Làng nhiễm độc chì

17/07/2017 10:02 GMT+7

Sức khỏe người dân bị ảnh hưởng, hoa màu, vật nuôi chết dần... là những gì xảy ra tại làng An Tri, xã Bình Trung (H.Cao Lộc, Lạng Sơn) từ nhiều năm qua.

Nhiều người dân cho rằng thực trạng trên xảy ra sau khi Nhà máy chế biến chì thỏi (ở làng An Tri) của Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ đi vào hoạt động từ năm 2009, công suất 10.000 tấn/năm.
Trâu bò chết, cây cối lụi tàn
Đầu tháng 7, chúng tôi đến làng An Tri để ghi nhận. Theo ông Tăng Túng Khìn (62 tuổi), nhà ông có 2 trang trại rộng hàng chục héc ta, trồng cây và chăn thả gia súc, nằm phía sau Nhà máy chế biến chì thỏi. “Hằng năm, 2 trang trại cho thu nhập hơn 100 triệu đồng từ đàn dê và trên dưới 80 triệu đồng từ bán rau bò khai... Nhưng từ khi bị ảnh hưởng bởi khói bụi, khí thải của nhà máy chì và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, cây cối cứ lụi dần; đàn gia súc cũng không thể sinh sản... Gia đình phải bán tống bán tháo để thu hồi vốn”, ông Khìn bức xúc.
Gần trang trại ông Khìn là vườn hồng hàng trăm gốc của ông Phan Trung Thủy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Thủy cho biết, chỉ 2 - 3 ngày sau khi nhà máy có đợt xả khói màu vàng đục là cả trăm gốc hồng bị khói “táp” xém lá, héo ngọn. “Trâu bò, vật nuôi mà chăn thả, uống nước gần khu vực nhà máy thì tự nhiên lăn ra chết không rõ nguyên nhân…”, ông Thủy nói.
Ông Lưu Văn Kiệu (60 tuổi), nhà nằm trên ngọn đồi, chỉ tay vào những vạt đồi trồng hồi phủ kín khói, bụi chì, giọng buồn rầu: “Năm nay gia đình lại mất mùa hồi. Dân chúng tôi nhiều người từng làm công nhân trong nhà máy chì thỏi nên nắm rõ từ nhiều năm qua, trong quá trình sản xuất chì, nhà máy sử dụng lượng lớn hóa chất độc hại; khí thải, khói bụi, nước thải xả vô tội vạ”.
Bức xúc, dân làng An Tri đã làm đơn gửi lên xã, huyện, rồi cả kiến nghị trong những lần đại biểu QH tiếp xúc cử tri… nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Hàm lượng chì trong máu vượt mức cho phép
Theo ông Kiệu, ông và các thành viên trong gia đình cùng nhiều người dân làng An Tri có chung triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, tức ngực khó thở kèm theo cơn ho dài, mệt mỏi… Tình trạng này kéo dài từ năm 2010 tới nay.
Lo ngại, dân làng An Tri cùng quyên góp tiền, mời Viện 69, thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, về lấy mẫu xét nghiệm vào tháng 3.2017. Kết quả xét nghiệm mẫu máu do viện này thực hiện cho thấy 172 người dân (trong số hơn 300 nhân khẩu) ở làng An Tri có hàm lượng chì trong máu cao hơn 10 µg/dL.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Anh, cán bộ Trạm y tế xã Bình Trung, cho hay: Theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng chì (Pb) trong máu người bình thường dưới 10 µg/dL, lý tưởng là 0 µg/dL. Nếu cao hơn 10 µg/dL thì người đó bị nhiễm độc chì.
Đáng chú ý có hai bố con anh Vy Văn Thương (34 tuổi, nhà đối diện cổng Nhà máy chế biến chì thỏi) và con gái Vy Ngọc Hảo (7 tuổi) cùng nhiễm độc chì nặng. Anh Thương có hàm lượng chì trong máu là 103,47 µg/dL (gấp hơn 10 lần cho phép); con gái anh là 71,39 µg/dL (vượt hơn 7 lần cho phép).
Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Thàng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Trung, xác nhận trong ngày Viện 69 về địa phương lấy mẫu máu, ông cũng có mặt tham gia giám sát và chỉ đạo lực lượng giữ gìn an ninh trật tự.
 
Nhiều vi phạm
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 2.3.2017, Sở TN-MT tỉnh Lạng Sơn thành lập tổ kiểm tra việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực tài nguyên nước, bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ. Tuy nhiên, thời điểm tổ kiểm tra đến kiểm tra, Nhà máy chì thỏi đột nhiên “mất điện", khiến tổ kiểm tra không thể đo chính xác mức độ ảnh hưởng của khí thải lò khi qua ống khói thải ra môi trường.
Tổ kiểm tra còn phát hiện hồ chứa nước thải sản xuất không có lớp vật liệu chống thấm, không có thiết bị đo lưu lượng nước thải sản xuất, không có sổ vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của nhà máy. Chất thải rắn nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất lưu giữ trong nhà kho không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật quy định. Đáng lưu ý, nhà máy chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Trong biên bản, tổ kiểm tra yêu cầu phía công ty khẩn trương khắc phục các vi phạm. Tuy nhiên tới nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó giám đốc Sở TN-MT Lạng Sơn, cho biết hằng năm Sở đều chỉ đạo kiểm tra công ty này, nhưng qua kiểm tra đều không phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường (?!). Khi PV nhắc tới 172 người làng An Tri nhiễm chì, ông Duyệt cho rằng kết quả xét nghiệm của Viện 69 không có tính pháp lý. Sở đã mời một đơn vị có chuyên môn lấy mẫu máu người dân làng An Tri xét nghiệm để làm sáng tỏ mức độ nhiễm chì trong máu. Tuy nhiên khi nào công bố kết quả xét nghiệm thì ông Duyệt không cung cấp.
Trả lời PV Thanh Niên, bà Lương Tố Loan, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ, cho biết công ty có nhận được giấy mời tham gia buổi lấy mẫu máu xét nghiệm của Viện 69, nhưng do bận việc nên không thể cử người tham gia và vì thế “không công nhận kết quả này”. Về những sai phạm do Sở TN-MT kết luận, bà Loan cho hay đơn vị đang khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.