Lao động làm việc kém năng suất, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng được không?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
24/06/2023 07:50 GMT+7

'Người lao động làm việc không hiệu quả, kém năng suất, chất lượng không đạt yêu cầu thì công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không? Điều kiện nào để công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định?'

Thắc mắc trên của anh Nguyễn Văn Nhân, bạn đọc Báo Thanh Niên, liên quan quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của công ty, doanh nghiệp với người lao động.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, quy định tại điều 36 bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động trong các trường hợp sau:

Lao động làm việc kém năng suất, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng được không? - Ảnh 1.

Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động làm việc kém hiệu quả dựa trên quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc

NHẬT THỊNH

Thứ nhất, người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.

Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc này do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Thứ hai, người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 6 tháng liên tục đối với hợp đồng thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với hợp đồng thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Thứ ba, do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

Thứ tư, người lao động không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Thứ năm, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ sáu, người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

Thứ bảy, người lao động cung cấp thông tin không trung thực (như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe...) khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

Như vậy, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tuy nhiên phải có xác định dựa trên quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành (có tham khảo ý kiến công đoàn).

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM lưu ý rằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đảm bảo thời gian báo trước. Cụ thể là ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động thời hạn dưới 12 tháng.

Đồng thời, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, trừ trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định.

Các hình thức xử lý vi phạm với người lao động

Theo bộ luật Lao động, người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Lao động làm việc kém năng suất, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng được không? - Ảnh 2.

Bộ luật Lao động quy định các hình thức xử lý vi phạm người lao động như khiển trách, không nâng lương...

NHẬT THỊNH

Các hình thức xử lý vi phạm với người lao động được đề cập trong bộ luật Lao động gồm khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương (nhưng không quá 6 tháng), cách chức (với người có chức vụ trong doanh nghiệp), sa thải.

Lưu ý, các diện bị kỷ luật sa thải gồm:

Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc.

Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.

Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật.

Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.