục của người chết trong đám tang); song hồn (nấm mồ chôn chung hai vợ chồng); nhiếp hồn (gọi hồn người chết về)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.