Làng nghề bánh tráng đón tết

20/01/2015 09:10 GMT+7

Tết này, người dân làng nghề bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) rộn ràng niềm vui khi những đơn hàng liên tiếp được gửi về.

Tết này, người dân làng nghề bánh tráng cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) rộn ràng niềm vui khi những đơn hàng liên tiếp được gửi về.

Làng nghề bánh tráng đón tết
Nghề bánh tráng ở xứ cù lao Mây - Ảnh: Lập Chương
Tiếng lành đồn xa
Hằng năm, cứ vào giữa tháng 11 âm lịch, làng nghề bánh tráng cù lao Mây lại nhộn nhịp vào vụ làm ăn. Để có hàng kịp giao cho khách, hầu như lò bánh nào cũng làm việc trước hừng đông, người nhóm lò, người khuấy bột, chuẩn bị vỉ phơi... Trời vừa rạng sáng là thợ bắt đầu tráng bánh cho tới nắng xế. Trung bình cứ 2 lao động tráng, phơi được 400 - 500 bánh/ngày, còn thợ giỏi có thể làm đến 700 - 800 bánh/ngày.
Anh Lương Văn Thống, Chủ nhiệm HTX làng nghề bánh tráng cù lao Mây, khoe anh mới bán được đơn hàng 4 thiên (4.000 cái) bánh tráng ngọt cho một Việt kiều mang sang Mỹ. “Dịp cuối năm nào cũng có bà con Việt kiều đặt bánh mang đi làm quà, nhưng mỗi đơn hàng cũng chỉ vài trăm bánh chớ đâu có được một lần mấy thiên như năm nay. Vậy là bánh tráng cù lao mình được tiếng lành đồn xa rồi”, anh Thống nói.
Theo bà Sáu Nhan (Nguyễn Thị Nhan, 73 tuổi), một người làm bánh lâu năm của làng nghề, bí quyết tráng bánh khéo là chọn loại gạo dẻo, xay bột thiệt nhuyễn, tẻ nước kỹ... “Lấy 5 kg muối hột hòa vào nước, lược kỹ rồi cất trong hũ sành để xài từ từ. Quậy nước muối với bột càng lâu thì bánh tráng càng dai, không bị lủng lỗ”, bà Sáu Nhan nói. Được biết 14 tuổi bà Sáu Nhan đã tập tành tráng bánh cùng mấy chị và đến năm 17 tuổi trở thành thợ rành nghề. Công việc thường cần đến 2 người nhưng một tay bà Sáu Nhan vẫn có thể tự tráng và phơi bánh. Bánh làm ra luôn mịn màng, tròn, dày, không bị lủng lỗ nên nổi tiếng nhất làng thời đó. Rồi bà Sáu Nhan lập gia đình, mang theo nghề tráng bánh về Ngãi Tứ, truyền lại cho chị em bên chồng mấy mươi năm qua. Giờ đây nghề này ngày càng được nhiều người biết tới.
Làng nghề hội nhập
Xã Lục Sĩ Thành vốn là xứ vườn, không có ruộng lúa nhưng từ bao đời nay, người dân ở đây luôn biết chọn gạo ngon từ các giống lúa mùa để xay bột làm bánh. Theo các nghệ nhân cao niên, nghề tráng bánh này là của ông bà xưa truyền lại. Hồi đầu, người ta chỉ tráng bánh dày, phơi dẻo để cung cấp cho dân bán hủ tíu, bánh mỏng hơn bán cho mấy lò làm kẹo đậu phộng, còn bánh nem thì dùng để cuốn đồ ăn. Ngày nay, do nhu cầu tiêu dùng phong phú nên bánh tráng của làng nghề cũng đa dạng theo: bánh nem, bánh nhúng, bánh ngọt, bánh cay... Bà Nguyễn Thị Lùng (Tư Lùng) nói bà biết tráng bánh từ khi 15 tuổi. Hơn 40 năm qua, ngày nào bà cũng đều đặn cho ra lò từ 400 - 500 bánh. Năm nay, bà có sáng kiến làm bánh tráng cay (bánh mặn có trộn ớt và gia vị) và bánh tráng khóm (ngâm bột với khóm xay nhuyễn để bánh có độ trong, dai hơn) được người tiêu dùng ưa thích. “Sắp tới, tui sẽ nhờ HTX hỗ trợ làm nhãn hiệu “Bánh tráng Tư Lùng”, có bao bì đóng gói sản phẩm đàng hoàng”, bà Tư Lùng cho biết.
Làm bánh tráng vốn là “nghề lận lưng” của cư dân Việt. Nếu tính từ thời chúa Nguyễn lạc đến xứ cù lao này dựng ấp cũng ngót nghét hơn 2 thế kỷ. Trải qua biết bao thăng trầm, làng nghề bánh tráng cù lao Mây vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Trước thời buổi kinh tế thị trường, làng nghề lâu đời này cũng vươn mình hội nhập. Năm 2009, làng nghề bánh tráng cù lao Mây được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống. Đến năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ VN đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Làng nghề bánh tráng cù lao Mây”, với 71 thành viên. Năm 2011, HTX làng nghề bánh tráng cù lao Mây ra đời, với 14 thành viên. Để giúp HTX hoàn thiện khâu sản xuất, mới đây, Viện Năng suất xanh VN tặng cho HTX 12 chiếc máy ép chân không. “Chỉ còn công đoạn này là chúng tôi sẽ hoàn thiện sản phẩm và có thể ký hợp đồng cung cấp bánh tráng cho siêu thị Co.opmart Vĩnh Long trong năm nay”, anh Thống cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.