Làng quê Bắc bộ nô nức 'đụng lợn' ăn tết

30/01/2022 16:51 GMT+7

“ Đụng lợn tết ” nghĩa là nhiều gia đình chung tiền mua một con lợn làm thực phẩm ăn tết. Đây là phong tục cổ truyền ở nhiều vùng quê Bắc bộ.

Không khí tết Nguyên đán Nhâm Dần tại xóm Thành Công (xã Chấn Hưng, H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) trong ngày 30.1 (tức ngày 28 tháng Chạp) thêm rộn ràng hơn bởi tiếng lợn kêu eng éc vang lên từ các ngõ xóm.

Đám "đụng lợn" tại gia đình ông Nguyễn Xuân Mạnh diễn ra ngày 28 tháng Chạp tại xóm Thành Công (xã Chấn Hưng,H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có sự chung vui của những người hàng xóm

Phan Hậu

Âm thanh ấy là chỉ dấu của một đám "đụng lợn” - nơi mà những người hàng xóm láng giềng hoặc anh em cùng trong gia đình hoặc dòng họ quanh năm tất bật làm ăn nhưng nay đã tạm dừng công việc, cùng nhau chuẩn bị cho những ngày vui xuân. Trong đó, màn “đụng lợn” luôn có không khí rôm rả, được nhiều người chờ đợi.

Ở xóm Thành Công, gia đình ông Nguyễn Xuân Mạnh năm nay là chủ đám “đụng lợn”. Ông Mạnh là lái xe chuyên chở hàng từ Vĩnh Phúc lên Lào Cai và ngược lại. Con lợn đen nặng hơn 60 kg được ông Mạnh mua về từ Lào Cai và nuôi nhốt gần 2 tháng trước tết nay đem ra mổ để chia thịt cho anh em, hàng xóm cùng ăn chung.

Tết bây giờ cứ ra chợ là mua sắm đầy đủ, không thiếu bất cứ thứ gì nhưng nếu mua bán hết cả thì không khí tết sẽ rất nhạt. "Đụng lợn" luôn là hoạt động vui nhất, để hàng xóm láng giềng cùng nhau sum họp, tận hưởng không khí ngày tết”, ông Mạnh nói.

Lợn sau khi được làm lông sạch sẽ được mang đi thui rơm. Thịt lợn thui rơm ăn sẽ ngon hơn.

Phan Hậu

Cũng tùy theo nhu cầu của từng thành viên mà mỗi đám “đụng lợn” chọn con lợn to, hay nhỏ. Mỗi đám "đụng lợn" thường có 4 gia đình để chia thịt cho dễ. Nếu nhu cầu thực phẩm không nhiều, mỗi nhà nhận một đùi lợn có thể rủ thêm những nhà khác để tiếp tục chia nhỏ phần thịt.

Cứ thế, nhiều hộ gia đình cùng một đám “đụng lợn”, thịt mang về dù chỉ vài ba cân nhưng ai nấy đều hoan hỉ khi được chung vui trong đám “đụng lợn” ăn tết một cách tươm tất, đủ đầy.

“Đụng lợn” là nét văn hóa đặc trưng trong dịp tết cổ truyền ở nhiều vùng quê Bắc bộ. Theo thông lệ, các đám "đụng lợn” thường diễn ra trước tết khoảng 3 - 4 ngày nhưng sôi động nhất vẫn là các ngày 29 - 30 tháng Chạp.

Phần thịt lợn nhận về từ đám “đụng lợn” một phần được dùng làm nhân gói bánh chưng, phần còn lại chế biến thành nhiều món ăn trong những ngày tết. Nhưng tháng Chạp năm nay là tháng thiếu chỉ có 29 ngày nên trong ngày 28 tháng Chạp, nhiều ngõ xóm ở vùng quê Bắc bộ nô nức tiếng lợn kêu eng éc vang lên từ các đám “đụng lợn” báo hiệu tết Nguyên đán Nhâm Dần đã cận kề.

Lợn thui rơm để da vàng ươm nhưng không được làm nứt da hay bị cháy khét

Phan Hậu

Lợn thui rơm xong được làm sạch sẽ. Nội tạng để ăn chung, thịt thì chia cho các hộ gia đình trong đám "đụng lợn"

Phan Hậu

Thịt lợn được pha thành nhiều phần khác nhau

Phan Hậu

Chủ đám "đụng lợn" cân thịt để chia đều cho các hộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.