Lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương bàn về thương mại vì ông Donald Trump

16/11/2016 10:46 GMT+7

Giới lãnh đạo hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, sắp nhóm họp để vạch ra tương lai cho thương mại tự do - điều không được ưu ái sau khi ông Donald Trump đắc cử.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin là bốn trong số các lãnh đạo sẽ tụ họp về Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Lima (Peru) từ ngày 17 đến 20.11.
Hội nghị APEC, nơi hội tụ 21 lãnh đạo các nền kinh tế Thái Bình Dương, là nơi gặp gỡ thống nhất của thương mại tự do ở khu vực chiếm gần 60% kinh tế toàn cầu và gần 40% dân số thế giới. Sự kiện năm nay có thể không giống với mọi năm khi mà chiến thắng gây sốc trong cuộc bầu cử Mỹ của tỉ phú bất động sản Donald Trump vừa xảy ra hôm 9.11.
Ông Trump mở ra nhiều sự thiếu chắc chắn về trật tự thế giới thời hậu chiến với những lời chỉ trích thương mại tự do, di cư và vai trò “cảnh sát thế giới” của Mỹ. Bằng cách tiếp cận sự giận dữ của tầng lớp lao động da trắng, ông khuếch đại cảm giác khó chịu có từ hồi tháng 6, khi dân Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay Brexit. Đây là chiến thắng gây sốc của chủ nghĩa dân tộc trong thế giới ngày càng xóa nhòa biên giới.
Dù Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump không có mặt tại hội nghị APEC, ông có thể hiện diện lớn trong căn phòng. “Tôi nghĩ APEC sẽ bàn về hai chuyện: câu hỏi lớn về cách nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng lên thương mại và tìm kiếm con đường không có Mỹ để đi đến thương mại tự do. Mỹ rõ ràng vừa chọn ngồi xuống, kéo cao chướng ngại vật và trở về quá khứ huy hoàng của sự cô lập”, CEO Deborah Elms của Trung tâm Thương mại châu Á ở Singapore cho hay.
APEC lần này có nguy cơ trở thành hội nghị khó xử cho ông Barack Obama, người sẽ kết thúc chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ ở Peru, sau đợt dừng chân ở Hy Lạp và Đức. Ông Obama từng không bằng lòng với ông Trump nhưng giờ đây phải trấn an dàn lãnh đạo các nước rằng nhiệm kỳ tổng thống của tỉ phú bất động sản sẽ không là thảm họa.
Các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc quan ngại rằng tổng thống đắc cử sẽ cắt giảm quân đội Mỹ, sự hiện diện kinh tế, ngoại giao trong khu vực, và để họ lại với cảnh tiếp xúc cùng quốc gia chiếm ưu thế Trung Quốc cùng đất nước hiếu chiến Triều Tiên. Các lãnh đạo Mỹ La tinh góp mặt ở APEC, trong đó có Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto cũng lo lắng về nhiệm kỳ của tổng thống mới tại Mỹ.
Lúc này, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sáng kiến thương mại là dấu son của ông Obama ở châu Á - Thái Bình Dương, gần như đối mặt với hậu quả tiêu cực. Trung Quốc, đất nước đứng ngoài nhóm 12 quốc gia tham gia TPP, sẽ thúc đẩy hai yếu tố riêng của họ là Khu vực Tự do Thương mại châu Á - Thái Bình Dương của APEC (FTAAP) và Đối tác Kinh tế Toàn diện trong vùng (RCEP). Hai thảo thuận trên đều có Ấn Độ nhưng không có Mỹ.
Giới phân tích cho hay tương lai của thỏa thuận thương mại tự so sẽ là chủ đề được thảo luận. Chuyên gia thương mại Robert Lawrence từ Đại học Harvard cho biết chiến thắng của ông Trump đồng nghĩa thương mại tự do sẽ thêm “rắc rối”. Không chỉ vai trò của Mỹ trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế bị ảnh hưởng mà chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ giờ đây có thể là cái phanh cho thương mại thế giới.

tin liên quan

Ngoại trưởng Mỹ kỳ vọng vực dậy TPP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kỳ vọng sẽ vực dậy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có thể bị Tổng thống đắc cử Donald Trump hủy bỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.