Lăng kính bạn đọc: 'Cấp cứu' môi trường

15/12/2019 06:47 GMT+7

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng tác nhân gây ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội chủ yếu đến từ các nguồn thải nhân tạo từ hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp...

Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội những ngày qua lên tới mức kịch khung - màu nâu - rất nguy hiểm cho sức khỏe con người, khiến người dân lo lắng.
Như Thanh Niên thông tin, liên tục gần 1 tuần qua, chỉ số không khí (chỉ số AQI) mà ứng dụng Air Visual đo được tại 2 TP lớn nhất nước luôn ở ngưỡng từ xấu đến cực kỳ nguy hại, đặc biệt là ở Hà Nội.
Cụ thể,6 giờ ngày 12.12, ứng dụng Air Visual ghi nhận mức chỉ số AQI tại Hà Nội lên tới ngưỡng 246 - mức màu tím (mức nguy hại cho sức khỏe con người). Với mức tăng cao kỷ lục này, Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách 10 TP có chỉ số ô nhiễm cao nhất toàn cầu. Nhưng “kỷ lục” này nhanh chóng bị xô đổ khi vào 6 giờ 15 ngày 13.12, chỉ số AQI tại Hà Nội là 361, chuyển sang khung màu nâu - cực nguy hại. Hà Nội đã vượt qua Dhaka (Bangladesh) và Sarajevo (Bosnia Herzegovina), trở thành TP có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu, theo bảng xếp hạng của Air Visual.

Quá khủng khiếp

Những thông tin ô nhiễm không khí lập tức gây chú ý với bạn đọc (BĐ). Hầu hết tỏ ra lo lắng trước tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. “Trước giờ tôi không nghĩ Hà Nội lại bị ô nhiễm đến mức hàng top như vậy, cứ nghĩ là những TP nào đó của Trung Quốc, hoặc các TP có khu công nghiệp phát triển khác, không nghĩ là Hà Nội. Thật đáng lo ngại”, BĐ Thành (TP.HCM) bày tỏ.

Khủng khiếp quá! Đứng nhất cái này chả vui vẻ gì. Nhưng sao chưa thấy cơ quan chức năng có biện pháp cụ thể gì để giảm ô nhiễm vậy?

Nguyễn Đức (Đà Nẵng)

“Quá khủng khiếp. Tôi cực kỳ lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình. Mong các cơ quan chức năng có giải pháp để giải quyết tình trạng này”, BĐ Trung Nghĩa (Hà Nội) nêu ý kiến.
“Tình trạng ô nhiễm thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Mong rằng các cơ quan nhà nước nhanh chóng nhập cuộc và có biện pháp xử lý”, BĐ Minh Hy (TP.HCM) đề nghị.

Nhìn thẳng sự thật để có giải pháp

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng tác nhân gây ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội chủ yếu đến từ các nguồn thải nhân tạo từ hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp... diễn ra thường xuyên nên lượng phát thải mang tính liên tục. Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn. Chưa kể, tình trạng người dân ở miền Bắc có thói quen đốt phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, góp phần gia tăng lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí. Lý giải thêm, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khí hậu. Nếu thời tiết có nhiều nắng, gió thì bụi mịn được phát tán trên phạm vi rộng; nhưng vào thời điểm giao mùa, đầu đông, không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm tích tụ, gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào sáng sớm, gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
Tuy nhiên, nhiều BĐ không đồng tình hoàn toàn với cách lý giải trên. “Ô nhiễm đã ở mức như vậy mà chẳng thấy cơ quan chức năng có giải pháp gì để cải thiện môi trường. Đề nghị TP cấp thiết có biện pháp khắc phục trước mắt cũng như những giải pháp lâu dài, chứ không thể phó mặc chờ thời tiết tốt lên để cải thiện tình trạng được”, BĐ Như Mỹ (Hà Nội) gay gắt.
Cùng quan điểm, BĐ Lê Huy Cần (Hà Nội) ý kiến: “Chỉ vài tháng trước có số liệu Hà Nội đứng trong top 10 TP ô nhiễm không khí nhất toàn cầu, một số cơ quan chức năng đã phản đối cho rằng số liệu chỉ tham khảo! Nay số liệu này đã thuyết phục. Rất mong cơ quan bộ ngành chức năng cần phân tích nguyên nhân, trong đó cần loại trừ dân đốt rơm rạ và đun than tổ ong, vì nếu có thì đó là nguyên nhân rất nhỏ; đồng thời đưa ra giải pháp khả thi như một số TP lớn trên thế giới đã làm”.

Các cơ quan nhà nước cần phải tiếp cận một cách toàn diện, tổng thể với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện việc “cấp cứu” môi trường không chỉ hai TP lớn đâu mà còn nhiều nơi trên cả nước.

Trịnh Cường (Đồng Nai)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.