Lắt léo chữ nghĩa: Chủ nhật không đồng nghĩa với chúa nhật

30/08/2020 07:03 GMT+7

Trong Hán Việt từ điển giản yếu (1932), Đào Duy Anh giải thích: Chúa nhật 主日 Tức là chủ - nhật ( chữ chủ, chữ chúa là một ).

Có lẽ từ nhận định này mà ngày nay nhiều người không nhận ra sự khác biệt ý nghĩa giữa hai từ chủ nhật và chúa nhật. Chúng tôi xin phép bàn về vấn đề này.
Chủ nhậtChúa nhật đều là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ chữ 主日 (zhǔ rì) trong Hán ngữ. Chữ 主 có phiên thiết là chi dũ thiết = chủ. Chủ là âm Hán Việt tiêu chuẩn, còn chúa là âm Hán - Nôm hóa, do người Việt chế ra. Theo lịch sử, Trung Quốc có 4 cách gọi chính về tuần lễ: Thất diệu là 7 ngày trong tuần, ngày chủ nhật được gọi là Thất diệu nhật; Lễ bái có nghĩa là thờ cúng; Chủ nhật được gọi là Lễ bái nhật; Tinh kỳ có nghĩa là kỳ sao, Chủ nhật được gọi là Tinh kỳ nhật hoặc Tinh kỳ thiên; và Chu: có nghĩa là chu kỳ, Chủ nhật được gọi là Chu nhật. Như vậy, người Trung Quốc không gọi là Chúa nhật - đây chỉ là cách gọi của người Công giáo ở Việt Nam, với nghĩa là Ngày của Chúa.
Có quan điểm cho rằng từ thế kỷ 16 - 17, những giáo sĩ Bồ Đào Nha đến Việt Nam truyền đạo, để phổ biến Tây lịch, họ dựa vào ngôn ngữ nước họ để đặt ra những ngày trong tuần bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, quan điểm này có thể không chính xác, bởi vì trên văn bản chữ quốc ngữ của thời kỳ này vẫn chưa xuất hiện từ Chủ nhật hay Chúa nhật. Trong Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre de Rhodes chỉ ghi nhận từ chủ, thien chủ, Chúa, đức Chúa blòi đất. Đến thế kỷ 19, Từ điển Taberd (1838) mới ghi nhận cụm từ ngày chúa nhật, còn Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh thì mãi đến năm 1932 mới cho thấy khái niệm Chúa nhật đồng nghĩa với Chủ nhật và cùng gốc từ 主日 của Hán ngữ.
Chúng ta biết rằng từ 主 trong Hán ngữ có 2 âm Hán Việt là chủchúa. Hai âm này biểu hiện những nghĩa khác nhau trong tiếng Việt. Chủchúa (danh từ) đều có nghĩa là người đứng đầu; ngoài ra, chúa còn có nghĩa là Chúa trong Thiên Chúa giáo; tuy nhiên, chủ (tính từ) lại có nghĩa là chính, chính yếu, căn bản... Như vậy, không thể xem Chủ nhậtChúa nhật là từ đồng nghĩa. Chủ nhật là ngày chính (chủ là tính từ, bổ nghĩa cho nhật), còn Chúa nhật Ngày của Chúa - cách dùng từ của người Công giáo Việt Nam.
Hiện nay, thuật ngữ 主日 có 3 nghĩa tương ứng với tiếng Anh như sau:
- Ngày Sa-bát (Sabbath) là ngày nghỉ và ngày thứ bảy trong Do Thái giáo, tuy nhiên, hiện nay, ngày Sa-bát có thể hiểu là thứ bảy hoặc chủ nhật tùy theo quan điểm tôn giáo.
- Chủ nhật (Sunday) là ngày đầu tuần, có nghĩa gốc là Ngày của Mặt trời (Sun’s day) trong tiếng Anh.
- Chúa nhật (Lord’s day) là ngày đầu tuần, được xem là Ngày của Chúa trong nhiều nền văn hóa.
Vậy, 主日 có ít nhất là 3 nghĩa. Tuy Chủ nhật Chúa nhật đều là âm Hán Việt của 主日, song không thể kết luận hai từ này đồng nghĩa, bởi vì Chủ nhậtNgày chính (từ dùng phổ biến hiện nay), còn Chúa nhậtNgày của Chúa (sử dụng trong cộng đồng Công giáo).
Ở phương Tây, nhiều nước cũng xem chủ nhật là ngày đầu tuần, song do Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) quy định thứ hai là ngày đầu tuần nên phần lớn các nước trên thế giới hiện nay cũng theo chuẩn này, chủ nhật lại trở thành ngày cuối tuần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.