Làng lư đồng ở TPHCM hơn 100 năm luôn tâm niệm ‘giữ lửa’ bàn thờ gia tiên

21/01/2023 07:08 GMT+7

Dù có các nhà xưởng sản xuất công nghiệp đúc lư đồng ra đời, nhưng làng nghề lư đồng An Hội với bàn tay thủ công của người dân vẫn ‘giữ lửa’ hơn 100 năm qua 3 thế hệ.

Làng nghề lư đồng An Hội nằm trên đường Nguyễn Duy Cung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) với nhiều cửa hàng nằm rải rác. Từ hơn chục hộ làm nghề, đến nay chỉ còn lại 4 hộ còn đỏ lửa. Từ suốt đầu tháng chạp đến giờ, hộ nào cũng hối hả để kịp hàng đặt cho dịp năm mới sắp bước sang.

Giữ lửa nghề truyền thống

Ngày về làm dâu ở làng lư đồng An Hội, bà Phạm Thị Liên (63 tuổi, chủ lò lư Ba Cồ) có nhiều thời gian để quan sát ba chồng làm lư đồng. Năm 29 tuổi, vợ chồng bà được ba chồng truyền nghề với niềm hy vọng lưu giữ truyền thống làng nghề.

Qua 9 công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay của người thợ mới "thổi hồn" được vào từng bộ lư đồng

vũ phượng

Vài năm trước, chồng bà mất, bà tiếp tục cùng 2 con trai duy trì hoạt động của cơ sở. Với diện tích đất rộng, nhiều mối quen, lò lư Ba Cồ tạo công ăn việc làm cho hơn 10 người địa phương. Không như các công việc khác, những người gắn bó với công việc này đến nay đa phần đều trên 20 năm kinh nghiệm.

“Tôi thấy nghề này được cha chồng để lại, giúp mình thờ phụng tổ tiên, lưu giữ hơi ấm trên bàn thờ mỗi gia đình nên đặt tâm vào để làm. Giờ đây, tạo được việc làm cho những người xung quanh, 2 con trai cũng theo nghề, cứ lấy đó làm động lực để duy trì nghề”, bà Liên chia sẻ.

Chủ lò lư Ba Cồ cho biết đến nay gia đình bà đã có đời thứ ba nối nghiệp gia đình

vũ phượng

“Bộ lư đồng trên bàn thờ gia tiên mỗi gia đình thường được lưu truyền qua 2 – 3 đời, mỗi dịp tết đến chỉ cần đánh bóng. Vậy người sản xuất lư đồng bán cho ai?”, người viết hỏi. “Đó là những thành viên trong một gia đình khi chuyển ra ở riêng, có căn nhà riêng muốn lập bàn thờ gia tiên để thắp nhang, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Chúng tôi bán được là nhờ vậy”, chủ lò lư đồng đáp.

Với sự phát triển của công nghiệp, bà Liên tâm sự, làm nghề truyền thống ngày nay cũng gặp đôi chút khó khăn. Không so kịp với tốc độ ở các xưởng sản xuất lư đồng công nghiệp, các lò lư truyền thống thường mất đến gần 1 tháng mới hoàn thành được đợt lư đồng mới. Nhưng đổi lại, mỗi bộ lư truyền thống sẽ có một hồn riêng bởi bàn tay người thợ.

Lư đồng truyền thống qua nhiều công đoạn thủ công, chất lượng sản phẩm tùy thuộc bàn tay người thợ

vũ phượng

“Lư đồng ở các nhà máy có khuôn, 1.000 bộ sẽ giống nhau hết cả. Còn lư đồng truyền thống thì làm khuôn đất bằng tay nên khác nhau. Khi nào người thợ có nỗi niềm gì đó là nhìn bộ lư ra không sắc sảo như khi họ vui vẻ liền. Với những bộ lư lỗi, thì phải nấu cho đồng chảy ra rồi làm lại từ đầu”, bà chủ lò lư nói.

5 năm trước, lư đồng khan hàng, nhân công của lò lư Ba Cồ phải tăng ca làm đêm. Mấy năm trở lại đây, lư đồng bán chậm hơn, công việc có phần chững lại. Nhưng 2 - 3 tháng trước tết vẫn là thời điểm bận rộn nhất trong năm.

Tất cả công việc của năm cũ sẽ hoàn thành trước ngày 20 tháng chạp, sau đó là thời gian dọn dẹp. Dù bận rộn đến mấy, ngày 25 tháng chạp, mọi người sẽ cùng tập trung tại nơi làm việc để cúng tổ nghề lư đồng, sau đó tất niên.

Những người gắn bó với công việc này đa phần đều trên 40 tuổi

vũ phượng

Nuôi cả gia đình

Theo bà Liên, vì gia đình có sẵn đất rộng nên gia đình mới có thể duy trì được nghề qua 3 đời, đủ kiếm chén cơm manh áo. Với nghề này, nếu cần phải thuê mặt bằng thì e rằng chi phí sẽ không lo nổi vì giá mặt bằng mỗi ngày một cao.

Mỗi người một công đoạn, ai cũng tập trung cao độ

vũ phượng

Mỗi bộ lư truyền thống từ lò ra các đại lý phân phối có giá từ 6 triệu đồng, với khách lẻ thường tự đặt bộ lư lên đến chục triệu hoặc cao hơn, yêu cầu độ tinh xảo cao hơn. “Trước dịch, khách du lịch Tây, ta ghé đến thăm nhiều, tôi tiếp khách mà mệt luôn. Nhưng dù sao vẫn muốn giới thiệu nghề truyền thống này đến đông đảo mọi người nên vẫn cho mọi người tham quan, trải nghiệm làm thử”, bà cho hay.

Bà Thủy (50 tuổi), cũng có 30 năm gắn bó với nghề làm lư đồng truyền thống thì kể, bà là người ở làng nghề nên bén duyên với nghề từ đâu cũng không rõ. Chỉ biết rằng, công việc này giúp bà có thể sắp xếp thời gian vừa lo việc nhà, vừa đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Từ tháng 10 âm lịch đến tết là thời điểm cao điểm của nghề làm lư đồng

vũ phượng

Mỗi bộ lư sẽ mang một "thần sắc" khác nhau

vũ phượng

Bà chia sẻ: “Từ tháng 10 âm tới tết là cao điểm, làm liên tục, hàng nhiều thì 19 giờ về. Ngày trước ở làng này nhiều xưởng làm lư đồng lắm nên tôi không đi làm công nhân mà chỉ làm nghề này, như kiểu ở đâu quen đó, làm gì quen đó vậy”.

Ông Trần Thanh Long (48 tuổi) làm nghề gần 30 năm cũng cho biết, là người sinh ra, lớn lên ở làng làm lư đồng An Hội, ông bắt đầu vào làm ở công đoạn nấu đồng từ thời còn thanh niên.

Làng nhang ngoại ô TP.HCM ngày giáp tết: Mỗi ngày sản xuất cả ngàn thiên

Mỗi bộ lư đồng được bán ra thị trường với giá từ 6 triệu đồng

vũ phượng

Theo ông Long, ngày trước ở làng lư đồng An Hội nhiều người theo nghề, từ thế hệ trước ông, đến ông. Nhưng lớp trẻ ngày nay có điều kiện ăn học, nhiều cơ hội việc làm hơn nên hiếm ai theo nghề. Trong những lò lư đa phần đều là người trên 40 tuổi “giữ lửa”…

Nghề đánh bóng lư đồng vào mùa, kiếm bộn tiền trước Tết
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.