Lãnh đạo TP.HCM: 'Mục tiêu cao nhất hiện nay là giảm số ca bệnh Covid-19 tử vong'

13/08/2021 12:18 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết số ca mắc Covid-19 trên địa bàn vẫn ở mức cao nên thành phố xác định mục tiêu cao nhất hiện nay là giảm ca tử vong tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Sáng 13.8, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin tỷ lệ tử vong của các ca bệnh mắc Covid-19 hiện nay khá cao (tính trung bình khoảng 241 ca/ngày).
Do đó, TP.HCM xác định mục tiêu cao nhất hiện nay là giảm ca tử vong tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức; trong đó tập trung giảm ca bệnh nặng ở tầng 2 - 3 để giảm áp lực tầng trên và giảm tử vong. Hiện TP đã đưa vào 4 trung tâm hồi sức với tổng quy mô 1.750 giường, nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115, kiện toàn tổ phản ứng nhanh ở phường xã, chuyển đổi công năng taxi cấp cứu.

TP.HCM đặc mục tiêu cao nhất là giảm số ca bệnh Covid-19 tử vong

Để giảm tử vong, công tác sàng lọc, phân loại và tổ chức điều trị ở các tầng trong hệ thống điều trị tiếp tục được nâng cao năng lực. Hiện TP đã nâng cấp các bệnh viện tầng 2-3, huy động nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng, củng cố khả năng cung cấp ô xy cho bệnh nhân. “Hiện nhu cầu cung cấp ô xy rất cao, nếu cung cấp kịp thời và có thiết bị trợ thở thì sẽ cứu được nhiều người”, ông Đức nói.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trao đổi với báo chí tại buổi họp báo

Ảnh: Sỹ ĐÔng

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ tư vấn sức khỏe, chăm sóc F0 tại nhà được chú trọng; trong đó tập trung chăm lo về mặt tâm lý, nhu cầu lương thực thực phẩm và hỗ trợ tư vấn để củng cố nền tảng sức khỏe. Ông Đức cho biết đây là nội dung được thành phố triển khai mạnh trong thời gian tới; đồng thời Bộ Y tế đã có kế hoạch hỗ trợ cho thành phố về vấn đề này.

Chưa được phép tiêm dịch vụ vắc xin Covid-19

Dịch bệnh có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững

Ông Đức nhận định dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài, dù các ca bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững, số F0 sau ngày 15.8 vẫn ở mức 3.000 ca/ngày. Do đó, nếu không thực hiện triệt để giãn cách xã hội thì rất khó giữ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, thậm chí tình hình có thể xấu đi do dịch đã thấm sâu vào cộng đồng.
Để thực hiện Nghị quyết 86 ngày 10.8 của Chính phủ, TP.HCM sẽ triển khai kế hoạch theo 2 giai đoạn (từ ngày 15.8 đến 31.8 và từ ngày 1.9 đến ngày 15.9) với các giải pháp cụ thể với quyết tâm đến ngày 15.9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh.

TP.HCM xác định giãn cách xã hội là giải pháp quan trọng để giảm lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng

Ảnh: Sỹ Đông

Trong đó, biện pháp giãn cách xã hội là quan trọng nhất bởi nếu đảm bảo được cách ly nhà với nhà, đặc biệt là ở các khu phong tỏa thì sẽ giảm được ca F0 phát sinh ở khu vực này. TP.HCM cũng sẽ cố gắng để làm được việc đã tuyên bố lâu nay là “chặt trong, chặt ngoài” chứ không để “chặt ngoài, lỏng trong”. Thông qua các mô hình tự quản, TP.HCM cố gắng giữ vững thành quả các mô hình “vùng xanh”. Về việc bóc tách F0 trong cộng đồng, ông Đức cho biết công tác xét nghiệm Covid-19 có trọng tâm, trọng điểm, khoa học để không lãng phí tài nguyên, là cơ sở để mở rộng “vùng xanh”. Đối với các khu phong tỏa, việc xét nghiệm phải được tổ chức khoa học để bóc tách F0 để giảm nguồn lây, kết hợp cách ly “nhà với nhà” để đạt mục tiêu giảm F0 trong khu phong tỏa. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.