Lãng phí chất xám

29/10/2022 06:03 GMT+7

Nhiều cảm xúc khác nhau trước thông tin lương tiến sĩ học nước ngoài về chỉ có 6 triệu đồng/tháng.

Có người ngỡ ngàng nhưng cũng không ít người “bình thản” vì đây là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Câu chuyện này một lần nữa đặt ra vấn đề lương và chính sách tiền lương vô cùng bất cập, không tương xứng với trình độ và chi phí đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực. Từ đó dẫn đến lãng phí chất xám.

Hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc trong 2 năm qua theo phân tích của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, là hiện tượng không bình thường mà nguyên nhân có vấn đề về lương. Thực tế cũng đã chứng minh điều đó khi lương của một giáo viên mới ra trường, theo tính toán, còn thấp hơn mức hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Đây là điều không thể chấp nhận nhưng lâu nay vẫn tồn tại. Chính vì điều này mà kể cả những thành phố lớn hiện cũng không tuyển được giáo viên tiếng Anh khi sinh viên tốt nghiệp ngành này ra ngoài làm lương gấp mấy lần đi dạy mà không quá nhiều áp lực.

Do cơ chế và những ràng buộc về ngạch, bậc nên hiện nay một tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài được nhận vào trường đại học công chưa tự chủ về tài chính, mức lương cũng chỉ dao động khoảng 6 - 7 triệu đồng. Tất nhiên, ngoài lương, giảng viên còn có thể kiếm thêm thu nhập từ những khoản khác như tiền dạy vượt giờ, nghiên cứu khoa học, dạy thêm bên ngoài… Nhưng không phải nơi nào và lúc nào các giảng viên cũng thực hiện được điều này. Trong khi đó, cũng bằng cấp này, nếu hợp đồng với các trường tư, tùy theo thỏa thuận, lương có thể trong khoảng 20 triệu đồng trở lên. Sự chênh lệch này khiến hiện nay nhiều người được đào tạo ở nước ngoài, nếu không phải ràng buộc thời gian phục vụ, họ sẵn sàng “đầu quân” về trường tư để có thu nhập tương xứng với trình độ, bằng cấp và mức đầu tư.

Tình trạng này cũng tương tự ở lĩnh vực y tế. Học phí các trường y khoa hiện nay đều tăng, tính ra một khóa học có khi lên đến hàng tỉ đồng nhưng ra trường lương bác sĩ khởi điểm cũng 3 - 4 triệu đồng/tháng mà còn vô số áp lực, nguy cơ hiện hữu. Điều này dẫn đến 2 hậu quả nghiêm trọng đang diễn ra trong ngành y tế: Một mặt sinh viên giỏi không còn quá mặn mà nỗ lực thi vào trường y. Trong khi đó hàng loạt nhân viên y tế cũng bỏ việc hoặc chuyển sang hệ thống tư.

Tất nhiên không nên phân biệt công tư vì ở đâu cũng là phục vụ và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, giáo dục, y tế là 2 lĩnh vực hết sức đặc thù khi hệ thống công chủ yếu để phục vụ cho số đông, cho người nghèo. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến người nghèo thiệt thòi khi không có cơ hội tiếp cận với nguồn nhân lực giỏi, có chất lượng. Nhà nước lại không sử dụng hiệu quả nguồn lực này dù đã nỗ lực đầu tư. Đây chính là sự lãng phí chất xám vô cùng lớn.

Câu chuyện giáo viên, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua khi nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh cử tri mong muốn sớm tăng lương từ 1.1.2023. Thậm chí có ý kiến cho rằng vấn đề cải cách tiền lương và phụ cấp của nhà giáo, nhân viên y tế là hết sức khẩn cấp.

Cải cách tiền lương cần sớm thay đổi để không còn những so sánh chua xót, đau lòng rằng lương của tiến sĩ còn thấp hơn người làm nghề phổ thông, không cần bằng cấp, không cần đầu tư quá nhiều chi phí đào tạo… Thực tế này không những vô lý mà còn là một biểu hiện của sự lãng phí vô cùng lớn trong đầu tư và sử dụng chất xám.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.