Lắt léo chữ nghĩa: Cám ơn hay cảm ơn?

20/02/2022 07:30 GMT+7

Hiện nay, cứ vào các tác giả và các nguồn trên mạng thì rất nhiều người dùng 2 tiếng cám ơn , còn An Chi thì vẫn nói cám ơn trong mọi trường hợp.

Với chúng tôi thì vẫn là cám ơn (cám dấu sắc). Nói cho trung thực thì chính chúng tôi cũng đã có lần trót dại nói theo số đông, theo phong trào, mà giải thích rằng cảm ơn (cảm dấu hỏi) mới là cách nói chuẩn. Nhưng nếu cảm ơn mới là cách nói chuẩn thì chẳng hóa ra xưa nay ông bà ta đã nói tiếng Việt không chuẩn vì chỉ dùng 2 tiếng cám ơn trong giao tiếp mà thôi?

Cả cảm ơn lẫn cám ơn đều là những từ và cấu trúc gốc Hán mà nguyên từ ghi bằng 2 chữ [感恩], có nghĩa là “xúc động trong lòng trước hành động tốt đẹp, có ích và cần thiết mà người khác đã làm cho mình”. Cám là biến thể thanh điệu từ thượng (dấu hỏi) sang khứ (dấu sắc) của chữ cảm [感], có nghĩa tổng quát là “xúc động”, không những chỉ có ở cám ơn mà còn có ở cám cảnh, cám dỗ, hoặc như trong câu thơ ở bài “Tuyệt cốc” của Phan Thanh Giản:

Lên gành xuống thác, thương con trẻ;

Vượt biển trèo non, cám phận già.

Nghĩa là cám đã được dùng rất lâu đời, đã thành truyền thống trong việc sử dụng từ ngữ. Ngay từ quá nửa thế kỷ 17, trong Từ điển Việt-Bồ-La (Roma, 1651), viết bằng chữ Việt ABC, A. de Rhodes đã ghi nhận:

cám ơn: dar graças; gratias agere”

cám dĕô (dỗ - AC): tentação; tentatio, onis”

cám cảnh: miseravel; miser, a, um”

Trong Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772 - 1773): Pigneaux de Béhaine còn ghi nhận: “cám cảnh (2 lần: một lần ở chữ cám, một lần ở chữ cảnh); cám tạ; cám ơn; cám nghĩa”. Trong Dictionarium Anamitico Latinum (Serampore, 1838), J. L. Taberd chẳng những cũng ghi nhận y như thế (cám cảnh; cám tạ; cám ơn; cám nghĩa (chữ nghĩa viết là ngãi), mà còn có cả 2 mục “giao cám (carnalis copula)” và “cám động lòng thương”. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của chẳng những giảng cám là “biết ơn, biết nghĩa, động lòng” mà còn có đến 8 mục: “cám tạ; cám cảnh; cám mến; cám thương; cám ơn; cám động; cám đội; cám dỗ”.

Tất cả những quyển từ điển trên đây đều ghi nhận cám ơn, không có cảm ơn. Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức thì chỉ có cảm ân (“tỏ ý biết ơn”). Đến Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (NXB Khoa học xã hội, 1967) mới thấy có thêm mục cảm ơn nhưng bấy giờ (thập kỷ 1960) 2 chữ này cũng chưa thông dụng. Chỉ đến vài thập kỷ gần đây nó mới được dùng nhiều rồi Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên đã nâng 2 chữ cảm ơn lên hàng chính thức và hạ mục cám ơn xuống hàng khẩu ngữ.

Chúng tôi cho rằng ở đây không có chuyện “chính thức” hay “khẩu ngữ”. Nếu nói “chính thức” thì cảm ơn cũng chẳng “chính” vì nếu “chính” thì phải là cảm ân như trong Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức. Với chúng tôi thì:

- Cảm ơn là ghi nhận trong lòng cái việc tốt hữu ích và cần thiết mà người khác đã làm cho mình; còn

- Cám ơn là bày tỏ sự cảm ơn bằng lời nói khi giao tiếp.

Bản thân chữ cám không phải là một hình vị phụ thuộc mà là một từ độc lập, đặc biệt như có thể thấy ở vế cám phận già trong thơ của Phan Thanh Giản mà đó là ngôn ngữ văn học chứ đâu có phải là khẩu ngữ. Hiện tượng “thượng (cảm) biến thành khứ (cám)” là chuyện thường thấy, chẳng hạn Hán ngữ có 2 tiếng bái khẩn [拜懇], là cầu xin, khi đi vào tiếng Việt thì thành khấn vái. Khẩn thành khấn (thượng thành khứ) là chuyện bình thường. Ta vẫn nói cầu khấn, khấn nguyện, khấn cúng tất niên...; có lẽ nào vì muốn ghi “chính”, cho “chuẩn” mà phải đổi khấn vái thành khẩn vái? Thay vì “cảm ơn”, sao ta lại không dùng cảm tạ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.