Làng địa ngục

02/08/2015 07:00 GMT+7

Thiên đàng nếu có thì cao xa, chỉ đến khi vĩnh biệt cõi trần may ra mới đến được; còn muốn biết “địa ngục” thế nào, xin mời đến Nhật Bản.

Thiên đàng nếu có thì cao xa, chỉ đến khi vĩnh biệt cõi trần may ra mới đến được; còn muốn biết “địa ngục” thế nào, xin mời đến Nhật Bản.
Phong cảnh tuyệt đẹp ở “Làng địa ngục”
Phong cảnh tuyệt đẹp ở “Làng địa ngục”
“Địa ngục trần gian”
Khái niệm “địa ngục trần gian” đúng theo nghĩa đen là để chỉ hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản lãnh hậu quả tan thương sau khi bị ném bom nguyên tử trong Thế chiến 2. Còn “địa ngục trần gian” trong bài viết này được hiểu theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen nhưng tuyệt nhiên không liên quan gì đến vũ khí hạt nhân. Nơi ấy có địa danh Beppu, một thành phố thuộc tỉnh Oita nằm trên đảo Kyushu, miền nam nước Nhật. Do kiến tạo của địa chất cùng với sự “cọ quậy” trong lòng địa cầu đã biến cả khu vực này chìm trong hơi khói và nước sôi phun ra từ lòng đất. Người ta ước tính ở Beppu hiện hữu gần 3.000 suối nước nóng (onsen) với lượng nước sôi trong lòng đất lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Vườn quốc gia Yellowstone thuộc bang Wyoming của nước Mỹ.
Onsen ở Beppu có 9 loại địa nhiệt khác nhau từ đó hình thành “9 địa ngục”. Tại sao gọi là địa ngục? Vì nước trên các miệng địa nhiệt này (hình thành giống cái ao) sôi sùng sục khoảng 90 - 100oC, tạo nên làn sương khói mịt mù. Với nhiệt độ này thì mọi thứ đều bị luộc chín. Nếu chẳng may rớt xuống đây, khi vớt lên, chắc chắn bạn sẽ biến thành... “con tôm luộc”. Còn nếu không vớt được thì có nghĩa bạn đã... xuống âm phủ để diện kiến... diêm vương.
Nói vui vậy thôi chứ tính đến nay chưa có du khách nào lọt mất hút xuống mấy cái “ao địa ngục” này. 9 địa ngục ở Beppu có 9 cái tên khác nhau, một trong số đó là “địa ngục máu” (Chinoikejigoku) vì có màu đỏ giống như máu, được tạo nên bởi những phản ứng hóa học tự nhiên với các thành tố ô xít sắt, ô xít ma nhê... Không phải 9 địa ngục ở đây đều có màu máu, vì còn có “địa ngục biển” (Umi Jigoku) với mặt hồ màu xanh nước biển giống như màu của những hồ nước mặn tự nhiên trên các rặng núi ở Tây Tạng vậy. Umi Jigoku vì thế trở thành địa ngục... đẹp nhất Beppu, với độ sâu 120 m. Beppu được ví như “địa ngục của thế giới”, thu hút hàng triệu du khách đến tham quan mỗi năm.
 
“Làng địa ngục” ở Beppu - Ảnh: Đoàn Xuân Hải
Địa ngục máu
Địa ngục biển
Quà tặng của diêm vương
Thoảng nhìn qua, Beppu trông không khác gì một khu công nghiệp thông thường với những cột khói trắng lan tỏa. Thực ra đó không phải khói thải công nghiệp từ các nhà máy hoặc lò luyện kim, mà là hơi nước từ lòng đất. Tận dụng món quà do “diêm vương” ban tặng, người dân Beppu đã biến “lãnh địa” của mình thành làng onsen với khá nhiều nhà tắm công cộng (sento) phục vụ cho cư dân bản địa và du khách. Ở một số điểm onsen thông thường khác trên thế giới, người ta sử dụng nước máy đun sôi rồi bơm vào bể tắm. Onsen ở Beppu khác hẳn, họ sử dụng đúng dòng nước nóng dưới “địa ngục” phun lên, do đó chất lượng trị liệu tốt hơn nhiều, rất bổ ích cho sức khỏe con người. Tắm onsen thường xuyên có thể điều trị bệnh thấp khớp, đau dây thần kinh, bệnh ngoài da...
Hầu hết các khách sạn ở Beppu đều có phòng tắm onsen. Để tăng thêm phần an tâm cho những du khách sợ tắm chung với người khác trong một hồ nước tù đọng mất vệ sinh, người Nhật đã cho nguồn nước chảy vào hồ và thoát đi liên tục tựa như dòng chảy của một con suối thiên nhiên, tạo sự thoải mái, sảng khoái vì luôn được tắm nguồn nước mới. Nhật Bản rất coi trọng nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng. Ví dụ như nước máy chẳng hạn, bạn có thể uống trực tiếp không cần đun sôi và an tâm không bị rối loạn tiêu hóa. Cả nước Nhật đều uống nước kiểu này.
Khi du lịch đến xứ Phù Tang, du khách phải biết điều này: sử dụng sento ở Nhật phải tuân theo nguyên tắc chung là, sau khi bước vào, bạn trút bỏ y phục cho vào một ô tủ có chìa khóa riêng. Bước tiếp theo bạn tắm gội sạch sẽ với dầu gội và xà phòng được cung cấp tại chỗ cạnh hồ onsen. Sau khi đã gột rửa bụi trần và bọt xà phòng, bạn mới được bước xuống hồ nước nóng trong tư thế... không mặc gì cả. Bạn cũng đừng ái ngại hay mắc cỡ bởi “tiết mục trần như nhộng” này, vì ai cũng như ai. Trong sento nam chỉ toàn đàn ông, sento nữ chỉ toàn quý bà quý cô với nhau mà thôi, không hề có sự lẫn lộn. Chỉ có điều người viết bài này chưa kịp tìm hiểu là người có giới tính thứ 3 sẽ tắm ở đâu?
“Tắm Tiên”
Ngày xưa, có dạo người Nhật cả nam lẫn nữ đều tắm onsen chung trên những dòng suối hoặc ao hồ lộ thiên. Tắm kiểu này cũng giống như đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc hoặc Tây nguyên của nước ta cùng nhau xuống suối tắm giặt sau một ngày lao động trên nương rẫy. Có người gọi đó là “tắm tiên”. Ở VN, vì là chuyện tế nhị nên “tiên ông” và “tiên bà” phải tắm ở 2 đoạn suối khác nhau. Tắm hơi cũng phải riêng biệt nam/nữ, không được trà trộn. Thế mà một vài nơi hiếm hoi ở châu Âu thậm chí còn mở cả dịch vụ tắm hơi chung phòng cho các cặp đôi như vợ chồng, tình nhân... Tuy nhiên tắm chung kiểu này cũng dễ phát sinh những hệ lụy tất yếu mà ai cũng dễ hình dung! Với một thông điệp rạch ròi: tắm hơi là phải “lành mạnh”, ngày nay, ở Nhật Bản, nam và nữ bắt buộc phải tắm onsen ở các sento riêng, vì nếu cho tắm chung thì, như đã nói, không biết... chuyện gì sẽ xảy ra!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.