Lãnh đạo TP.HCM nghe chuyên gia nước ngoài hiến kế chống ngập

30/09/2015 05:34 GMT+7

* Ứng phó cấp bách với kẹt xe Ngày 29.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải chủ trì buổi làm việc để nghe các chuyên gia nước ngoài hiến kế chống ngập trên địa bàn TP.

* Ứng phó cấp bách với kẹt xe
Ngày 29.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải chủ trì buổi làm việc để nghe các chuyên gia nước ngoài hiến kế chống ngập trên địa bàn TP.

Cảnh ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM ngày 15.9 - Ảnh: Đào Ngọc ThạchCảnh ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM ngày 15.9 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhóm chuyên gia đến từ Nhật Bản, Đức, Đan Mạch, Đài Loan, Malaysia cho rằng tình trạng ngập nước tại TP.HCM đã tới mức “báo động đỏ”, nhất là qua đợt ngập nước trên diện rộng trong tháng 9.2015.
Với thực trạng này, TP phải tính đến tình huống xấu nhất là khoảng 12% dân số TP sẽ chịu thiệt hại do thiên tai dẫn đến ngập nước, 23% diện tích đất bị xói mòn không sử dụng được, thậm chí tốc độ tăng trưởng GDP có thể bị thụt lùi nhiều năm do phát sinh lũ lụt lớn.
“TP.HCM có đến 40 - 45% diện tích có cao độ so với mực nước biển từ 0 - 1 m, chỉ có 10 - 20% diện tích có cao độ từ 1 - 2 m, rất ít diện tích cao hơn 4 m. Giả sử mỗi năm đất sụt lún 15 mm, mực nước biển dâng 15 mm thì đến 2050, chúng ta sẽ sống trên “đảo TP.HCM thuộc vùng đồng bằng sông Mê Kông”, chuyên gia Tsai I Chang (Đài Loan) cảnh báo và đề nghị TP cần tạo không gian cho dòng sông, điều chỉnh và giữ an toàn môi trường vùng sông ngòi như kinh nghiệm của một số quốc gia như Hà Lan, Nhật Bản... đã trải qua để tránh gây tác động tiêu cực đến tình trạng ngập nước.
Chuyên gia Olaf Juettner (Đan Mạch) cho rằng hiện nay không thiếu các giải pháp và công nghệ chống ngập hiện đại, vấn đề quan trọng là quan điểm giải quyết ngập lụt ra sao. “Triết lý chống ngập của các nước châu Âu là chấp nhận quy luật tự nhiên và không chống lại nó. Vì vậy giải pháp thông minh là “sống chung với lũ”, tạo không gian tự nhiên cho nước; bởi lẽ nếu xây một con đập, không ai dám chắc nó sẽ an toàn mãi trước thiên tai; hệ thống đê điều, dẫn nước cũng chỉ giải quyết được một phần, trong khi vốn đầu tư lại lớn”, ông nói và đề nghị TP.HCM bên cạnh thực hiện những giải pháp kỹ thuật (kè, van ngăn triều, hồ chứa, cống thoát nước...) cần đặc biệt ưu tiên dành quỹ đất, tạo không gian cho lượng nước thẩm thấu tự nhiên.
“Những gợi mở của các chuyên gia rất hữu ích cho TP.HCM”, ông Lê Thanh Hải đánh giá và yêu cầu UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trương rà soát các đề án chống ngập đã được phê duyệt, cầu thị lắng nghe góp ý để kịp thời chỉnh sửa những nội dung chưa sát với diễn biến thực tế, đồng thời có giải pháp cụ thể xử lý cấp bách những điểm ngập do mưa kết hợp triều cường vừa qua trên địa bàn TP.
Tại buổi họp báo định kỳ quý 3/2015 của Sở GTVT TP.HCM tổ chức vào chiều 29.9, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc sở này cho biết giải pháp xử lý các điểm ùn tắc giao thông trước mắt sẽ tập trung điều chỉnh, lắp đặt bổ sung dải phân cách, cải tạo kích thước hình học tại các giao lộ, lắp đặt camera quan sát, đèn tín hiệu.
Từ nay đến cuối năm 2015, TP sẽ tập trung tổ chức lại giao thông tại 24 điểm nóng nguy cơ ùn tắc và trục đường chính như Xa lộ Hà Nội, QL1, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Cộng Hòa, Nguyễn Văn Linh, Đồng Văn Cống...
Riêng các giải pháp để giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thực hiện trong tháng 10. Trên QL1, Sở sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ phân luồng đoạn từ nút giao Bình Thuận (H.Bình Chánh) đến ranh tỉnh Long An.
Bên cạnh đó, TP đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa các công trình vào khai thác như: cầu Rạch Chiếc trên đường Vành đai phía đông; hoàn thành thủ tục để sớm khởi công mở rộng đường Ung Văn Khiêm, Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), nâng cấp cầu Ông Dầu trên QL13 (Q.Thủ Đức); xây dựng các nhánh kết nối từ cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương vào đường Võ Văn Kiệt...
Đình Mười
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.