Làng gốm cổ Hội An đón danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Mạnh Cường
Mạnh Cường
07/08/2022 20:19 GMT+7

Làng gốm cổ hơn 500 tuổi ở TP.Hội An (Quảng Nam) vừa đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chiều 7.8, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết làng gốm cổ 500 tuổi Thanh Hà vừa đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

“Danh hiệu đáng lẽ đón vào ngày 7.8.2019, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đành hoãn không đón suốt 2 năm nay. Hôm nay 7.8, nhân ngày giỗ tổ nghề gốm nên địa phương đã tổ chức để đón nhận”, ông Lanh nói.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An (trái), trao bằng chứng nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghệ nhân làng gốm Thanh Hà

c.x

Theo ông Lanh, danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là sự tôn vinh và đánh giá cao về giá trị, ý nghĩa của di sản nghề gốm Thanh Hà. Đồng thời, ghi nhận công lao gìn giữ, lưu truyền và phải nói là các nghệ nhân đã rất kỳ công để bảo tồn nghề gốm không bị mai một, thậm chí phát huy rất tốt.

“Việc công nhận danh hiệu này làm cho người dân Thanh Hà nói riêng và TP.Hội An nói chung thêm một lần nữa có niềm tự hào và ý thức trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ di sản này, để tiếp tục sáng tạo những giá trị mới”, ông Lanh chia sẻ.

Nghề gốm Thanh Hà sẽ là trụ cột

Cũng theo ông Lanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thành phố đang hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Thành phố sáng tạo toàn cầu của Hội An chọn chủ đề nghề thủ công và văn nghệ dân gian.

Vì vậy, với tư cách là một Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nghề gốm Thanh Hà sẽ là một trụ cột quan trọng để thực hiện thành phố sáng tạo.

Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà đang tạo ra sản phẩm trên bàn xoay

mạnh cường

Trong khi đó, một lãnh đạo P.Thanh Hà cho biết dịp giỗ tổ nghề gốm năm nay đặc biệt hơn khi lượng khách du lịch đã quay trở lại, nhiều cơ sở gốm đã đỏ lửa, tái hoạt động.

Giỗ tổ nghề gốm được tổ chức hằng năm vào ngày 10.7 âm lịch, năm nay nhằm ngày 7.8 dương lịch. Truyền thống này được người dân ở làng Thanh Hà duy trì hàng trăm năm qua, không chỉ là một nghi thức tín ngưỡng tinh thần mà còn quảng bá, thu hút du khách đến Hội An.

Lễ giỗ tổ nghề gốm Thanh Hà năm nay được tổ chức tại Khu tổ miếu Nam Diêu với các hoạt động: cúng lễ túc, rước kiệu tổ nghề gốm từ khu miếu Lùm Bà Dàng về khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu, cách phố cổ Hội An 4 km.

Một sản phẩm được tạo ra tại làng gốm Thanh Hà

mạnh cường

Lễ chính diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính với phần tế lễ nhằm tạ ơn các bậc tiền hiền đã tạo dựng làng nghề và phù hộ cho dân làng bình an, làm ăn phát đạt.

Phần hội có nhiều hoạt động sôi nổi: đua thuyền trên sông Thu Bồn, thi kéo co, thi chế tác sản phẩm gốm, chuốt gốm, nặn con thổi, hát bài chòi, nấu cơm niêu... diễn ra từ sáng ngày 6.8 cho đến hết ngày hôm nay (7.8).

Làng gốm Thanh Hà có tuổi đời hơn 500 năm, khởi phát từ những người di cư vào Hội An và mang theo nghề làm gốm hồi thế kỷ 15. Đây là một trong những làng nghề cổ nằm trong vệt các làng nghề nổi danh một thời dọc hạ nguồn sông Thu Bồn, từ TX.Điện Bàn (Quảng Nam) về phố cổ Hội An.

Một du khách nhí đến từ TP.HCM thích thú khi trực tiếp tham gia tạo sản phẩm từ gốm Thanh Hà

mạnh cường

Gốm Thanh Hà được làm từ đất sét, nhào nặn, chế tác hoàn toàn thủ công nên tạo ra chất gốm thô mộc đặc trưng.

Làng gốm cổ Thanh Hà luôn thường trực hơn 30 cơ sở đỏ lửa. Cao điểm, mỗi năm làng gốm này thu hút hơn nửa triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và là một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng của cả nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.