Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 7: Công trình tiền tỉ... ngập phân bò

13/04/2014 01:59 GMT+7

Đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây khu trưng bày sản phẩm làng nghề, khu tái định cư cho người dân nhưng các công trình này được xây xong chỉ để... ngắm.

Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 7: Công trình tiền tỉ... ngập phân bò
Khu trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm xây xong chỉ để... ngắm - Ảnh: Đức Huy

Dịp Tết Nguyên đán 2014, Phú Yên là một trong số 11 tỉnh phải xin Chính phủ cấp gạo cứu đói cho dân. Năm 2013, tổng thu ngân sách địa phương của tỉnh chỉ đạt hơn 1.920 tỉ đồng; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 vẫn còn trên 13%. Tuy nhiên, thực tế những công trình dân sinh đầu tư tiền tỉ ở đây vẫn đang lãng phí và xuống cấp nghiêm trọng.

Khu tái định cư bị dân chê

Khi xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, nhiều hộ dân ở xã Ea Bá thuộc H.Sông Hinh (Phú Yên) và Tập đoàn điện lực Việt Nam đã thỏa thuận với UBND H.Sông Hinh xây dựng khu tái định cư buôn Chao (xã Ea Bá) rộng 16 ha, kinh phí trên 20 tỉ đồng để giải quyết tái định cư cho 70 hộ bị ảnh hưởng.

Trước khi xây dựng, UBND H.Sông Hinh tổ chức lấy ý kiến người dân và nhiều người đã không đồng ý bởi vì theo họ, khu tái định cư buôn Chao nằm cách xa nơi ở cũ đến 10 km, đi lại khó khăn và không có đất canh tác. Thế nhưng, chính quyền H.Sông Hinh vẫn quyết định xây dựng nên khi hoàn thành vào năm 2007, chỉ có 17 hộ dân đến ở.

Đến nay, mặc dù đã cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng như lưới điện hạ áp, rải đá dăm 2.550 m đường nội bộ, xây 3 phòng học cấp 1 và mẫu giáo, 1 nhà văn hóa, 25 giếng nước nhưng khu tái định cư buôn Chao cũng không thể giữ chân được các hộ dân. Sau khi ở được một thời gian, 10 hộ dân đã quay lại nơi ở cũ, khiến các hạng mục công trình mới xây càng trở nên hoang hóa. Nhiều hạng mục cỏ mọc um tùm, thậm chí một số phòng học ngập đầy... phân bò.

Nhận thấy khu tái định cư buôn Chao không hiệu quả, năm 2008, chính quyền H.Sông Hinh tiếp tục quy hoạch khu dân cư mới ở buôn Bầu (xã Ea Bá) rộng 11 ha và đầu tư hơn 5,4 tỉ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng. Vì khu này thuận lợi hơn nên người dân đồng tình di dời đến nơi ở mới và được cấp 1.000 m2/hộ đất thổ cư, tiếp tục sản xuất, canh tác trên diện tích khoảng 200 ha đất sản xuất gần lòng hồ thủy điện.

Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 7: Công trình tiền tỉ... ngập phân bò
Một phòng học trong khu tái định cư buôn Chao ngập đầy... phân bò

Trưng bày nước mắm “một mình một nẻo”

Tại H.Tuy An, để khuyến khích làng nghề địa phương phát triển, chính quyền đầu tư xây dựng khu trưng bày sản phẩm làng nghề nước mắm nằm trên trục QL1A tại xã An Chấn. Nguồn vốn đầu tư vào khu này thuộc vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ phát triển làng nghề, nhằm tạo địa điểm cho các hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm của các làng nghề vào trưng bày, buôn bán. Khu trưng bày có diện tích 1 ha với kinh phí 15 tỉ đồng để xây dựng 4 dãy nhà gồm 40 gian hàng; chia làm nhiều khu vực như khu trưng bày sản phẩm, khu dịch vụ, ăn uống, khu đậu xe, khu vệ sinh...

Đến nay, công trình đã hoàn thành khoảng 50% với tổng kinh phí 6 tỉ đồng, gồm phần hạ tầng với hệ thống đường giao thông, đèn đường, cổng chính, khu vệ sinh và 1 dãy nhà trưng bày thí điểm với 8 gian hàng, mỗi gian rộng 50 m2. Tuy nhiên, sau 1 năm được đưa vào sử dụng, dãy nhà trưng bày thí điểm này vẫn để trống do chưa có hộ dân nào vào kinh doanh. Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Tuy An Nguyễn Phụng Ngoạn cho rằng: “Người dân chưa chịu vào vì hiện đang thi công nâng cấp, mở rộng QL1A. Vì huyện ưu tiên cho người dân địa phương, nếu cho người dân ở địa phương khác tham gia thì sẽ rất đông”.

Thế nhưng, ông Trình Văn Nam, chủ cơ sở chế biến nước mắm Ba Na ở thôn Long Thủy (xã An Phú, TP.Tuy Hòa), nhận xét: “Khi biết khu trưng bày sản phẩm được xây dựng, chúng tôi rất háo hức mong được vào bán hàng. Tuy nhiên khi khu trưng bày hoàn tất, tôi không đăng ký vì địa điểm không thuận lợi cho việc bày bán sản phẩm”. Lý do mà ông Nam chê là khu trưng bày nằm riêng biệt “một mình một nẻo” trên quốc lộ và không thuận tiện cho việc dừng, nghỉ của xe khách đường dài; không gần các bến, bãi đậu xe hay các khu du lịch nên khả năng bán được hàng là rất thấp, lại còn tốn tiền thuê mặt bằng và người trông coi, quản lý hàng hóa.

Hiện tại, giá cho thuê các gian hàng là 6.000 đồng/m2/tháng; mặt bằng khu dịch vụ ăn uống, giải khát cho thuê với giá 4.200 đồng/m2/tháng (thời gian thuê 5 năm). UBND huyện còn phê duyệt miễn 3 tháng tiền thuê mặt bằng cho các hộ kinh doanh. Tuy vậy, đến nay chỉ có một hộ dân hợp đồng thuê mặt bằng để mở điểm ăn uống, giải khát.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.