Làng chài nghèo mưu sinh: Không chỗ... 'treo hồn'

Quang Viên
Quang Viên
21/02/2022 08:09 GMT+7

Nghề đi biển được ví “hồn treo cột buồm”. Nhưng có những ngư dân bãi ngang, làm biển trái mùa bằng phương tiện rất thô sơ thì không có cả cột buồm để… “treo hồn”.

Những ngày biển động, các tàu thuyền lớn đều phải nằm bờ vì không thể ra khơi. Thế nhưng, một số ngư dân ở làng chài nghèo xã Tam Tiến, H.Núi Thành, Quảng Nam vẫn chèo những chiếc xuồng nhỏ xíu, hoặc bơi thúng tròng trành vượt sóng gió không hề êm ả để đánh cá gần bờ, nhằm kiếm miếng cơm.

Có kinh nghiệm mới có thể điều khiển được chiếc thúng tròn vượt vùng sóng đất nguy hiểm

Xông sóng chém gió

Làng chài nghèo ở xã Tam Tiến, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, có những kỷ niệm không thể nào quên, thậm chí nó dằn vặt, ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Lúc đó, ở tuổi 15, tôi cùng người anh ruột, nửa đêm, khi trời yên, biển lặng đi đánh cá bằng thúng tròn. Nhưng thật bất ngờ, sáng hôm sau biển động dữ dội. Nếu không có những ngư dân hiền lành tốt bụng liều cả mạng sống của mình xông sóng dữ, chém gió to đi tìm, thì chắc chắn xác thân anh em tôi có thể đã nằm lại dưới biển. Ơn cứu mạng anh em tôi của những ngư dân này, gia đình chúng tôi không thể nào quên và chẳng thể nào trả hết.

Đó là câu chuyện đi biển của tôi gần 40 năm trước. Thế nhưng bây giờ, ở cái làng chài có phần hiện đại hơn khi có đường, có điện, có ghe tàu công suất lớn, thì nhiều ngư dân vẫn dùng phương tiện thô sơ như bơi thúng tròn hoặc chèo chiếc xuồng bé xíu xông sóng, chém gió kiếm tiền nuôi vợ con.

Hơn 4 giờ sáng, trời còn tối đen như mực, vậy mà nhiều ngư dân làm nghề lưới hai, lưới ba đã có mặt tại bãi biển thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến để bắt đầu “lừa sóng” đưa những chiếc thúng chai hoặc xuồng con ra biển. “Lừa sóng” là từ chính xác mà những ngư dân đi biển trái mùa ở đây dùng. Vì lẽ, biển trái mùa, sóng cũng “trái nết”. Những đụn sóng khá to cứ liên tục đổ vào bờ khiến ngư dân phải vất vả trổ hết kinh nghiệm xông sóng, chém gió của mình mới có thể đưa được phương tiện thô sơ vượt qua các đợt sóng đất (sóng gần bờ) để ra vùng đánh bắt. “Có khi mất nửa tiếng đồng hồ mới lừa qua được các đợt sóng đất to. Không ít người trất om (mất) bữa đi biển luôn vì lừa không qua sóng, bị sóng đánh chìm xuồng, chìm thúng”, anh Nguyễn Ánh (40 tuổi) tâm sự với chúng tôi trước khi kéo chiếc thúng tròn ra mép nước chuẩn bị đi đánh cá.

Ông Tự tươi như hoa vì trúng được mẻ cá hố

Thực tế sau đó, chúng tôi đã chứng kiến tài nghệ lừa sóng của anh Ánh. Hôm nay, anh Ánh đi đánh cá một mình, nhưng cả gia đình anh gồm cha mẹ, ông nội đều phụ kéo thúng ra mép nước và hồi hộp theo dõi anh điều khiển chiếc thúng tròn vượt sóng. “Bữa ni gió chừng cấp 3 nên sóng êm đó. Có bữa sóng to, gió lớn hơn ri nhiều mà hắn cũng đi”, ông Nguyễn Dân, cha anh Ánh, nói. Sóng êm như vậy, nhưng anh Ánh cũng nhiều lần tiến tới, thụt lui thì chiếc thúng tròn mới vượt ra khỏi vùng sóng đất liên tù tì cuộn vào bờ. Đến khi anh nhanh nhẹn phóc một cái lên chiếc thúng tròn, dốc hết sức lực bơi thoát vùng nguy hiểm thì tôi nhìn anh trên chiếc thúng không khác gì ngồi trong cái… chén. Một mình anh Ánh trên “cái chén” ấy, thật là mong manh và cô độc. Nếu ai nói “đàn ông đi biển có đôi” thì với làng chài này chưa đúng. Phần lớn những người đàn ông đi biển bằng thúng tròn ở đây chỉ đi một mình. “Đi một mình mới kiếm được chút tiền lo gia đình chứ đi hai người chia tiền ra còn ít lắm”, ông Dân chia sẻ.

Những ngư dân đi đánh cá sớm nhất và may mắn trúng thì tầm hừng đông trở lên đã vào bờ để bán được giá hơn cho những người thu mua cá, người địa phương gọi là dân rỗi. Một số ngư dân chưa đánh được nhiều cá thì cố bám trụ lại ngoài biển để kiếm cho bằng được số cá nào đó về bán kiếm tiền. Tôi cũng cố gắng bám trụ trên bờ biển từ sáng cho đến 3 giờ chiều, chứng kiến nhiều thúng tròn của những ngư dân “độc cô cầu bại” lần lượt vào bờ.

Ông Nguyễn Văn Tự (59 tuổi) khởi hành lúc 4 giờ sáng nhưng đến gần 3 giờ chiều mới vào bờ. Tuy nhiên, ông rất vui vì trúng được mẻ cá hố. Ông Tự cười tươi rói chỉ bao lưới đựng mẻ cá hố cũng tươi rói và nói: “Cá hố ni đóng lưới hai, tuy nhỏ mà tươi cong như rứa cũng bán cũng được 60.000 đồng/ký. Chắc chừng ni kiếm sáu, bảy trăm nghìn”. Thật sự nghề đi biển trái mùa đổ mồ hôi, sôi nước mắt và đối diện hiểm nguy, nhưng kiếm được số tiền như ông Tự cũng không phải dễ. “Trời thương kiếm đôi, ba trăm nghìn bạc một bữa. Cũng có khi về không…”, ông Tự tâm sự.

Ông Nguyễn Thắng trên chiếc xuồng bé xíu mà sáng mai ông đi biển sớm

Những ông già biển cả

Tôi hỏi Võ Rôn, một ngư dân trẻ: “Bây giờ, chắc chỉ có trai tráng mới đi biển trái mùa vì có sức xông sóng, chém gió?”. Rôn nói liền: “Chu cha, ở làng ni còn nhiều người già vẫn chèo xuồng, bơi thúng đi biển nghịch mùa lắm đó anh”. Mách có chứng, Rôn nhiệt tình đưa tôi ra bãi biển gặp các ngư dân hàng lão. Đang thu lưới lên chiếc xuồng nhỏ xíu, lão ngư dân Nguyễn Thắng (73 tuổi) nói oang oang: “Tui nói chú nghe. Tui làm biển từ hồi trẻ, chừ 73 rồi vẫn xông pha sóng gió để kiếm chén gạo”. Nhìn da thịt chắc nịch, cơ bắp rắn rỏi và giọng nói, tiếng cười hào sảng nhờ sóng gió, nước biển “luyện” nên của lão ngư dân này, có lẽ nhiều trai tráng cũng “ghiền”. Được biết, cụ Thắng đi biển cùng một người bạn từ khoảng 3 giờ sáng đến tầm 9 - 10 giờ thì vô bờ. Bất giác nhớ tới chuyến đi biển bão táp của mình, tôi hỏi cụ Thắng: “Có khi nào bác bị chìm xuồng chưa?”. “Có mấy lần sóng đánh chìm xuồng, trôi hết đồ rồi, mà mình còn sống thì còn đi biển kiếm tiền chớ sợ chi”, cụ Thắng nói cười sảng khoái. Trước khi chia tay, “ông già gân” này còn thổ lộ: “Bác còn thằng con đang học lớp 12, phải ráng đi biển để kiếm tiền nuôi nó ăn học. Dù chi, có cái chữ thoát khỏi cảnh làm biển cũng tốt hơn”.

Một ngư dân khoe chiến tích sau một đêm đi biển bằng thúng tròn

Quang Viên

Hỏi thêm thì được biết, có không ít cụ U.70, U.80 vẫn còn “chịu đùa” với con sóng. Như ông Nguyễn Dân, cha anh Ánh (69 tuổi), vẫn có thể “lừa” được những con sóng không hề êm ả vào mùa gió bấc để đánh bắt cá gần bờ. Bất ngờ hơn khi cụ Nguyễn Xuân (85 tuổi) tiết lộ mình mới nghỉ đi biển trái mùa năm ngoái. “Cả đời tui coi biển cả như cái nhà, mảnh đất để kiếm cơm. Sóng gió quen rồi. Chìm ghe, chìm thúng cũng có nhiều rồi mà tui sống nhăn”, cụ Xuân móm mém nói.

Tôi đi dọc bờ biển, nhìn những con sóng ì ầm vỗ trắng bờ, thấm lạnh vì gió, liên tưởng đến thảm họa đã từng ập xuống làng chài bãi ngang quê tôi nhiều năm về trước, lòng bỗng chùng xuống. Bao giờ người dân chài quê tôi không còn xông sóng, chém gió đi biển nghịch mùa kiếm miếng cơm?

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.