Làng cổ Phước Tích - Kỳ 2: Sống bằng chữ nghĩa

14/04/2015 06:46 GMT+7

Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) không chỉ có nhà rường, nghề gốm mà còn nổi danh khắp xứ là làng hiếu học.

Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) không chỉ có nhà rường, nghề gốm mà còn nổi danh khắp xứ là làng hiếu học.
Văn Thánh, nơi thờ Khổng Tử được đặt trang trọng ngay đầu làng - Ảnh: Tuyết Khoa
Làng học giỏi hàng đầu xứ cố đô
Hiếm có một làng quê nào lại có miếu Văn Thánh như làng cổ Phước Tích. Miếu được đặt ngay đầu làng như lời nhắc nhở con cháu luôn phải chăm lo học hành, rèn đức luyện tài. Mỗi dịp lễ tết, dân làng lại ra làm lễ tại miếu với các nghi thức, lễ nghi như những tập tục của làng.
Tuy không nằm trong danh sách làng khoa bảng của VN, Phước Tích vẫn được biết là làng học giỏi hàng đầu xứ cố đô với câu ca: “Tú tài lấy triêng mà gạt/Cử nhân lấy trạc mà khiêng”. Dân làng giải thích, “triêng” là đòn gánh và “trạc” là dụng cụ khiêng đất, gồm một tấm đan bằng nan tre dày, buộc hai đòn tre hai bên, khi khiêng phải có 2 người, một người đi trước một người đi sau. Xưa khi đong lúa, người ta thường dùng cái ống tre để gạt phần lúa thừa trên cái thùng gỗ hay hộc gỗ. Ở Phước Tích, do người đỗ tú tài nhiều quá nên phải dùng đòn gánh thay cho ống tre để gạt. Cũng là chuyện xưa, làng nào có người đỗ cử nhân là vinh dự lớn, dân làng phải dùng kiệu để rước. Phước Tích có nhiều người đỗ cử nhân, không đủ kiệu nên phải thay bằng cái trạc để đi đón. Ở làng Phước Tích, nổi tiếng với nghề làm gốm, nhà nào cũng vài ba cái trạc khiêng đất đồng thời cũng để khiêng luôn cử nhân.
Theo sử sách còn lưu của làng, từ năm Thành Thái thứ 2 (1890), 11 ông thí sinh, khóa sinh trong làng làm đơn xin trưng đất ở, lập nên xóm Hội (tên chữ là Xuân Viên) nhằm cùng nhau tu chí học hành, dạy dỗ con em theo đường học vấn nên còn gọi là xóm Học. Trước đó, dưới thời vua Gia Long đã có cụ Nguyễn Văn Kham thi đỗ tú tài, là người phát khoa của làng, về sau làng có hơn 20 người thi đỗ tú tài, cử nhân, có người làm đến tri huyện, tri phủ, thị giảng học sĩ Hàn lâm viện... Điều này thể hiện rõ trong các ngôi nhà cổ, ở các bức hoành phi, câu đối, các đồ dùng đều có đề cập đến thân thế của chủ nhân và bạn bè hoặc việc xây dựng thờ phụng ở Văn Thánh của làng.
Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng làng cho biết: “Hiếu học là truyền thống của làng bao đời nay. Dân làng ai cũng đề cao việc học. Không chỉ xưa mà nay vẫn thế. Cả làng có 117 hộ với 327 người, không nhà nào để con em học dở dang. Đa số đều học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định”.
Nơi sản sinh 30 tiến sĩ
Nằm bên dòng Ô Lâu quanh năm phù sa bồi đắp nhưng làng cổ Phước Tích là làng duy nhất của xã Phong Hòa không có ruộng. Phước Tích vốn lấy nghề thủ công truyền thống làm kế sinh nhai. Nghề ấy là nghề gốm. Ngoài nghề truyền thống thì con cái luôn được cha mẹ hướng theo con đường học. Đặc biệt, từ khi nghề gốm lụi tàn, việc học càng được coi trọng. Dễ dàng nhận thấy trong những ngôi nhà nơi đây, đặc biệt là những ngôi nhà rường, chữ nghĩa hay những đạo lý ở đời được phủ đầy nhà bằng những câu đối, bức hoành phi… Sách vở cũng không ít. Vừa bước vào nhà, thoạt nhìn đã biết gia chủ rất “chữ nghĩa”.
Chị Lê Thị Kiều, người trong làng cho biết: “Con cái làng này ngoài việc phụ giúp việc nhà cho ba mẹ thì chỉ lo học. Phụ huynh nào cũng rất quan tâm theo dõi việc học của con mình. Như tui đây, ba đứa con cũng đã học ra trường đi làm, đã tự nuôi mình. Giờ chỉ còn hai vợ chồng ở nhà buôn bán nhỏ sống với nhau”.
Khi chúng tôi hỏi gia đình nào học giỏi nhất thì mới biết nhà nào cũng có con đi học, đỗ đạt. Theo ông Lê Trọng Đào, Hội trưởng Hội Khuyến học của làng, hiện nay làng có trên 30 tiến sĩ ở các lĩnh vực, còn cử nhân, thạc sĩ nhiều không kể hết. Hằng năm, 100% học sinh đều đỗ cấp 3 và khoảng 80% đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Các năm, Hội Khuyến học của làng luôn có danh sách học sinh giỏi, đỗ cao đẳng - đại học để khen thưởng, khuyến khích, động viên. Học sinh giỏi các năm luôn cao, chiếm khoảng 80% tổng số học sinh của làng. “Hiện nay, đa phần con em trong làng ra trường đều có công ăn việc làm. Chăm ngoan học giỏi là truyền thống bao đời nay của làng. Đó cũng là niềm tự hào của người dân trong làng. Việc khuyến khích học tập không chỉ được người dân hiện đang sống tại làng mà còn được hội đồng hương các nơi rất quan tâm. Hằng năm các hội đồng hương thường hỗ trợ quà, học bổng để tặng thưởng động viên những em học sinh giỏi hoặc khó khăn”, ông Đào cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.