Làng chiếu cói Lật Dương trước nguy cơ thất truyền

Lê Tân
Lê Tân
24/12/2018 09:38 GMT+7

Tác động của thị trường, sự thiếu hụt lao động và thiếu nguyên liệu đang khiến nghề dệt chiếu cói vốn nổi tiếng ở làng Lật Dương, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng lâm nguy và đứng trước nguy cơ thất truyền .

Về làng Lật Dương vào một ngày cuối năm, chúng tôi bất ngờ vì sự yên ả nơi đây. Chợ chiếu ở giữa làng vốn có tiếng là nhộn nhịp đã không còn. Hợp tác xã chiếu cói Lật Dương thì đóng kín cổng, không một bóng người. Hỏi về nơi làm chiếu, một người dân đứng nghĩ hồi lâu mới nói: “May ra còn có nhà ông Tân bà Nghìn còn dệt chiếu, có lẽ đó là nhà dệt chiếu cuối cùng”.
Chúng tôi tìm đến “nhà dệt chiếu cuối cùng” thì thấy ông Lưu Xuân Tân (78 tuổi) và bà Phạm Thị Nghìn (69 tuổi) vừa cặm cụi dệt chiếu, vừa trò chuyện với vài người lớn tuổi khác bế cháu nhỏ sang chơi. Thoăn thoắt đưa cói vào khung để chồng là ông Tân dệt thành chiếu, thấy chúng tôi, bà Nghìn ngẩng đầu lên, nói: “Chú quay phim chụp ảnh nhanh lên. Sắp hết cái để quay rồi, làng này nghỉ dệt chiếu hết rồi”.
Theo ông Tân, nghề dệt chiếu ở làng Lật Dương đã có hàng trăm năm và được công nhận là làng nghề từ năm 1999. Với nghề truyền thống này, người dân Lật Dương có thu nhập khá cao, sống sung túc hơn các làng khác. Có giai đoạn, doanh thu hàng năm của làng nghề đạt từ 10 - 12 tỉ đồng/năm.
“Độ 10 năm trước thì làng này nhộn nhịp lắm. Sáng dậy sớm cả làng rủ nhau đi cắt cói ở ngoài bãi sông rồi kéo về tước, phơi. Nhiều nhà còn thu gom cói ở Vinh Quang, Tiên Hưng (huyện Tiên Lãng) hoặc tận bên Thái Bình. Lúc ấy nhà nào cũng dệt chiếu, người lớn trẻ con đều làm, khí thế lắm”, ông Tân nói.
Bây giờ thì nghề dệt chiếu đìu hiu đến nao lòng. Nhà ông Tân, bà Nghìn thuộc diện nhàn rỗi nên cứ làm nghề cho vui. “Làm cho đỡ buồn thôi. Có việc khác thì lại đứng dậy. Ngày xưa 1 tiếng xong 1 lá chiếu, bây giờ có lúc cả sáng không xong”, bà Nghìn lắc đầu nói.
Rời nhà ông Tân, bà Nghìn, chúng tôi cố gắng tìm kiếm thêm một vài nhà dệt chiếu nữa mà không có. Chỉ thấy vài nhà đang in hoa văn lên chiếu thô đưa từ nơi khác về. Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Văn Tân (56 tuổi, cũng là một người dân Lật Dương) nói: “Thật buồn khi người Lật Dương phải nhập chiếu Thái Bình rồi tự tay in tên “chiếu Đậu Thái Bình” trên đất Lật Dương, nhưng biết làm sao được. Chiếu làng mình có mấy đâu”.
Khi được hỏi về nguyên nhân của việc mất nghề dệt chiếu, ông Phạm Văn Liên, Giám đốc Hợp tác xã chiếu cói Lật Dương, cho biết: “Nghề dệt chiếu ở Lật Dương đang lâm nguy do thiếu nguyên liệu và thiếu lao động”. Trước đây, cói được trồng nhiều, những năm 1990, 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (đều thuộc Hải Phòng) là vùng cói lớn của cả miền duyên hải Bắc bộ. Chỉ tính riêng nông trường Vinh Quang (huyện Tiên Lãng) và nông trường Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) đã có gần 2.000 ha đất trồng cói. Theo thời gian, cây cói bị phá bỏ để khoanh vùng nuôi trồng thuỷ sản và làm nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao. Để có cói dệt chiếu, người Lật Dương phải sang Thái Bình, Thanh Hóa tìm mua. Khó khăn vì nguyên liệu nên nhiều nhà bỏ nghề dệt.
Theo ông Liêm, nguyên liệu có giá thành cao khiến thu nhập giảm đi. “Một cân cói bây giờ có giá khoảng 14.000 đồng. Một đôi chiếu cần khoảng 6 cân cói, nhưng bán một đôi chiếu thường cũng chỉ được khoảng 120.000 đồng, chỉ có loại chiếu có mép bằng sợi đay, làm mất công hơn, nguyên liệu tốn hơn mới bán được giá khoảng 300.000 đồng, tính ra lãi không bõ công. Chính vì thế nên lao động ở Lật Dương bỏ nghề dệt chiếu và đi làm ở các nhà máy, khu công nghiệp. Có người tuổi ngoài 50 vẫn được tuyển, có xe về làng đón đi làm thì nghề chiếu làng tôi đang thất truyền cũng đúng”, ông Liêm thở dài.
Để tiếp tục sống với chiếu cói, người dân Lật Dương đi nhập chiếu từ Thái Bình, Thanh Hóa về bán buôn. Cả làng có 5 đại lý lớn buôn bán chiếu lớn và khoảng 150 người đi bán chiếu dạo.
Nói về nguy cơ mất nghề dệt chiếu ở Lật Dương, ông Phạm Văn Suốt, Chủ tịch UBND xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng, cho biết: “Chúng tôi cũng tuyên truyền vận động nhân dân giữ nghề . Tuy nhiên, xã cũng mong các cấp, các ngành nghiên cứu sao đó để xây dựng được một vùng nguyên liệu ổn định, vì nguyên liệu tốt, giá hợp lý là vấn đề sống còn của làng nghề”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.