Lao động nghèo mong hỗ trợ trong mùa dịch

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/07/2021 06:46 GMT+7

Những người nghèo, lao động tự do tại TP.HCM đã kiệt sức, cần lắm những cách hỗ trợ thiết thực và nhanh nhất trong lúc này.

Chia sẻ nhưng chưa đủ

Tối 7.7, một người bạn làm trong tổ chức từ thiện xã hội gọi hỏi có biết khu vực nào người thất nghiệp, khó khăn vì bị mất việc, nhóm của cô có 100 phần quà muốn biếu họ. Tôi không biết trả lời thế nào vì những hoàn cách khó khăn, cực kỳ khó khăn trong mùa dịch này nhiều quá. Bạn gợi ý, những người có thể nấu ăn được vì quà chủ yếu là nhu yếu phẩm. Tôi sực nhớ hẻm nhỏ đi qua 3 lần “xuyệt” trên đường Lê Tấn Bê (P.An Lạc, Q.Bình Tân), nơi có mấy chục hộ dân sống trọ, chủ yếu lao động tự do, cả tháng qua bị phong tỏa vì trong xóm có ca F0 là tiểu thương từ chợ KP.2 (P.An Lạc, Q.Bình Tân).
Anh Tuyển, cư dân sống trong hẻm này, cho hay do hẻm sâu quá, nên hỗ trợ cho cư dân rất ít ỏi. Xóm bị cách ly từ ngày 20.6 - 4.7, rồi gia hạn thêm 1 tuần nữa đến ngày 11.7. Tuy nhiên, từ ngày 9.7, TP.HCM lại giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, thế nên không ngọ nguậy gì được nữa, chỉ biết “bó gối” ngồi nhìn trời. Nơi đây có khoảng 20 hộ dân ở trọ, đa số các cặp vợ chồng lớn tuổi từ miền Tây sinh sống. Ngày thường khi chợ đầu mối Bình Chánh còn hoạt động, một số phụ nữ chuyên lột hành, gọt củ năng thuê cho các quầy sạp bán tại chợ, mỗi ngày kiếm được 80.000 - 100.000 đồng. Một số làm thợ đụng, đụng chi làm đó miễn có người thuê. Đàn ông làm thợ hồ, sửa nhà, vào chợ bốc vác. Số tiền kiếm được đủ để đắp đổi qua ngày và trả tiền thuê phòng trọ từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cả tháng nay, xóm trọ rơi vào cảnh khó. Anh Tuyển thi thoảng xin bạn bè được 100 suất cơm, 30 chiếc bánh giò ăn sáng mang về phát cho bà con. Hôm rồi có quà gồm gạo, trứng, mì gói, nước tương… của UBND phường.

Cuộc sống ngày giãn cách trong căn trọ nhỏ của những cụ ông, cụ bà bán vé số ở Sài Gòn

Tương tự, tại xóm trọ trên đường Phan Văn Hớn (Bà Điểm, Hóc Môn), Tài, quê ở Long An, chuyên bốc vác tại chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết từ ngày chợ đóng cửa (ngày 28.6), ở nhà chỉ ăn mì gói. Phòng trọ của Tài có 3 người, ở cùng quê Đức Hòa (Long An) lên đây làm thuê. Tài và Thắng là hai anh em họ bốc vác cho các quầy hàng thịt heo, còn Hải nhỏ tuổi hơn chuyên vác rau cũng tại chợ này. “Chợ đóng, khu vực quanh chợ có hoạt động thì làm lai rai, ngày được ngày không, không bao nhiêu cả. Nhưng mấy chị tiểu thương thấy thương, có ngày cho ăn cơm, cũng đỡ. Chỉ lo mấy ngày tới không ra khỏi nhà, không có gì bỏ vào miệng”, Tài cười, nghe mà xót.
Cu Em, tên của thanh niên người Huế vào phụ bán rau cho chủ vựa rau Đà Lạt tại chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết đã ngưng làm từ ngày chợ đóng nên cũng không có lương. Phụ bán hàng cho vựa, mỗi tháng Em được trả 6,5 triệu đồng bao cơm sáng. Năm ngoái, Em có 2 tháng tạm ngưng việc về quê vì người thân mất, rồi dịch tăng cao hồi tháng 7.2020 tại Đà Nẵng, khiến Em không thể quay trở lại TP.HCM. “Cô chủ thương, vào chậm 2 tháng cổ cũng nhận làm. Nhưng trước về 2 xe mỗi đêm nay về gom chung xe với họ còn không vào hàng được. Chủ nói không trả lương được vì không cần bốc hàng”, Em cho biết. “Những ngày tới sống bằng gì?”, tôi hỏi. Cu Em nói làm bao năm còn ít tiền, nhưng cuối tháng vừa rồi mới gửi 10 triệu đồng ra cho mẹ chữa bệnh, nay còn hơn 1,5 triệu...

ẢNH: KHẢ HÒA

Chủ thuê chỉ hỗ trợ trong giới hạn

Tại 3 chợ đầu mối khu vực TP.HCM, lực lượng lao động phụ bán, lao động tự do… lên đến hàng chục ngàn người. Trong đó chợ đầu mối Bình Điền có khoảng 1.800 thương nhân, cộng thêm số lao động làm thuê lên đến 14.000 - 15.000 người. Chợ đầu mối Thủ Đức ngày lấy mẫu xét nghiệm cũng ghi nhận hơn 8.000 lao động phổ thông, bốc vác và chủ vựa; chợ Hóc Môn có gần 10.000 người mua bán vào ra khu vực chợ mỗi ngày… Không có con số thống kê chính xác, song ước lượng người làm thuê, lao động tự do trong 3 chợ đầu mối này lên đến vài chục ngàn người. Chợ đóng, đa số rơi vào cảnh mất việc. TP đang gồng mình chống dịch, mọi ngành, nghề đều bị ảnh hưởng lớn. Ngay cả xóm bán vé số gần chợ Rạch Ông (Q.8) từ ngày 9.7 càng nẫu hơn khi theo văn bản hướng dẫn của UBND TP.HCM về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-16 theo Chỉ thị 16, hoạt động bán vé số, đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn TP cũng tạm dừng hoạt động. Xóm này có khoảng 60 người, chủ yếu quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi… vào thuê trọ bán vé số dạo sinh sống.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 8.7, bà Trang, chủ sạp thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn, cho hay bà đã trả lương cho nhân viên trọn tháng 6 dù chợ nghỉ từ ngày 28.6. Trong tháng 7 chỉ hỗ trợ 1 triệu đồng, kèm bịch quà gồm gạo, nước nắm, mì gói, bột ngọt… “Khi mấy em nghỉ về nhà trọ, có đứa ở gần nhà, dặn khó khăn gì thì cho chị hay, nhưng nói thật không kham hết được vì hiện tại, hai vợ chồng tôi cũng đang nghỉ bán ở nhà. Tình hình sắp tới thế này, mấy đứa thuê nhà sẽ khó khăn hơn, có thể hỗ trợ tiếp cho tụi nó thêm 1 triệu đồng nữa”, bà Trang nói.
Lao động nghèo mong hỗ trợ trong mùa dịch

ẢNH: NGUYÊN NGA

Cần hỗ trợ ngay

Tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa X mới đây đã thông qua việc xuất ngân sách hỗ trợ những người bị tác động bởi dịch Covid-19  với tổng kinh phí khoảng 886 tỉ đồng. Đáng lưu ý, gói hỗ trợ này TP đã mở rộng hỗ trợ cho những người lao động tự do lên đến 230.000 người. Đây là những người bán hàng rong, bốc vác, thu gom phế liệu, buôn bán nhỏ lẻ ven đường, bán vé số lưu động; làm công tại các hộ kinh doanh lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch… Dự tính, mỗi người sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày hoặc 1,5 triệu đồng/người trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
 Theo chuyên gia Đỗ Hòa: “Người nghèo kiệt sức lắm rồi. Hiện tại, TP đã giãn cách gần 1,5 tháng, nay là phong tỏa hoàn toàn, trước còn loay hoay kiếm việc, nay ngồi yên cho chính quyền chống dịch. Nên sự hỗ trợ nhanh nhất có thể, bớt thống kê, bớt thủ tục sẽ hữu ích và hợp đạo lý hơn”.
Trước 2 ngày TP.HCM giãn cách toàn xã hội, ngày 7.7, Sở LĐ-TB-XH TP đã có công văn khẩn về việc triển khai hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do dịch Covid-19. Theo đó, Sở yêu cầu chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh phải nhanh chóng lập danh sách người lao động thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên gửi bảo hiểm các quận, huyện chậm nhất đến ngày 15.7 để hỗ trợ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, với lao động tự do không hợp đồng như Tài, Thắng, Cu Em… nói trên thì việc thống kê, lên danh sách chắc chắn khó khăn hơn.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn IME, cho rằng TP nên linh động hơn, ngoài việc các tổ dân phố, thôn thống kê gửi lên, phải tận dụng các hội đoàn, tổ chức xã hội, những người từng có kinh nghiệm và lăn lộn với lực lượng này trong thời gian qua. Họ cũng là những người âm thầm hỗ trợ các suất ăn thiện nguyện cho những người lao động tự do bị mất việc. Nếu tận dụng được nhóm này, họ có thể giúp thống kê khu vực họ giúp, đặc biệt đối với người không giấy tạm trú, tạm vắng, sống này đây mai đó, nhưng có đóng góp cho TP trong thời gian qua… Điều đó rất quan trọng và chính sách trọn vẹn tính nhân văn, hiệu quả hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.