Lãng phí đào tạo cử tuyển: Chính sách đã lỗi thời

28/01/2016 05:16 GMT+7

Thực tế cho thấy cử tuyển là chính sách đã lỗi thời. Nhà nước cần một chính sách khác thay thế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, thay vì chỉ lo đào tạo cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay.

Thực tế cho thấy cử tuyển là chính sách đã lỗi thời. Nhà nước cần một chính sách khác thay thế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số, thay vì chỉ lo đào tạo cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay.


Lãng phí đào tạo cử tuyển: Chính sách đã lỗi thời
Cử người đi học ào ào
Mặc dù năm 2006 Chính phủ mới ban hành Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở đào tạo nhưng thực tế chính sách cử tuyển dành cho học sinh người dân tộc được thực hiện từ năm 1990. Thời gian đầu, lượng chỉ tiêu được phân bổ hằng năm cho các địa phương rất lớn (3.000 - 4.000 chỉ tiêu/năm), đến nỗi các địa phương đều không tuyển đủ do không có nguồn tuyển. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, chỉ trong 11 năm (từ 1999 - 2009), cả nước đã cử tuyển được 19.720 học sinh các dân tộc thiểu số vào học tại 109 trường ĐH, CĐ trong cả nước. Nhưng kể từ khi thực hiện Nghị định 134, ngay cả con em người dân tộc Kinh ở các huyện khó khăn cũng được hưởng chính sách cử tuyển (với điều kiện không vượt quá 15% chỉ tiêu).
“Do chỉ tiêu dồi dào nên có một thời gian, khi còn thực hiện cơ chế chi trả học phí theo hình thức trung ương đưa thẳng về cho các trường ĐH, CĐ, các địa phương cử người đi học ào ào. Về sau nhà nước giao từng địa phương phải tự đề xuất chỉ tiêu, tự trích ngân sách để chi trả thì chỉ tiêu giảm rất mạnh. Nhưng lượng người học xong không bố trí được việc làm ùn ứ từ giai đoạn trước vẫn còn rất nhiều”, một chuyên viên Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ GD-ĐT chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng vì xem cử tuyển như một ưu đãi từ trên rót xuống nên các địa phương có tâm lý “tiếc gì không cho con cháu hưởng chút” mà không quan tâm tới vấn đề quy hoạch nhân lực.
Trong một lần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng việc bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển sau tốt nghiệp gặp khó khăn chủ yếu do lỗi của các địa phương. “Một số địa phương chưa xây dựng được quy hoạch, kế hoạch tổng thể về đào tạo và sử dụng cán bộ, dẫn đến việc xác định nhu cầu về số lượng và ngành nghề đào tạo theo hình thức cử tuyển chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Luận giải thích.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, cho rằng lỗi không chỉ do các địa phương mà còn do các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương. “Theo quy định của Nghị định 134, UBND cấp tỉnh phải báo cáo kết quả xét tuyển vào vị trí việc làm cho người học cử tuyển sau tốt nghiệp trong 3 năm liên tiếp ngay trước năm làm kế hoạch. Như vậy, lẽ ra khi xét giao tiếp chỉ tiêu cử tuyển cho địa phương, các bộ ngành phải ngừng cấp thêm chỉ tiêu cho những địa phương chưa bố trí việc làm hết cho người đã học xong cử tuyển. Đằng này họ để dồn hết năm này đến năm khác, không chỉ gây lãng phí tiền bạc của nhà nước mà lãng phí thời gian cũng như cơ hội của các sinh viên cử tuyển”, ông Khuyến bức xúc.
Nên thay đổi chính sách
Từ năm 2015, một loạt tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Yên Bái... đã ngừng việc đưa người đi học cử tuyển. Ông Ngô Văn Hợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho biết năm 2014 tỉnh chỉ bố trí được việc làm cho 28/70 sinh viên đã tốt nghiệp cử tuyển. Cả năm 2015 bố trí được thêm 4 vị trí. Trước thực tế này, những năm gần đây, việc xây dựng chỉ tiêu và thực hiện cử học sinh đi học cử tuyển đã điều chỉnh giảm dần, đến năm 2015 không cử người nào.
Còn theo ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái, ngành GD-ĐT của tỉnh này đã ngừng đề xuất chỉ tiêu cử tuyển cho ngành từ
7 - 8 năm nay. “Trước đây vì thiếu giáo viên nên chúng tôi vẫn phải dùng đến lực lượng cử tuyển, dù trình độ không được như mong muốn. Về sau chúng tôi nhận thấy sinh viên sư phạm chính quy ra trường dù khá giỏi vẫn trầy trật mới xin được việc làm mà phải dùng đến cử tuyển vừa cho chất lượng không cao vừa lãng phí nguồn ngân sách vốn đã eo hẹp của địa phương”, ông Hưng nói. “Trước đây mỗi năm tỉnh Yên Bái cử đi 60 - 70 người, chi phí 3 - 4 tỉ đồng/năm nhưng khi các em về thì rất khó bố trí công việc. Vì thế gần đây tỉnh rất dè dặt khi xét chỉ tiêu cử tuyển, chỉ khoảng trên dưới chục người/năm. Đã đến lúc thay đổi chính sách cử tuyển để việc đầu tư cho con người ở các tỉnh còn khó khăn như Yên Bái hiệu quả hơn”, ông Hưng cho biết.
Theo một chuyên gia thuộc Bộ GD-ĐT, từ nhiều năm nay các bộ, ngành và địa phương đã nhìn thấy sự lãng phí trong chính sách cử tuyển nên Chính phủ, Bộ và các cơ quan ngang Bộ liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để bàn bạc tìm kiếm giải pháp. Mục tiêu của Nghị định 134 là tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức cho các địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số và địa bàn khó khăn. Nhưng thực tế các địa phương hiện nay không còn thiếu cán bộ nữa, ngay cả cấp xã có hơn 20 chức danh hưởng lương và phụ cấp cũng hầu như đã đủ. Ngạch viên chức chủ yếu bố trí làm việc ở 2 ngành y tế và giáo dục. Giờ chỉ có ngành y tế là còn thiếu. “Ngồi ngoài hành lang nói chuyện với nhau thì ai cũng bảo không cần nữa, đến khi vào cuộc họp chính thức thì không ai dám nói. Thành thử vẫn phải thực hiện Nghị định 134. Chính sách ưu đãi đồng bào dân tộc, vùng miền khó khăn thì giữ nhưng thay mục tiêu đào tạo cán bộ, công chức, viên chức thành nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, chuyên gia này nhận xét.
Ý kiến
“Với đồng bào dân tộc ở nhiều nơi, nếu không có chính sách cử tuyển thì không bao giờ con em họ có cơ hội được học ĐH. Nhưng nên chọn lọc ngành nghề và thu hẹp đối tượng, chứ không nên tràn lan như hiện nay. Đặc biệt địa phương phải có cam kết sử dụng cán bộ. Sau một năm không bố trí được thì phải tạm ngừng cho đến ngừng hẳn”.
Giáo sư Đặng Kim Vui 
(Giám đốc ĐH Thái Nguyên)
“Yên Bái bắt đầu thực hiện liên kết đào tạo để giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ. Đây là một cách làm gợi ý thay thế cho chính sách cử tuyển đối với ngành y rất hay. Nhưng hình thức này chỉ áp dụng được với những ngành nghề hấp dẫn, một số ngành nghề khác thì vẫn cần cử tuyển, ví dụ nghệ thuật dân tộc hoặc nghiên cứu văn hóa địa phương, nhưng số lượng hết sức hạn chế”.
Trần Xuân Hưng 
(Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái)
“Ủy ban Dân tộc hiện đang phối hợp với Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thành lập Học viện Dân tộc. Ngoài việc thực hiện nghiên cứu chiến lược công tác dân tộc, học viện cần tập trung mở những khóa đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số để tạo nguồn đầu vào, đào tạo đa ngành ở bậc ĐH cho con em các dân tộc thiểu số để tạo nguồn nhân lực”.
Phan Hồng Thủy
(Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc)
Còn nhiều bất cập
Trả lời Báo Thanh Niên chiều 27.1, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: “Chính sách cử tuyển nhằm tạo điều kiện để học sinh vùng miền núi, dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận, được đào tạo chuyên nghiệp và tạo nguồn lao động tại địa phương. Tuy nhiên, hiện còn một số bất cập: Chất lượng đầu vào còn hạn chế, giải quyết bố trí việc làm sau tốt nghiệp khó khăn (hạn chế biên chế), khó khăn trong việc bố trí việc làm giữa người tốt nghiệp hệ cử tuyển và người thi đậu các trường chuyên nghiệp”. Tuy nhiên, theo bà Phụng, chính sách cử tuyển phải tồn tại để tiếp tục hỗ trợ công tác cán bộ tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, đào tạo cán bộ tại chỗ khi các chính sách thu hút đều không thể thực hiện. Song song với chính sách cử tuyển, Bộ GD-ĐT xây dựng nhiều chính sách tuyển sinh, đào tạo nhằm tạo nguồn cán bộ có đủ năng lực để học tập và tốt nghiệp để phục vụ các vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Bà Phụng cho biết những năm gần đây số học sinh chính sách cử tuyển theo đặt hàng của các địa phương có giảm, cụ thể năm 2014: 1.400 chỉ tiêu; 2015: 470 chỉ tiêu. Bộ LĐ-TB-XH xác định chỉ tiêu học sinh cử tuyển học các trường nghề, Bộ GD-ĐT xác định chỉ tiêu ở trường TCCN, CĐ, ĐH trên cơ sở đề nghị nhu cầu nhân lực của các địa phương.
Theo đại diện của bộ này, báo cáo của các địa phương tại hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định 134, số sinh viên tốt nghiệp được bố trí việc làm là 62,2% và TCCN là 95%!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.