TNO

Lãnh đạo Liên Xô thờ ơ với vệ tinh nhân tạo đầu tiên

05/10/2015 08:30 GMT+7

(Tin Nóng) Ngày 4.10.1957, vệ tinh Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới, được Liên Xô chế tạo chỉ trong 10 tháng, phóng vào vũ trụ thành công khiến thế giới kinh ngạc. Đáng nói là lúc đó các lãnh đạo Liên Xô lại thờ ơ với dự án này.

(Tin Nóng) Ngày 4.10.1957, vệ tinh Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới, được Liên Xô chế tạo chỉ trong 10 tháng, phóng vào vũ trụ thành công khiến thế giới kinh ngạc. Đáng nói là lúc đó các lãnh đạo Liên Xô lại thờ ơ với dự án này.

Lãnh đạo Liên Xô thờ ơ với vệ tinh nhân tạo đầu tiên - ảnh 1
Vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô và cũng là của nhân loại: PS-1, còn gọi là Sputnik 1 - Ảnh: Wikipedia

Ngày nay, Liên bang Nga chọn 4.10 là Ngày vũ trụ của Nga.

Theo trang tin aif.ru, thế giới khi đó sửng sốt trước thành tựu phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên này vì Liên Xô vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 chỉ 12 năm, còn nhiều thiệt hại chưa khắc phục.

Thậm chí khi dự án triển khai và chuẩn bị phóng, các lãnh đạo Liên Xô lúc đó còn thờ ơ với vệ tinh này.

Cuộc đua phóng vệ tinh đầu tiên của loài người đã diễn ra trước thời điểm Sputnik lên vũ trụ, chủ yếu là giữa hai nhà khoa học  Wernher von Braun (Đức, nhập tịch Mỹ sau 1945) và Sergei Korolev của Liên Xô. Von Braun theo ý tưởng du hành không gian của lý thuyết gia Đức Hermann Oberth, còn Korolev theo lý thuyết của cha đẻ ngành tên lửa và vũ trụ Konstantin Tsiolkovsky.

Từ những năm 1930, Wernher von Braun đã nghiên cứu chế tạo tên lửa cho Đức Quốc xã; còn Korolev đang học tại trường Sức đẩy phản lực GIRD với sự giúp đỡ của nguyên soái Tukhachevsky.

Tuy nhiên lãnh đạo Iosif Stalin khi đó tiến hành cuộc thanh trừng những người ông ta nghi là không trung thành, kết quả nguyên soái Tukhachevsky cùng Korolev bị xem là kẻ thù của nhân dân và bị đi đày ở trại cải tạo.

Khi Von Braun chế tạo tên lửa V-1 và V-2 tấn công London, Korolev được đưa ra khỏi nhà tù vì Liên Xô cần đến ông.

Sau Thế chiến II, Mỹ đưa von Braun về Mỹ và tại đây ông ta cùng các nhà khoa học Mỹ nghiên cứu cải tiến tên lửa V-2. Các nhà khoa học Liên Xô, trong đó có Korolev cũng bắt tay nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo.

Khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Harry Truman bắt đầu tiến hành chiến lược chống Liên Xô với sức mạnh của vũ khí hạt nhân, Liên Xô tìm cách đáp trả và chế tạo được bom hạt nhân. Vấn đề là làm cách nào phóng bom hạt nhân sang lãnh thổ kẻ thù trong trường hợp giáng trả. Và đó là cơ hội cho Sergei Korolev ứng dụng kiến thức về tên lửa và vệ tinh.

Mỹ bắt tay chế tạo vệ tinh, những lần phóng thử đầu tiên bị thất bại. Còn Sergei Korolev phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng bắn tới Mỹ, và quân đội rất thích dự án này.

Năm 1955, Liên Xô xây bãi thử tên lửa gần làng Tura-Tam, sau này trở nên nổi tiếng thế giới với tên trung tâm vũ trụ Baikonur. Từ đầu năm 1957, Korolev cho thử tên lửa liên lục địa đầu tiên là loại R-7, có biệt danh là Số 7, sau này trở thành chuẩn của các dòng tên lửa.

Lãnh đạo Liên Xô thờ ơ với vệ tinh nhân tạo đầu tiên - ảnh 2
Sergei Korolev và dàn phóng tên lửa R-7 cải tiến chuẩn bị đưa vệ tinh Sputnik vào quỹ đạo

Những lần thử nghiệm đầu tiên đều thất bại khiến lãnh đạo quân đội nản lòng, thậm chí bực bội. Tuy nhiên Korolev vẫn kiên trì với mục tiêu. Và ngày 21.8.1957, tên lửa R-7 đã bắn thử thành công. Korolev nhận ra loại tên lửa này có thể mở đường vào không gian.

Trước đó vào năm 1954, ông gửi 1 bức thư đến Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô là Dmitry Ustinov về việc chế tạo vệ tinh nhân tạo. Tên lửa của Korolev vì thế được nghiên cứu chế tạo để có thể mang đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường hoặc vệ tinh.

Việc thiết kế vệ tinh nhân tạo đầu tiên gọi là PS-1 bắt đầu từ tháng 11.1956 và đến đầu tháng 9.1957 Korolev đã hoàn tất vệ tinh, chỉ chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt việc phóng thử nghiệm. Vệ tinh này là một khối cầu có đường kính chỉ 58 cm, nặng 83,6 kg, gồm hai bán cầu ghép nhau bằng 36 đính tán, phủ 1 lớp cách nhiệt nhôm - magnesium - titan dầy chỉ 1 mm. Vệ tinh có 4 ăng ten, gồm 2 cái dài 2,4 m và cặp kia là 2,9 m.

Ngày 2.10.1957, Sergei Korolev ký quyết định cho thử nghiệm vệ tinh và gửi thông báo đến Moscow. Các lãnh đạo Liên Xô không hồi âm, và lúc đó họ không hiểu được tầm quan trọng của vụ phóng vệ tinh này.

Không thấy Moscow trả lời, Korolev quyết định tiến hành phóng thử vệ tinh. Vào lúc 22 giờ 28 phút 34 giây ngày 4.10.1957 (giờ Moscow), vệ tinh mang tên Sputnik 1 (lúc đó vẫn gọi là PS-1) đã được tên lửa phóng thành công. Sau 295 giây, tên lửa đẩy nặng 275 tấn đã đặt vệ tinh vào quỹ đạo hình e-lip cách trái đất xa nhất là 947 km, gần nhất là 288 km. Sau 314,5 giây khi tách khỏi tên lửa, vệ tinh bắt đầu phát tín hiệu "Beep! Beep!" có thể nghe được từ các trạm theo dõi trên trái đất.

Vụ phóng vệ tinh thành công của Liên Xô đã gây hiệu ứng như nổ bom dây chuyền, khiến thế giới phải sửng sốt. Tin tức vụ phóng vệ tinh đầu tiên của loài người tràn ngập báo đài thế giới.

Chỉ đến khi nhận thấy phản ứng của truyền thông thế giới về vụ phóng vệ tinh, các lãnh đạo Liên Xô mới hiểu ra hiệu quả tuyên truyền về chiến thắng ở không gian vũ trụ. Không có bài diễn văn nào quảng bá tốt nhất cho chế độ Xô viết bằng vụ phóng vệ tinh.

Lãnh đạo Liên Xô thờ ơ với vệ tinh nhân tạo đầu tiên - ảnh 3
Căn cứ phóng vệ tinh Sputnik - Ảnh: RussianSpaceweb
Lãnh đạo Liên Xô thờ ơ với vệ tinh nhân tạo đầu tiên - ảnh 4
Bên trái: Tên lửa khai hoả đưa Sputnik vào quỹ đạo. Bên phải: các nhà nghiên cứu Mỹ ở Dallas, Texas ghi nhận tín hiệu do Sputnik truyền về từ vũ trụ - Ảnh: Dallas News
Lãnh đạo Liên Xô thờ ơ với vệ tinh nhân tạo đầu tiên - ảnh 5
Mô hình Sputnik ở bảo tàng của Nga
Lãnh đạo Liên Xô thờ ơ với vệ tinh nhân tạo đầu tiên - ảnh 6
Lắp ráp tên lửa R-7

Vụ phóng vệ tinh của Liên Xô khiến Mỹ bị bẽ mặt và tức tốc chạy đua để gỡ bàn thua này. Wernher von Braun được điều sang dự án phóng vệ tinh, và phải đến ngày 1.2.1958 vệ tinh đầu tiên của Mỹ, Explorer 1 mới lên được không gian.

Thua trong cuộc đua phóng vệ tinh đầu tiên, Mỹ von Braun gỡ lại bằng chương trình đưa người đầu tiên lên Mặt trăng.

Tuy vậy có nhiều người thắc mắc đến tận bây giờ là vì sao Korolev không được trao giải Nobel cho thành tựu đưa vệ tinh đầu tiên của loài người vào không gian, mở ra thời kỳ chinh phục vũ trụ. Sergei Korolev, nhà khoa học tên lửa, 9 năm làm việc trong bí mật và vô danh với thế giới, đã làm thế giới sững sờ với viêc phóng vệ tinh đầu tiên năm 1957. Chưa hết, sau đó ông còn đưa các chú chó vào vũ trụ như Laika, Belka và Strelka, vệ tinh chụp ảnh mặt bên kia của Mặt trăng, và rồi đưa phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ: Yuri Gagarin với tàu vũ trụ Vostok 1 (Phương Đông 1).

Ngày 4.10 nay được Liên bang Nga lấy làm Ngày vũ trụ. Và Sergey Korolev, nhà khoa học thiên tài, là người bất khả chiến bại, theo aif.ru.

Xem clip ghi lại cảnh phóng vệ tinh đầu tiên của nhân loại: Sputnik 1:

Anh Sơn

>> Những đoàn tàu lửa vũ trang đáng gờm của Liên Xô và Nga
>> Cuộc chạy đua đại bác hạt nhân Liên Xô - Mỹ
>> MiG-105, dự án máy bay vũ trụ thời Liên Xô
>> Liên Xô thử bom nguyên tử đầu tiên cách đây 66 năm
>> Cuộc đua dùng máy bay diệt vệ tinh Mỹ - Liên Xô
>> Vũ khí bí mật của Nga có thể tắt năng lượng của vệ tinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.